Thứ Ba, 19/03/2024 16:13:24 GMT+7

Tin đăng lúc 13-10-2019

Lượt xem: 1428

Hỗ trợ phát triển công nghệ và sản phẩm thương mại

Để thúc đẩy các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học ứng dụng trong cuộc sống, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Việt Nam đã triển khai hai chương trình là phát triển công nghệ và phát triển sản phẩm thương mại. Sau hai năm triển khai, kết quả đã tăng số lượng bằng độc quyền sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích và thu hút doanh nghiệp hợp tác nhà khoa học để phát triển sản phẩm.
Hỗ trợ phát triển công nghệ và sản phẩm thương mại
Nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học thực hiện dự án tạo thuốc hỗ trợ điều trị ung thư.

TS Hà Quý Quỳnh, Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam) cho biết, trước đây, “đầu ra” của các đề tài nghiên cứu không bắt buộc phải có bằng độc quyền sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích, mà chỉ có các bài báo công bố trên các tạp chí. Với Chương trình Phát triển công nghệ, tiêu chí bắt buộc khi nghiệm thu đề tài là bên cạnh các bài báo công bố, phải có bằng độc quyền sáng chế hoặc bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Mục tiêu của chương trình nhằm khẳng định tính pháp lý của các kết quả nghiên cứu, tạo thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ. Chương trình Phát triển sản phẩm thương mại như một sự tiếp nối của Chương trình Phát triển công nghệ, khi “đầu vào” là các kết quả nghiên cứu có bằng độc quyền sáng chế hoặc bằng độc quyền giải pháp hữu ích và được doanh nghiệp tiếp cận để phát triển thành sản phẩm hàng hóa. Để được nghiệm thu đề tài phát triển sản phẩm thương mại, doanh nghiệp và nhà khoa học phải chứng minh đã bán được sản phẩm trên thị trường, ít nhất là một phần ba số lượng sản phẩm. Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai loại hình nhiệm vụ này. Các tiêu chí xét chọn và mục tiêu đầu ra bám sát nhu cầu thị trường, phù hợp xu hướng phát triển KH và CN gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Sau hai năm triển khai, đã có sự chuyển hướng quan tâm của nhiều nhà khoa học đối với nghiên cứu ứng dụng và đưa kết quả nghiên cứu vào phục vụ cuộc sống. Năm 2018, có 50 nhiệm vụ đăng ký Chương trình Phát triển công nghệ, 20 dự án đăng ký Chương trình Phát triển sản phẩm thương mại, trong đó có bảy nhiệm vụ được Chương trình Phát triển công nghệ và bốn dự án được Chương trình Phát triển sản phẩm thương mại xét chọn hỗ trợ cấp kinh phí. Năm 2019, có 25 nhiệm vụ, 20 dự án đăng ký, trong đó có tám nhiệm vụ được xét chọn hỗ trợ cấp kinh phí.

 

Kỹ sư Hoàng Đại Tuấn, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam) cho biết, ông đang phát triển công nghệ thu sinh khối đa cấp, tạo viên nén hữu cơ sinh học từ nguồn phế phụ phẩm mía đường dùng làm thức ăn bổ sung cho động vật ăn cỏ và nuôi trồng thủy sản. Nhờ sự hỗ trợ của chương trình, kết quả nghiên cứu được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích của ông có điều kiện để thương mại hóa. Ông Tuấn đang kết hợp Công ty cổ phần Nghiên cứu phát triển công nghệ sạch (Phú Riềng, Bình Phước) để ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Cùng với sự hỗ trợ kinh phí của Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam, Công ty cổ phần Nghiên cứu phát triển công nghệ sạch hỗ trợ 600 triệu đồng để sản xuất và sau khi kết thúc dự án của chương trình, doanh nghiệp sẽ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Đánh giá về chủ trương triển khai hai chương trình hỗ trợ, kỹ sư Hoàng Đại Tuấn cho rằng, tuy số lượng các nhiệm vụ chưa nhiều, nhưng mở ra cơ hội cho các nhà khoa học có thể rút ngắn thời gian nghiên cứu so với trước đây, từ nghiên cứu ứng dụng có thể triển khai thương mại hóa ngay để đẩy nhanh việc đưa sản phẩm ra thị trường. Trước đây, quy trình quản lý và nghiên cứu bắt buộc các nhà khoa học phải mất từ 12 đến 15 năm để qua các bước: Nghiên cứu cơ bản; nghiên cứu ứng dụng; nghiên cứu sản xuất thử nghiệm; xây dựng mô hình KH và CN để sản xuất. Thời gian nghiên cứu kéo dài, lượng kinh phí hạn chế khiến các sản phẩm khó ra được thị trường dù các đề tài có tính thời sự, sở hữu các công nghệ rất cần thiết cho cuộc sống. Quy trình nghiên cứu ứng dụng hiện nay được rút ngắn khoảng từ 7 đến 8 năm, do không phải qua nhiều lần xây dựng đề tài, dự án và kinh phí cũng được tập trung hơn cho các nghiên cứu ứng dụng. Theo đánh giá của Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam, số lượng các bằng sáng chế và giải pháp hữu ích dần tăng kể từ khi triển khai các chương trình, với 50 bằng năm 2018, tăng 15% so với năm 2017; dự kiến năm 2019 số bằng sáng chế, giải pháp hữu ích tiếp tục tăng.

 

Các sản phẩm thương mại đầu tiên của chương trình sẽ có mặt trên thị trường vào năm 2020. Tuy vậy, các nhà khoa học nhận định, vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ để tạo hành lang thuận lợi cho phát triển công nghệ và ứng dụng triển khai. PGS,TS Lê Quang Huấn (Viện Công nghệ sinh học - Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam) cho rằng, chủ trương thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và triển khai thương mại hóa kết quả nghiên cứu rất cần thiết hiện nay, nhưng nên linh hoạt để đạt hiệu quả cao. Thí dụ, các sản phẩm triển khai theo hướng y, dược cần có thời gian thực hiện dài hơn so hai năm như quy định hiện nay của chương trình. Bởi vì, các sản phẩm y, dược bắt buộc phải được thử nghiệm lâm sàng, trong khi thử nghiệm lâm sàng nhanh nhất là ba năm, sẽ có trường hợp chưa thử nghiệm lâm sàng xong đã phải kết thúc thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, nhiệm vụ yêu cầu phải bán được sản phẩm, nhưng nếu chưa thử nghiệm lâm sàng xong thì sản phẩm không thể bán được. Thạc sĩ Bá Thị Châm (Viện Hóa học - Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam) cho rằng, việc cấp các bằng độc quyền sáng chế, độc quyền giải pháp hữu ích của Cục Sở hữu trí tuệ cần được đẩy nhanh hơn. Hiện, nhiều trường hợp phải mất từ ba đến bốn năm mới được cấp, trong khi thời hạn thực hiện đề tài chỉ có hai năm, làm ảnh hưởng việc nghiệm thu đề tài.

 

Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam kỳ vọng, Chương trình sẽ được nhiều doanh nghiệp đón nhận, hợp tác hơn nữa để các kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ sớm đi vào đời sống, giúp doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong mọi khâu sản xuất, đưa sản phẩm có hàm lượng KH và CN cao phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

 

Theo Báo Nhân Dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang