Thứ Sáu, 19/04/2024 09:38:53 GMT+7

Tin đăng lúc 01-02-2018

Lượt xem: 4413

Hoạt động Công Thương địa phương: Một năm nhìn lại

Năm 2017 là năm bản lề trong công tác thay đổi cơ cấu tổ chức của Cục Công Thương địa phương (CTĐP). Nhìn lại một năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song, hoạt động Công Thương địa phương đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Hoạt động Công Thương địa phương: Một năm nhìn lại
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng thăm gian hàng tại Hội chợ hàng CNNT 2017

Ổn định tổ chức

 

Triển khai nhiệm vụ của Chính phủ về tái cơ cấu, ngày 02/10/2017 Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3768/QĐ-BCT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục CTĐP; theo đó, Cục CTĐP là đơn vị thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước đối với lĩnh vực: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN); khuyến công (KC); cụm công nghiệp (CCN); doanh nghiệp (DN) công nghiệp nhỏ và vừa; tổng hợp chung tình hình phát triển công nghiệp, thương mại tại các địa phương và trên phạm vi cả nước; tổ chức, quản lý hoạt động sự nghiệp dịch vụ công thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý của Cục.

 

Mặc dù phạm vi các lĩnh vực quản lý rộng hơn, chức năng nhiệm vụ được giao nặng nề hơn hơn, trong khi biên chế nhân sự còn thiếu, nhưng được sự quan tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ Công Thương, bằng những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ nhằm tháo gỡ khó khăn, cùng với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Cục CTĐP tiếp tục ổn định tổ chức với cơ cấu rút gọn còn 05 đơn vị hành chính và 01 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, đồng thời, phối hợp chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực được giao. Nhờ vậy, công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực CN - TTCN, khuyến công, CCN, DN công nghiệp nhỏ và vừa của Cục vẫn được triển khai theo đúng định hướng, đóng góp không nhỏ vào thành tích chung trong năm 2017 của Bộ Công Thương.

 

Những điểm sáng trong hoạt động Công Thương địa phương

 

“Điểm sáng” đầu tiên trong năm 2017 phải kể đến đó là công tác khuyến công. Trong năm qua, kinh phí khuyến công Quốc gia được giao là 111,350 tỷ đồng/278 đề án, kết thúc năm, Cục CTĐP đã triển khai ký hợp đồng và giao nhiệm vụ thực hiện 111,350 tỷ đồng cho 278 đề án, đạt 100% kinh phí đã giao. Các đề án khuyến công được triển khai thực hiện phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển của ngành, lợi thế của từng địa phương; tổ chức thực hiện sử dụng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia đúng mục đích, đúng chế độ và đạt hiệu quả cao đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công tác khuyến công từ trung ương đến các địa phương đều bám sát các DN, cơ sở sản xuất CNNT để tháo gỡ kịp thời những khó khăn và triển khai các nội dung trương trình phù hợp với từng đơn vị. Vì vậy, tại các Hội nghị Khuyến công vùng diễn ra trong năm 2017, hầu hết các địa phương đều khẳng định: Cơ bản các đề án Khuyến công đã bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình Khuyến công quốc gia, góp phần tích cực hỗ trợ và phát triển DN. Chương trình cũng ngày càng thu hút được nhiều sự quan tâm của các DN, cơ sở CNNT, đặc biệt là các cơ sở sản xuất nhỏ ở những vùng kinh tế còn khó khăn.

 

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh thăm gian hàng tại Hội chợ sản phẩm CNNT tiêu biểu khu vực phía Bắc.

 

Không chỉ sâu sát việc triển khai các đề án, Cục CTĐP còn phối hợp tổ chức thành công các Hội nghị Công Thương; Hội nghị công tác Khuyến công; Hội chợ - Triển lãm hàng CNNT tiêu biểu tại các tỉnh Thừa Thiên – Huế, TP. Hồ Chí Minh và Phú Thọ; Hội thảo “Phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu – cơ hội từ ASEAN”.... Đây được đánh giá là những hoạt động quan trọng, nhất là các Hội chợ - Triển lãm, bởi thông qua các Hội chợ, các tổ chức, cá nhân có cơ hội quảng bá các sản phẩm CNNT tiêu biểu, tạo mối liên kết, trao đổi hàng hóa, thúc đẩy đầu tư, đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam. Đồng thời, tạo điều kiện tốt để phát huy điểm mạnh của mỗi DN, mỗi địa phương và cả khu vực trong phát triển CN - TTCN, thương mại và dịch vụ nhằm góp phần phát triển thương mại, dịch vụ của cả nước.

 

Cũng trong năm qua, bên cạnh các hoạt động sôi nổi của khuyến công thì công tác theo dõi về Công Thương địa phương; quản lý CCN; phát triển CN – TTCN và doanh nghiệp… cũng đạt được những kết quả tốt. Việc hướng dẫn, theo dõi, quản lý sự phát triển của các CCN đã được thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ; xử lý kịp thời kiến nghị, vướng mắc của địa phương liên quan đến các đề án hỗ trợ CCN. Công tác theo dõi, thu thập, cập nhật thông tin, tổng hợp các báo cáo về tình hình CTĐP cũng được thực hiện kịp thời và duy trì tốt với chất lượng ngày càng được nâng cao. Qua đó, phát huy được vai trò là đơn vị đầu mối giúp Lãnh đạo Bộ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đáng chú ý là công tác phát triển CN-TTCN, làng nghề trên địa bàn nông thôn được triển khai hiệu quả, trong đó có việc tổ chức bình chọn và tôn vinh 102/171 sản phẩm, bộ sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia, đã góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn.

 

Để hoạt động Công Thương địa phương ngày càng hiệu quả

 

 

Công tác phát triển CN – TTCN, làng nghề triển khai có hiệu quả góp phần đẩy mạnh CNH nông thôn

 

Phát huy thành quả đạt được, bước sang năm 2018, Cục CTĐP đã quán triệt các đơn vị phải bám sát chương trình công tác và kế hoạch, chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để thực hiện tốt nhiệm vụ Cục được giao. Tiến độ công việc phải được rà soát thường xuyên để kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc, không để công việc tồn đọng, chậm tiến độ. Đặc biệt, việc xây dựng kế hoạch KC năm 2018, phải hướng tới mục tiêu tạo sự lan tỏa lớn, tận dụng được tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng. Các đề án cần tập trung vào các nội dung như: Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến; hỗ trợ các hoạt động tư vấn nhằm nâng cao năng lực quản lý sản xuất - tài chính - kế toán - nhân lực và năng lực quản lý DN; hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các CCN… Cùng với đó, Cục đã yêu cầu các Trung tâm KC phải tập trung bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ làm công tác KC ở cấp tỉnh, huyện để đáp ứng được yêu cầu công việc.

 

Có thể thấy, hoạt động Công Thương tại các địa phương thời gian qua đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển KT-XH chung của mỗi tỉnh thành; Đặc biệt là hoạt động khuyến công, được đánh giá là một trong những chương trình kinh tế đạt hiệu quả cao, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển CNNT. Với nền tảng đã xây dựng được, tin tưởng rằng các hoạt động Công Thương địa phương sẽ ngày càng đi vào chiều sâu, có sự lan tỏa rộng hơn, góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương theo hướng hiện đại hóa CNNT./.

 

NQ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang