Thứ Bẩy, 20/04/2024 07:57:27 GMT+7

Tin đăng lúc 26-12-2018

Lượt xem: 7035

Hội nghị đánh giá việc phối hợp chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua 3 tỉnh miền Trung

Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia vừa phối hợp với các ngành như: Hải quan, Biên phòng, UBND 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị tổ chức Hội nghị đánh giá việc thực hiện Kế hoạch 260 KH-VPTT về việc phối hợp tăng cường chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của 3 tỉnh nói trên.
Hội nghị đánh giá việc phối hợp chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua 3 tỉnh miền Trung
Chánh VPTT Đàm Thanh Thế đánh giá cao kết quả triển khai KH 260 của 3 tỉnh miền Trung. Ảnh: TH

Theo đánh giá của Chánh VPTT Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế, qua 5 tháng triển khai thực hiện Kế hoạch số 260, nhìn chung tình hình hoạt động buôn lậu (BL), vận chuyển trái phép (VCTP) hàng hóa qua khu vực biên giới, cửa khẩu, cảng biển và địa bàn nội địa các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị không có diễn biến phức tạp, không phát sinh các điểm nóng.

 

Tuy nhiên, tại một số thời điểm nhất định, hoạt động mua bán, VCTP ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam có chiều hướng gia tăng về cả số vụ và số lượng ma túy; các hoạt động nhập lậu, VCTP và GLTM các loại hàng hóa (đường cát, thuốc lá điếu, rượu, bia, nước ngọt, nông sản, gia cầm giống...) có nguồn gốc nước ngoài diễn ra nhỏ lẻ tại một số địa bàn khu vực biên giới, cửa khẩu trọng điểm và một số tuyến đường bộ, đường sông từ biên giới vào nội địa.

 

Tại Hà Tĩnh: Nổi lên là hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) các loại hàng mỹ phẩm, gỗ, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu qua khu vực cửa khẩu quốc tế (CKQT) Cầu Treo; hoạt động mua bán, VCTP ma túy tổng hợp, heroin, pháo, rượu qua một số địa bàn biên giới, cửa khẩu trọng điểm.

 

Tại Quảng Bình: Nổi lên hoạt động XNK các loại hàng thạch cao, trái cây, gạo, phân bón, quặng đồng, vật liệu xây dựng, hàng dệt may, hàng tiêu dùng (trong đó hàng hóa quá cảnh vẫn chiếm tỷ lệ lớn về trọng lượng và kim ngạch) qua khu vực CKQT Cha Lo; hoạt động mua bán, VCTP ma túy tổng hợp, pháo, vật liệu nổ, gỗ; hoạt động GLTM một số mặt hàng điện, điện tử, mỹ phẩm, nông sản, gia cầm tại CKQT Cha Lo.

 

Tại Quảng Trị: Nổi lên hoạt động XNK các loại các hàng trái cây, gạo, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng qua các CKQT Lao Bảo, La Lay; hoạt động VCTP ma túy tổng hợp, đường cát, thuốc lá điếu, rượu, bia, nước giải khát có nguồn gốc nước ngoài diễn ra mang tính nhỏ lẻ trên dọc sông Sê Pôn, đường mòn, lối mở hai bên CKQT Lao Bảo, các xã Tân Thanh, Tân Long, Tân Hợp thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

 

Các đối tượng buôn lậu đã chia lẻ, cất giấu hàng cấm, hàng lậu (ma túy, pháo nổ, hàng tiêu dùng có thuế suất cao, mỹ phẩm…) trong quần áo, hành lý, cốp xe mô tô, trong các kiện hàng, thùng hàng trên cabin, các khoang tự chế (hầm, vách ngăn bí mật...) của các phương tiện xe khách, xe tải chạy tuyến từ Việt Nam qua các cửa khẩu sang Lào và ngược lại để BL, VCTP hàng hóa qua biên giới, khu vực cửa khẩu.

 

 Vận chuyển hàng hóa tập kết tại các bãi, bến sông... giáp biên giới, thuê người giám sát hoạt động của lực lượng chức năng, sau đó lợi dụng đối tượng có tiền án, tiền sự, cư dân vùng biên giới, người dân tộc bản địa, thông thạo địa bàn, người dân đi làm ăn tại Lào về để VCTP hàng cấm (ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, pháo, động vật hoang dã...) và cõng, vác, vận chuyển hàng lậu qua đường mòn, lối mở, sông biên giới, khu vực hai bên cửa khẩu về nội địa Việt Nam.

 

Cố ý khai sai, khai khống số lượng, chủng loại hàng hóa (trong các thùng, hầm, dưới ghế ngồi của phương tiện vận tải, trong hành lý cá nhân) khi làm thủ tục XNK tại các cửa khẩu để BL, GLTM, trốn thuế…

 

 

Hội nghị có sự tham gia của đại diện các ngành và lực lượng chức năng thực thi của 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị. Ảnh: TH

 

Tại Hội nghị, đại diện các lực lượng chức năng cho biết, để triển khai hiệu quả Kế hoạch, các đơn vị, địa phương đã ban hành chương trình, kế hoạch, quyết định, công điện, công văn... chỉ đạo: Chủ động, phối hợp nắm chắc tình hình địa bàn nội, ngoại biên; thành lập tổ công tác liên ngành; phối hợp triển khai lực lượng, phương tiện, trang bị kỹ thuật (quan sát, soi quét), biện pháp nghiệp vụ trên tuyến biên giới, cửa khẩu, địa bàn nội địa trọng điểm; tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát các đường mòn, lối mở qua lại khu vực biên giới, cửa khẩu để phát phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi BL, VCTP hàng cấm, hàng hóa khác qua biên giới; kiểm tra, kiểm soát hàng quá cảnh vi phạm sở hữu trí tuệ; ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi sử dụng các loại phương tiện hoán cải để BL, VCTP hàng hóa trên các tuyến đường bộ từ khu vực biên giới, cửa khẩu về các địa bàn nội địa.

 

Rà soát, thống kê, lập danh sách các địa điểm, kho bãi tập kết hàng lậu, các tuyến đường bộ, đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới, địa bàn nội địa hoặc từ biên giới, cửa khẩu về nội địa và các đối tượng thường xuyên hoạt động vận chuyển thuê hàng hóa ở khu vực biên giới, cửa khẩu, các đối tượng lợi dụng vận chuyển hàng lậu, các doanh nghiệp XNK, hộ kinh doanh ở khu vực biên giới nghi vấn BL hoặc chứa chấp hàng nhập lậu; rà soát đăng ký, quản lý cư trú của người và phương tiện, vận động các chủ hộ dân ở khu vực biên giới viết cam kết không BL hoặc tiếp tay cho BL, VCTP hàng hóa qua biên giới…

 

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ban hành hàng chục văn bản đôn đốc, tham mưu lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo các đơn vị, địa phương phối hợp quán triệt, triển khai thực hiện Kế hoạch số 260; tổ chức khảo sát, nắm, đánh tình hình và công tác triển khai Kế hoạch số 260 trên các địa bàn, tuyến trọng điểm; theo dõi, đôn đốc các đơn vị, địa phương chủ động nắm tình hình, đánh giá tính chất từng địa bàn để bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ bảo đảm thực hiện kế hoạch hiệu quả; tổ chức tuyên truyền tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua đường dây nóng nắm, cung cấp kịp thời hàng chục tin về hoạt động BL, GLTM, HG, VCTP hàng hóa qua biên giới các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị cho các đơn vị, địa phương xác minh, xử lý.

 

Kết quả, trong 5 tháng thực hiện kế hoạch, các đơn vị, địa phương đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 1.089 vụ/1.105 đối tượng, thu giữ hàng hóa tổng trị giá khoảng 19.304.000.000 đồng. Trong đó: Khởi tố hình sự 78 vụ/104 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách nhà nước 3.754.865.000 đồng, tịch thu hàng hóa thanh lý trị giá 3.238.589.000 đồng, tịch thu hàng hóa chưa thanh lý trị giá khoảng 8.902.953.000 đồng.

 

Thời gian tới, các ngành, UBND 3 tỉnh tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng trên toàn quốc thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin; tích cức phối hợp hiệp đồng đồng bộ, chặt chẽ, thực hiện tốt  nội dung qui chế phối hợp để tạo được sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, chống BL, GLTM, HG, VCTP hàng hóa.

 

Xử lý nghiêm trường hợp sai phạm trong công tác phòng, chống BL, GLTM, HG, VCTP hàng hóa; xác định, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu các đơn vị để hoạt động BL, GLTM, HG, VCTP hàng hóa trên địa bàn xảy ra phức tạp, kéo dài mà không có biện pháp xử lý hiệu quả; có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống BL, GLTM, HG, VCTP hàng hóa; tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng cho các tổ chức, cá nhân nhận biết cùng tham gia công tác phòng, chống BL, GLTM, HG, VCTP hàng hóa trên địa bàn cả nước.

 

Nguồn BCĐ389


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang