Thứ Năm, 25/04/2024 17:23:41 GMT+7

Tin đăng lúc 29-09-2015

Lượt xem: 4467

Hỗ trợ trực tiếp giá điện đến hộ nghèo, hộ chính sách, hàng năm Nhà nước đã phải bỏ ra khoảng 2.100 tỷ đồng

Mới đây dư luận cũng khá ồn ào về việc có nhiều hộ dùng điện ở Hà Nội bức xúc về việc hóa đơn tiền điện tăng vọt một cách bất thường. Bộ Công Thương và ngành Điện thì cũng đã đứng ra giải thích rõ là do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng đột biến, cộng với do cách tích điện tăng lũy tiến như hiện nay dẫn đến việc tiền điện tăng. Qua câu chuyện này cho thấy một điều là để tìm được tiếng nói chung giữa người bán điện và người mua điện vẫn còn rất khó khăn.
Hỗ trợ trực tiếp giá điện đến hộ nghèo, hộ chính sách, hàng năm Nhà nước đã phải bỏ ra khoảng 2.100 tỷ đồng
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thăm phòng điều độ của Công ty Điện lực Hai Bà Trưng, EVN HANOI

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết: Hầu hết các nước phát triển trên thế giới như: Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc hay các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, thậm chí cả Lào là nước sát với Việt Nam cũng đang áp dụng giá điện theo các bậc tăng dần, mục tiêu là nhằm khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

 

Thống kê tại nhiều nước phát triển như Nhật, Mỹ hoặc 9 nước trong khu vực Asean (bao gồm cả VN) đều áp dụng theo biểu giá lũy tiến. Các nước lân cận như Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc các nước ở Nam Phi, Nam Mỹ đều áp dụng biểu giá sinh hoạt lũy tiến này. Có thể nói việc áp dụng biểu giá lũy tiến là một thông lệ nhằm khuyến khích người sử dụng điện tiết kiệm, tất nhiên là bậc của giá sinh hoạt phải phù hợp với thực tế tiêu dùng của từng nước. Ở Việt Nam đang áp dụng Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ quy định biểu giá điện sinh hoạt có 6 bậc. Bậc này được xây dựng trên cơ sở thực tế điện sinh hoạt của chúng ta, qua áp dụng các năm và cũng tạo động lực cho chúng ta tiết kiệm điện trong sinh hoạt.

 

Giải thích về việc Bộ Công Thương lấy mốc tiêu thụ đầu tiên là 50 kWh, mức này có quá thấp so với nhu cầu sử dụng điện trong mùa nắng nóng của các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt hay là không? Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: Một trong những định hướng quan trọng của cải cách ngành Điện cũng như cải cách giá điện là chúng ta phải từng bước tiến tới thị trường. Trong những năm qua, Việt Nam đã từng bước điều hành giá điện theo cơ chế thị trường với các yếu tố đầu vào có ảnh hưởng trực tiếp đến giá điện, mặt khác cũng phải điều hành giá điện để đảm bảo được chính sách an sinh xã hội, đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì năm 2014, tổng số hộ sử dụng điện có mức sử dụng điện dưới 50 kWh/tháng khoảng 4,7 triệu hộ, chiếm trên 20% số hộ sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt, bình quân của hộ này là 29 kWh/tháng. Khi chúng ta xây dựng biểu giá bán lẻ điện phải căn cứ vào sử dụng điện thực tế, khả năng thực hiện tiếp các chính sách hỗ trợ cho người nghèo. Qua số liệu thống kê trên thì cơ sở xây dựng biểu giá điện đầu tiên 50 kWh là hợp lý, thể hiện một số lượng lớn khách hàng hiện nay đang sử dụng chỉ ở mức 50 kWh. Sau khi xây dựng biểu giá này theo như quy định của Nhà nước thì Chính phủ cũng đã hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo theo tiêu chí: Thu nhập dưới 400.000 đ/hộ/tháng của nông thôn, dưới 500.000 đ/hộ/tháng đối với thành thị được Chính phủ hỗ trợ trực tiếp. Chính phủ cũng hỗ trợ cho các hộ sinh hoạt hậu chính sách xã hội mà sử dụng dưới 50 kWh với mức bằng mức của hộ nghèo và theo như cơ cấu biểu giá điện mới nhất hiện nay, thì mỗi tháng Chính phủ hỗ trợ trực tiếp là 49.000 đồng/tháng. Như vậy, với mức quy định giá điện đầu tiên, các hộ nghèo, hộ chính sách sẽ được hưởng như các hộ tiêu thụ điện khác giá điện ở mức thấp nhất, có nghĩa là bằng giá thành. Với mức hỗ trợ trực tiếp đến hộ nghèo, hộ chính sách, thì hàng năm Nhà nước đã phải bỏ ra khoảng 2.100 tỷ đồng.

 

 

Hội nghị triển khai ứng dụng công nghệ đo ghi từ xa trong kinh doanh điện năng

 

Được biết, vừa qua, một số khách hàng đã gửi đơn khiếu nại về giá điện và cách tính hóa đơn tiền điện đến cơ quan Điện lực nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng, trong khi chúng ta chưa có một cơ quan độc lập để kiểm định hóa đơn tiền điện, nhằm xử lý khiếu nại của người dân. Theo tổng hợp của phóng viên, thì hầu hết ý kiến khiếu nại về hóa đơn tiền điện cao chủ yếu là ở các thành phố lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Hai tháng 6 và 7/2015, thời tiết nắng nóng bất thường khiến nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng đột biến. Chị Nguyễn Thị Hương - lao động tự do thuê nhà ở Kim Giang, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: Tháng 6 và đầu tháng 7, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ về đêm cũng lên tới 37 – 39 độ, nên cả dãy nhà ai cũng bảo bớt ăn, bớt tiêu để chung nhau mua điều hòa nhiệt độ, vì vậy tiền điện cũng tăng gấp đôi. Cũng sót lắm nhưng bù lại được giấc ngủ ngon, đảm bảo sức khỏe để còn làm việc lâu dài.

 

Đề cập tới việc khiếu nại của người dân, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Theo quy định tại Luật Điện lực thì khi bất cứ khách hàng sử dụng điện nào có thắc mắc về công tơ điện, hoặc hóa đơn tiền điện thì họ có thể đến trực tiếp đơn vị bán điện, cụ thể là các công ty điện lực tại các tỉnh, thành phố để khiếu nại về hóa đơn tiền điện, hay thiết bị tính tiền điện. Trong vòng 3 ngày, các công ty điện lực, hoặc đơn vị bán lẻ điện phải trả lời. Trường hợp khách hàng vẫn chưa hài lòng, thỏa mãn với giải thích của công ty điện lực thì họ có thể đến cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương là các Sở Công Thương tại các tỉnh, thành phố để khiếu nại. Theo quy định, Sở Công Thương sẽ phải đứng ra để kiểm tra và trả lời thắc mắc của khách hàng. Có thể nói là chúng ta đã có một cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương kiểm định vấn đề hóa đơn tiền điện cũng như công tơ tiền điện theo quy định của Luật Điện lực.

 

Nguyễn Đừng


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang