Thứ Năm, 25/04/2024 17:45:30 GMT+7

Tin đăng lúc 24-08-2018

Lượt xem: 2718

Hoạt động Khuyến công phía Nam: Nhân tố quan trọng góp phần phát triển công nghiệp nông thôn

Chiều ngày 23/8/2018, tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Sở Công Thương Đồng Tháp tổ chức Hội nghị công tác Khuyến công các tỉnh, thành khu vực phía Nam lần thứ IX năm 2018 nhằm tổng kết và đánh giá những kết quả đã đạt được trong công tác khuyến công thời gian qua; nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành kế hoạch khuyến công từ nay tới cuối năm.
Hoạt động Khuyến công phía Nam: Nhân tố quan trọng góp phần phát triển công nghiệp nông thôn

Tham dự Hội nghị, về phía Bộ Công Thương có các ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương; Ngô Quang Trung - Cục Công Thương địa phương. Phía tỉnh Đồng Tháp có các ông Nguyễn Tôn Hoàng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp; Châu Hồng Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp; cùng các đại biểu đến từ 20 Sở Công Thương và Trung tâm Khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

 

Theo báo cáo được trình bày tại Hội nghị, năm 2017, tổng kinh phí khuyến công thực hiện của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là 57,615 tỷ đồng, đạt 84,12% so với kế hoạch năm là 68,495 tỷ đồng, tăng 2,61% so với tổng kính phí khuyến công thực hiện năm 2016 . Bước sang năm 2018, nguồn kinh phí khuyến công cho toàn vùng là 73,781 tỷ đồng và trong 7 tháng đầu năm, tổng mức kinh phí đã thực hiện đạt 19,62 tỷ đồng, tương đương 26,59% kế hoạch năm. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia đã triển khai thực hiện 7,03 tỷ đồng và kinh phí khuyến công địa phương là 12,6 tỷ đồng.

 

 

Ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương phát biểu tại Hội nghị

 

Đánh giá về kết quả hoạt động khuyến công của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương cho rằng, công tác triển khai các nội dung hoạt động khuyến công của các tỉnh, thành phố phía Nam đã ngày càng đa dạng và phong phú hơn; các hoạt động khuyến công đã bám sát mục tiêu, kế hoạch của Chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, qua đó đã động viên và huy động được các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Đồng thời góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và xây dựng nông thôn mới.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được thì một số mặt của công tác khuyến công tại khu vực phía Bắc vẫn còn hạn chế như: Việc xác định những ngành nghề, sản phẩm tại một số địa phương để tập trung hỗ trợ phát triển vẫn chưa rõ nét dẫn đến các đề án không đúng nội dung chương trình, nhiều nội dung hoạt động khuyến công quốc gia chưa được triển khai. Hơn nữa, mức kinh phí khuyến công hỗ trợ còn hạn chế, chưa thật sự hấp dẫn, thu hút với các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào sản xuất CNNT và phát triển các dịch vụ khuyến công. Ngoài ra, cán bộ làm công tác khuyến công tại các huyện ít và chủ yếu là kiêm nhiệm, nghiệp vụ công tác khuyến công hạn chế, thiếu kinh nghiệm và thường xuyên luân chuyển đã ảnh hưởng đến công tác tư vấn, hướng dẫn lập đề án. Việc khảo sát, xây dựng đề án khuyến công còn yếu. Bên cạnh đó, các cơ sở CNNT hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, hộ cá thể nên hạn chế về nguồn vốn, sản xuất còn nhỏ lẻ, sản phẩm đơn điệu, thiếu kế hoạch, chiến lược phát triển dài hạn nên dễ có biến động trong quá trình đầu tư dẫn đến phải xin ngừng, điều chỉnh kế hoạch.

 

Trước những thực tế đó, Cục Công Thương địa phương đã đề ra một số giải pháp, đồng thời đề nghị các địa phương cần tập trung thực hiện để hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2018. Trong đó, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện đề án khuyến công đảm bảo đúng tiến độ, quy định; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ làm cơ sở để xem xét đánh giá năng lực thực hiện và khen thưởng về công tác khuyến công năm 2018; tổ chức nghiệm thu cơ sở và kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí khuyến công thực hiện trên địa bàn đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích và đúng các quy định hiện hành; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai đề án khuyến công; kịp thời đề nghị tạm ứng kinh phí thực hiện đề án, thanh lý hợp đồng và quyết toán kinh phí theo quy định.

 

Bên cạnh đó, các đơn vị cần phải thực hiện theo định hướng của Chính phủ về cơ cấu lại ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020. Trong đó, cần phải đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn. Hướng tới hình thành các cụm công nghiệp hỗ trợ theo cụm liên kết chuỗi ngành, xây dựng mô hình các cơ sở CNNT đi đầu, dẫn dắt các cơ sở khác tại địa phương và các địa phương lân cận. Ngoài ra, các tỉnh phải tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng phương thức các hoạt động thông tin tuyên truyền, cải tiến nội dung thông tin tuyên truyền để chuyển tải đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin về cơ chế, chính sách, các hoạt động khuyến công và công nghiệp địa phương tới các cơ sở CNNT.

 

Tuấn Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang