Thứ Sáu, 29/03/2024 02:39:04 GMT+7

Tin đăng lúc 26-09-2016

Lượt xem: 2940

Hợp tác phát triển ngành Công Thương Việt Nam - Lào: Thống nhất mục tiêu, hợp tác bền vững

Từ ngày 22 – 25/9, tại Thủ đô Viêng Chăn đã diễn ra Hội nghị Hợp tác phát triển ngành Công Thương Việt - Lào. Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã tiếp kiến Phó Thủ tướng Lào, gặp gỡ song phương với Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào, Bộ trưởng Bộ Năng Lượng và Mỏ Lào; chia sẻ cơ hội tăng cường hợp tác công thương, năng lượng với những mục tiêu cụ thể, hợp tác bền vững trên nền tảng truyền thống quan hệ hữu nghị hợp tác đặc biệt giữa hai nước.
Hợp tác phát triển ngành Công Thương Việt Nam - Lào: Thống nhất mục tiêu, hợp tác bền vững
Lãnh đạo ba Bộ chúc mừng thành công của Hội nghị

Phó Thủ tướng Somdy Duangdy tiếp thân mật đoàn công tác Bộ Công Thương

 

Tại buổi tiếp kiến, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã báo cáo với Phó Thủ tướng Somdy Duangdy về tình hình hợp tác phát triển Công Thương giữa Việt Nam và Lào thời gian qua; đặc biệt là sự nỗ lực từ phía Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào, Bộ Năng lượng và Mỏ Lào. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nêu những kiến nghị cụ thể về các dự án phía doanh nghiệp Việt Nam đang triển khai tới Phó Thủ tướng Somdy Duangdy.

 

Phó Thủ tướng Lào cho biết, thời gian qua, nhiều dự án về thủy điện, đường dây tải điện và khai thác mỏ của Việt Nam tại Lào đã được triển khai tốt, đồng thời đánh giá cao những đóng góp của các nhà đầu tư Việt Nam trong việc phát triển kinh tế - xã hội Lào thời gian qua. Phó Thủ tướng Somdy Duangdy đề nghị Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tiếp tục triển khai Hiệp định Thương mại biên giới; đánh giá cao mô hình “một cửa một lần dừng” và yêu cầu các bộ, ngành liên quan của hai nước sớm tổng kết, nghiên cứu nhân rộng mô hình này.

 

Phó Thủ tướng Somdy Duangdy chấp thuận những kiến nghị phía Bộ Công Thương Việt Nam và cũng đề nghị Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tiếp tục chỉ đạo triển khai đúng tiến độ các dự án thủy điện, khai khoáng của Việt Nam ở Lào, đặc biệt là dự án muối mỏ kali, bởi đây là dự án quan trọng mà lãnh đạo Chính phủ hai nước đều rất quan tâm. 

 

Quan hệ thương mại cần đẩy mạnh

 

Tại cuộc gặp song phương giữa Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào - Khemmani Pholsena, hai bên đã đánh giá sâu sát và thực tiễn tình hình hợp tác quan hệ thương mại thời gian qua. Từ sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Công Thương hai nước, quan hệ hợp tác thương mại Việt – Lào đã phát triển ổn định. Kim ngạch thương mại liên tục tăng trưởng theo từng năm, trong giai đoạn 2012  - 2014, đạt mức bình quân 25,8%/năm. Năm 2015, quan hệ thương mại hai nước đánh dấu bước tiến mới với việc ký kết hai Hiệp định Thương mại song phương, Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Lào.

 

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tăng trưởng kim ngạch thương mại có chiều hướng giảm. Năm 2015 đạt 1,123 tỉ USD, giảm 12,6% so với năm 2014 (1,285 tỉ USD); 8 tháng đầu năm 2016, kim ngạch thương mại chỉ đạt 540,3 triệu USD, giảm 35% so với cùng kỳ năm 2015.  Tại cuộc gặp, hai bên thẳng thắng nhận định: Mục tiêu kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng 20% trong năm 2016 theo nội dung Biên bản kỳ họp lần thứ 38 Ủy ban liên Chính phủ hai nước là khó thực hiện. Sự sụt giảm kim ngạch  này được ngành Công Thương Việt Nam nhận định bắt nguồn từ một số nguyên nhân chủ yếu: Thứ nhất, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước chưa đa dạng, phụ thuộc chủ yếu vào một số mặt hàng chủ lực, nhạy cảm với biến động giá cả thị trường thế giới (sắt thép, xăng dầu trong cơ cấu hàng xuất khẩu sang Lào) hoặc chính sách xuất nhập khẩu (gỗ tròn nhập khẩu từ Lào). Thứ hai, là sự yếu kém về cơ sở hạ tầng thương mại biên giới giữa hai nước, bao gồm hệ thống chợ biên giới, hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, kho bãi, hệ thống kiểm tra, thông quan). Thứ ba, doanh nghiệp hai nước chưa chú trọng đến việc xây dựng hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng hàng hóa của mình tại nước kia và ngược lại. Ngoài ra, mức độ tận dụng ưu đãi trong Hiệp định thương mại, Hiệp định thương mại biên giới của doanh nghiệp hai nước là chưa cao. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2016, Việt Nam mới chỉ cấp được 393 bộ C/O mẫu S, trị giá 24,7 triệu USD (chỉ chiếm 11% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào). Điều này cho thấy tỷ lệ vận dụng ưu đãi thấp.

 

Ngoài những nguyên nhân trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đã chỉ ra những vấn đề khiến quan hệ thương mại hai nước chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế. Bộ trưởng đặt câu hỏi: Cơ chế hợp tác thương mại và khung khổ đa dạng, tuy nhiên đã đủ mạnh, đủ sức hấp dẫn để cộng đồng doanh nghiệp tham gia một cách tích cực? Cơ chế hợp tác đã đủ linh hoạt, nhanh nhạy tạo thuận lợi hay chưa? Bộ trưởng nhấn mạnh: Hai bên cần sớm tập trung nguồn lực để xây dựng định hướng phát triển quan hệ hợp tác thương mại 10 năm tới.

 

Đồng ý với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Khemmani Pholsena đề nghị cần có cơ chế hợp tác riêng giữa hai Bộ, xây dựng chiến lược, có kế hoạch cụ thể trong hợp tác 10 năm tới giữa hai bên. Bộ trưởng Khemmani Pholsena thừa nhận, Hiệp định thương mại biên giới đã ký kết được 1 năm nhưng việc triển khai còn rất chậm, phải có những bước phổ biến, triển khai cụ thể. Tiềm năng thương mại biên giới giữa hai nước là rất lớn, cần được phát huy…

 

Tại buổi găp song phương, hai bên đã đi đến thống nhất sẽ xây dựng Đề án phát triển thương mại  Việt Nam – Lào giai đoạn 10 năm tiếp theo, làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ hai nước phê duyệt. Đề án này sẽ phân tích rõ thực trạng và tồn tại trong quan hệ thương mại, kiến nghị chính phủ hai nước các giải pháp cơ bản để tăng cường quan hệ song phương theo hướng bền vững cho giai đoạn tiếp theo. Tiếp đến là nhanh chóng cụ thể hóa, triển khai Hiệp định thương mại và Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Lào để mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Ngoài ra, hai Bộ cần tiếp tục quan tâm tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến hai Hiệp định nói trên cùng các thông tư hướng dẫn. Đồng quan điểm với việc kiến nghị các cơ quan thống kê của hai nước nghiên cứu biện pháp bổ sung kim ngạch mua bán điện vào kim ngạch thương mại song phương. Kiến nghị chính phủ hai nước quan tâm, ưu tiên cấp nguồn vốn từ ngân sách cho các tỉnh biên giới triển khai đầu tư xây dựng hệ thống chợ biên giới theo Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam - Lào đến năm 2020 đã được phê duyệt. Hai Bộ phối hợp đề nghị các bộ, ngành địa phương có liên quan của hai nước thống nhất thực hiện cơ chế kiểm tra, kiểm soát một lần “một cửa, một lần dừng” khi làm thủ tục thông quan qua cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào…

 

Năng lượng, khai khoáng: Mũi nhọn hợp tác

 

Lĩnh vực năng lượng và khai khoáng được xác định là những ngành mũi nhọn mà Chính phủ Lào đặc biệt quan tâm, hứa hẹn sẽ đóng góp chính vào tăng trưởng kinh tế của Lào trong thời gian tới… “Bộ Công Thương Việt Nam sẵn sàng là người bạn đồng hành, cùng phối hợp tích cực với Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào để cùng hướng tới mục tiêu đưa nền kinh tế hai nước ngày càng hội nhập và phát triển” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định tại buổi gặp gỡ song phương với Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào - Khammany Inthirath.

 

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện 16 dự án đầu tư trong lĩnh vực thủy điện, khai khoáng ở Lào. Các dự án đã đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội, cũng như tạo việc làm cho người dân địa phương Lào.

 

Tại buổi gặp gỡ, hai Bộ trưởng và đại diện các đơn vị thuộc ngành công Thương Việt nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào đã có những trao đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng, khai khoáng của các nhà đầu tư Việt Nam đang triển khai tại nước bạn.

 

Về dự án thủy điện Luông – Phra – Băng, công suất lắp máy 1.100 MW, chủ đầu tư là Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power – thuộc PVN). Bộ Công Thương Việt Nam đề nghị Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào ủng hộ, báo cáo chính phủ  đồng ý chấp thuận cho PVN/PVP gia hạn MOU lần thứ tư thêm 2 năm kể từ ngày 16/9/2017 (có thể gia hạn tùy thuộc vào tình hình triển khai thực hiện) và nâng mực nước dâng bình thường từ +310m lên +312m, cũng như xem xét việc kéo dài thời gian BOT của dự án một cách hợp lý (có thể lên 40 năm), nhằm đảm bảo hiệu quả dự án.

 

Về dự án muối mỏ kali, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam được Chính phủ Lào cấp phép đầu tư dự án tại hai phần diện tích: 10km2 tại huyện Nong-bok, tỉnh Khăm-muộn và 196,5 km2 trên địa bàn hai tỉnh Khăm-muộn và Sạ-vẳn-nạ-khệt. Phần diện tích 10 km2 hiện đã khởi công và đang được triển khai tốt, đúng theo tiến độ đề ra. Tuy nhiên, dự án diện tích 195,5 km2, sau khi thăm dò, khảo sát thực tế, Tập đoàn Hóa chất phát hiện 103 km2 không đủ điều kiện để khai thác công nghiệp (trữ lượng thấp) nên có báo cáo chính phủ hai nước và các cơ quan có thẩm quyền cho phép điều chỉnh kết cấu cho phù hợp và hiệu quả.

 

Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào cho biết, thời gian qua các đơn vị chức năng thuộc Bộ này đã phối hợp với các đơn vị của Việt Nam tích cực rà soát, triển khai thúc đẩy thực hiện các dự án. Phía các cơ quan chức năng Lào cơ bản nhất trí và chấp thuận những kiến nghị của chủ đầu tư các dự án nói trên. Bộ trưởng Khammany Inthirath khẳng định, Chính phủ Lào luôn quan tâm, cam kết tạo điều kiện thuận lợi, ủng hộ cao những dự án hợp tác của Việt Nam; đặc biệt lĩnh vực năng lượng Việt Nam đã giúp đỡ Lào rất nhiều, trong đó có dự án về truyền tải điện cho khu vực biên giới.

 

Ghi nhận những nỗ lực và đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị hai nước và hợp tác phát triển lĩnh vực Công Thương giữa Việt Nam và Lào trong suốt thời gian qua, Chủ tịch nước CHDCND Lào đã quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú. Phát biểu trong lễ đón nhận Huân chương, đồng chí Nguyễn Cẩm Tú xúc động chia sẻ: “Trong suốt quá trình công tác, dù cương vị nào, tôi cũng luôn quan tâm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Lào. Ngoài chức trách, nhiệm vụ còn vì một tình cảm, tình yêu với đất nước, con người Lào”. 


 

Nguồn Báo Công Thương điện tử


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang