Thứ Tư, 24/04/2024 19:24:52 GMT+7

Tin đăng lúc 19-01-2022

Lượt xem: 909

Hoàn thiện thể chế pháp lý: Tập trung hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm phát sinh nhiều vấn đề về pháp lý. Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Hoàn thiện thể chế pháp lý: Tập trung hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Bộ Công Thương đã kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh

Theo Vụ Pháp chế, năm 2021 các chương trình, kế hoạch công tác pháp lý của Bộ Công Thương như: Xây dựng, kiểm tra, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), theo dõi tình hình thi hành pháp luật, quản lý xử lý vi phạm hành chính, tuyên truyền, phổ biến pháp luật; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; luật pháp quốc tế… cơ bản đã đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Trong đó, thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung chương trình xây dựng VBQPPL trong năm 2021, Bộ Công Thương đã trình/ban hành 29 văn bản gồm 6 Nghị định và 23 Thông tư, đạt tỷ lệ hoàn thành 100%.

 

Ngoài ra, với quan điểm không ngừng đổi mới, quyết liệt hành động và tiếp nối những thành quả đạt được từ công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực quản lý từ các năm trước đó, Vụ Pháp chế thông tin, Bộ Công Thương sau các lần cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, Bộ đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa tổng cộng 880 điều kiện trên tổng số 1.216 điều kiện (chiếm 70%). Như vậy, hiện nay, số lượng điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương còn lại 553 điều kiện thuộc 25 ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.


Dù có nhiều gián đoạn do tình hình dịch bệnh, nhưng Bộ Công Thương cũng đã kiểm tra và kiến nghị chỉnh sửa đối với 400 văn bản do các bộ, ngành và địa phương ban hành liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương.

 

Về thực hiện quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, trước các xáo trộn của hoạt động sản xuất, kinh doanh do dịch Covid-19, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai tích cực các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng. Đáng kể, Bộ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động cung cấp thông tin, tư vấn cũng như tăng cường tiếp nhận vướng mắc và giải đáp, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp… Qua đó giúp doanh nghiệp nắm bắt kịp thời, đầy đủ các quy định pháp luật trong lĩnh vực nhà nước của Bộ Công Thương, cũng như tạo hành lang pháp lý an toàn, hiệu quả cho hoạt động và phát triển của doanh nghiệp.

 

Năm 2022 dịch Covid-19 vẫn khó đoán định, các hoạt động kinh tế, xã hội dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật của Bộ Công Thương vì thế cũng được đánh giá là hết sức nặng nề. Trước tình hình đó, với vai trò tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật trong ngành Công Thương, ông Nguyễn Anh Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - cho biết, Vụ sẽ tiếp tục tập trung thực hiện đẩy mạnh xây dựng pháp luật, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, theo dõi tình hình thi hành pháp luật cũng như quản lý xử lý vi phạm hành chính; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác giám định tư pháp; tham gia đàm phán các nội dung liên quan đến pháp lý và thể chế trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do. "Vượt lên các trở ngại, Vụ Pháp chế sẽ tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu trong công tác xây dựng thể chế của Bộ để các hoạt động hoàn thiện thể chế ngày càng hiệu quả, thực chất, đi vào chiều sâu"- ông Sơn nhấn mạnh.

 

Bộ Công Thương sẽ tăng cường hơn nữa sự tương tác giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân và doanh nghiệp; góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện hoạt động quản lý nhà nước của Bộ.

 

Theo Congthuong


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang