Thứ Sáu, 29/03/2024 21:02:51 GMT+7

Tin đăng lúc 02-08-2019

Lượt xem: 864

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2019: Nhiều tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế

Chiều 1/8, thông báo tại cuộc họp báo sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định tình hình kinh tế - xã hội có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta không chủ quan, cần tập trung cao độ để hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong năm nay.
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2019: Nhiều tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Tình hình kinh tế - xã hội có những chuyển biến tích cực, song chúng ta không chủ quan, cần tập trung cao độ để hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong năm nay

Kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng khá

 

Theo ông Mai Tiến Dũng, tại phiên họp, đánh giá tình hình kinh tế tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực. Bức tranh vĩ mô tiếp tục có chiều hướng tốt.

 

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,18% so với tháng trước, bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 7 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Cùng đó, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 145 tỷ USD, tăng 7,5%, trong đó, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước 12,2%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực FDI là 5,6%. Xuất siêu 1,8 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện đạt 10,6 tỷ USD, tăng 7,1%. Ngành nông nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tốt về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

 

Trong tháng 7, ngành du lịch được xem là một điểm sáng khi lượng khách quốc tế tăng gần 8% so với tháng trước và nhiều điểm du lịch trong nước được bình chọn là địa điểm du lịch hàng đầu châu Á và thế giới, như: Hà Nội là điểm ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới; Hội An là thành phố quyến rũ nhất thế giới năm 2019…

 

Song song đó, các công tác an sinh xã hội, việc làm, giảm nghèo, y tế, giáo dục được chú trọng. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Số hộ phát sinh thiếu đói giáp hạt giảm gần 32% so với cùng kỳ, hỗ trợ thiếu đói gần 3.900 tấn gạo.

 

Tại phiên họp, Thủ tướng, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra các tồn tại, hạn chế, yếu kém, như: Nông nghiệp gặp nhiều khó khăn; bão số 3 đang tiến gần vào bờ với cường độ mạnh hơn; nắng nóng gay gắt, kéo dài ở miền Trung, Tây Nguyên; dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành; giá cả một số nông sản giảm...

 

Cùng đó, nhiều công trình công nghiệp, năng lượng, giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ. Vừa qua, một số bộ trưởng như Bộ GTVT đã có báo cáo Chính phủ về vấn đề này và Thủ tướng đã có quyết sách xử lý một số công trình, như: tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục thúc đẩy giải quyết tiến độ các dự án này.

 

Dấu hiệu đáng mừng của nền kinh tế tự cường

 

Theo Người phát ngôn Chính phủ, tại phiên họp, Thủ tướng đặc biệt nhắc đến chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7 của Việt Nam vừa được công bố đã tăng so với tháng 6 (từ 52,5 điểm lên 52,6 điểm), cho thấy sản lượng ngành sản xuất đã và sẽ có thể tiếp tục đạt mức tăng trưởng hai con số theo năm vào quý III/2019.

 

Dẫn số liệu ADB đánh giá Việt Nam tăng trưởng 6,8%; IMF dự báo tăng 6,5%; WB là 6,6% còn HSBC là 6,7%, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm nay được xem là những tín hiệu tích cực.

 

Nhắc lại lời Thủ tướng tại phiên họp khi cho biết, sau khi dự hội nghị xúc tiến đầu tư tại tỉnh Lào Cai và Kiên Giang, Thủ tướng nhận thấy không khí đầu tư của các nhà đầu tư trong nước rất tốt, Thủ tướng cho rằng đây là dấu hiệu đáng mừng của nền kinh tế tự cường.

 

Trước đó, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 7 tháng năm 2019, có 79,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 999,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,6% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,6 tỷ đồng, tăng 23,9%. Đây là mức cao nhất trong những năm trở lại đây, điều này dự báo sức khỏe tốt hơn của các doanh nghiệp ra nhập thị trường.

 

Nếu tính cả 1.476,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2019 là 2.476,3 nghìn tỷ đồng.

 

 

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Ngày 15/9, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ, Thường trực Chính phủ kịch bản giá mua điện mặt trời để xin ý kiến hoàn thiện và đưa vào áp dụng trong thời gian tới


Bên cạnh đó, còn có 24,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng lên 103,6 nghìn doanh nghiệp.

 

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng năm nay là 743,9 nghìn người, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước.

 

Tuy nhiên theo ông Mai Tiến Dũng, tại phiên họp, Thủ tướng lưu ý cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều khó khăn. Do đó, Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo, các Bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, cần nâng cao trách nhiệm, quyết liệt hơn, chung sức đồng lòng vượt qua thử thách. Trong đó, không chỉ tập trung thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ngân sách, nhất là tại các dự án đầu tư công;… mà còn phải tập trung tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ để cộng đồng doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tốt hơn.

 

Khẩn trương xây dựng kịch bản mua giá mua điện mặt trời

 

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của các phóng viên về kịch bản giá mua điện của các dự án điện mặt trời, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, cùng với xu hướng phát triển chung về năng lượng tái tạo trên thế giới, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo (gồm điện mặt trời và điện gió). Với điện mặt trời, cho đến trước thời điểm 30/6/2019, Chính phủ quy định thống nhất một giá mua điện là 9,35 cent/kw, tuy nhiên, quy định này đã hết hiệu lực.

 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan thuộc bộ, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp với các chuyên gia, các địa phương để xây dựng kịch ản tổng thể giá điện mặt trời. Ngày 31/7, Bộ Công Thương đã báo cáo Thường trực Chính phủ vấn đề này với quan điểm sẽ sớm xây dựng kịch bản giá mua điện mặt trời theo các khung giá khác nhau tuỳ thuộc vào điều kiện thực tế của các vùng, miền, điều kiện đầu tư, như: điện mặt trời áp mái, điện mặt trời đầu tư trên mặt đất, trên mặt nước…

 

Thường trực Chính phủ đã chỉ đạo và hiện Bộ Công Thương cùng với các đơn vị liên quan đang khẩn trương chỉnh sửa, hoàn thiện kịch bản giá mua điện mặt trời với thời hạn là ngày 15/9 sẽ trình Chính phủ, Thường trực Chính phủ để xin ý kiến hoàn thiện và đưa vào áp dụng trong thời gian tới.

 

Theo Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang