Thứ Năm, 25/04/2024 16:14:02 GMT+7

Tin đăng lúc 14-09-2018

Lượt xem: 2085

Hội thảo phổ biến luật cạnh tranh 2018

Ngày 13/9/2018, tại Hà Nội, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo tuyên truyền phổ biến Luật cạnh tranh Việt Nam 2018. Đây là hội thảo nằm trong khuôn khổ khuôn khổ dự án "Tăng cường các thể chế cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng".
Hội thảo phổ biến luật cạnh tranh 2018
Toàn cảnh Hội thảo

Nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng trong Luật mới

 

Ngày 12/6/2018, Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. So với Luật Cạnh tranh năm 2004, Luật Cạnh tranh 2018 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng, phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế.

 

Theo đó, có 8 sửa đổi, bổ sung mới cơ bản và hết sức quan trọng trong Luật Cạnh tranh 2018, đó là việc mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Sửa đổi, bổ sung hành vi bị cấm; Kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh cũng như chính sách khoan hồng; Bổ sung tiêu chí xác định sức mạnh thị trường; Các quy định về kiểm soát tập trung kinh tế; Kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh; Tổ chức lại cơ quan cạnh tranh và hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục trong tố tụng cạnh tranh.

 

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, Luật Cạnh tranh 2018 là công cụ để Nhà nước điều tiết cạnh tranh trên thị trường. Luật được mở rộng hơn với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung và phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các quy định về kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường đến các mô hình, cơ quan thực thi…

 

 

 Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng

 

Đặc biệt, luật mới đã đổi mới cách tiếp cận, kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh tập trung kinh tế theo hướng áp dụng nhiều hơn các phương pháp về phân tích kinh tế… phù hợp với xu hướng của thế giới. Tuy nhiên, những thay đổi, điều chỉnh và bổ sung trong Luật Cạnh tranh 2018 cũng tạo ra những thách thức không nhỏ trong việc thực thi pháp luật cạnh tranh, đặc biệt là sự tuân thủ của các doanh nghiệp và các đối tượng có liên quan – ông Tân nhấn mạnh..

 

Đi vào cụ thể những điểm mới trong Luật Cạnh tranh 2018, bà Trần Phương Lan, Trưởng phòng Kiểm soát tập trung kinh tế - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, Luật Cạnh tranh 2018 đã đáp ứng và xử lý được những vấn đề đang là xu hướng cạnh tranh của thế giới cũng như cách thức xử lý của các cơ quan cạnh tranh trên thế giới. Cụ thể, với bất cứ hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc giao dịch tập trung kinh tế xảy ra bất cứ nơi nào trên thế giới, ngoài lãnh thổ Việt Nam nếu có tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể tới thị trường Việt Nam cũng đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh 2018, đây là cách tiếp cận rất mới, nhằm theo kịp xu hướng phát triển của nền kinh tế cũng như những xu hướng gia tăng hoạt động của các công ty đa quốc gia; các thỏa thuận; giao dịch M&A, cũng như các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh diễn ra ngày càng nhiều tại nhiều quốc gia có tác động đến thị trường Việt Nam trong tương lai.

 

 

Thừa nhận quyền tập trung kinh tế của doanh nghiệp

 

Một vấn đề không kém phần quan trọng được quy định trong Luật Cạnh tranh năm 2018 đó là quy định xử lý hành vi hạn chế cạnh tranh, theo ông Phùng Văn Thành, Phó trưởng Phòng Điều tra hạn chế cạnh tranh - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, cách tiếp cận của Luật đã đảm bảo tư duy kinh tế và tư duy pháp lý được kết hợp một cách hài hòa trong từng quy định; Luật Cạnh tranh năm 2018 đã thay đổi căn bản cách tiếp cận để hoàn thiện các quy định kiểm soát tập trung kinh tế; Luật cũng thay đổi căn bản về tư duy lập pháp, thừa nhận tập trung kinh tế là quyền tự nhiên của doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh.

 

Theo đó, luật mới chỉ quy định cấm doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế khi hành vi tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.

 

Luật quy định tại Điều 11 Luật Cạnh tranh năm 2018 đã đảm bảo bao trùm toàn bộ các tình huống có thể xảy ra trên thực tiễn của thị trường hiện nay. Đồng thời, Luật cũng quy định khá cụ thể về mức tiền phạt với hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh. Trong đó, mức tiền phạt với hành vi vi phạm về tập trung kinh tế là 5% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trên thị trường liên quan; Mức phạt vi phạm tối đa đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh là 02 tỷ đồng; đối với các hành vi phạm khác, mức phạt tiền là 200 triệu đồng.

 

Đối với các thỏa thuận cạnh tranh bị cấm quy định tại Điều 12 có sự khác biệt  với Luật Cạnh tranh 2004. Đó là, Luật cấm tuyệt đối việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan đến giá, thị trường và sản lượng sản xuất và mua bán khi các doanh nghiệp trên cùng thị trường có cạnh tranh với nhau có thị phần kết hợp từ 30% trở xuống”...

 

Có thể thấy, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh trong Luật Cạnh tranh 2018 sẽ tạo hành lang pháp lý để điều tra, xử lý toàn diện mọi hành vi cạnh tranh, góp phần bảo đảm cạnh tranh lành mạnh cho thị trường trong nước, tạo điều kiện thực thi các cam kết về cạnh tranh trong các Hiệp định Thương mại song phương và đa phương./.

 

Công Du

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang