Thứ Sáu, 29/03/2024 18:02:02 GMT+7

Tin đăng lúc 13-07-2020

Lượt xem: 1530

Hưng Yên triển khai chương trình OCOP thúc đẩy phát triển làng nghề truyền thống

Hiện nay, trên địa bàn Hưng Yên có 54 làng nghề hoạt động với hơn 11.300 cơ sở sản xuất. Thu nhập bình quân của lao động tại các làng nghề truyền thống phổ biến ở mức từ 4- 5 triệu đồng/người/tháng. Một số làng nghề có doanh thu cao là làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm Trai Trang, thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ), làng nghề đúc đồng Lộng Thượng, xã Đại Đồng (Văn Lâm).
Hưng Yên triển khai chương trình OCOP thúc đẩy phát triển làng nghề truyền thống
Làng nghề truyền thống Lộng Thượng hiện có gần 200 hộ làm nghề đúc đồng, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển các làng nghề vẫn còn một số hạn chế như: Sản xuất phân tán, quy mô nhỏ lẻ, ô nhiễm môi trường sản xuất. Việc đầu tư, cải tiến và áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Nhìn nhận thực trạng, cơ bản công tác khuyến công đã và đang từng bước hỗ trợ cho các làng nghề trên địa bàn tỉnh đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

 

Một trong những làng nghề nổi tiếng ở Hưng Yên phải kể đến đúc đồng Lộng Thượng (xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm). Làng nghề truyền thống lâu đời này hiện có gần 200 hộ làm nghề đúc đồng, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động. Trung bình mỗi năm, làng nghề cung cấp ra thị trường khoảng 31.200 sản phẩm các loại với doanh thu gần 100 tỷ đồng/năm. Đúc đồng Lộng Thượng cũng là địa phương nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Chương trình khuyến công của tỉnh. Nhờ vậy, những cơ sở đúc đồng trên địa bàn đã mạnh dạn đổi mới công nghệ; định hướng, đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động để tạo ra những sản phẩm cao cấp, xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Chủ cơ sở đúc đồng Tập Yên (Lộng Thượng) cho biết: Nhờ có Chương trình khuyến công của tỉnh, cơ sở đã tập trung đổi mới sản xuất; trung bình một tháng, cơ sở sản xuất ra hàng trăm sản phẩm đỉnh, chuông, tượng… với kỹ thuật tạo hình tinh xảo.

 

Thực hiện Đề án OCOP tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện rà soát được 145 sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh Hưng Yên đã đánh giá và chọn lọc 72 sản phẩm chủ lực độc đáo, mang đậm nét đặc trưng của mỗi địa phương để hỗ trợ phát triển theo Chương trình OCOP. Bên cạnh đó, việc khuyến khích các hộ, cơ sở sản xuất ở các làng nghề mạnh dạn đầu tư phát triển thành các doanh nghiệp được tỉnh Hưng Yên và các địa phương quan tâm triển khai trong thời gian qua. Các cấp, ngành và địa phương đã thông qua các chương trình, đề án khuyến công như: Dạy nghề, hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất..., qua đó, thúc đẩy việc thành lập các doanh nghiệp, HTX ở làng nghề. Sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công đã giúp các làng nghề truyền thống nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như bảo tồn được nét đặc sắc văn hóa dân tộc.

 

Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng nền nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao, gắn với du lịch, dịch vụ. Đồng thời, phát triển các sản phẩm du lịch làng nghề đặc trưng gắn với mô hình "mỗi làng một sản phẩm", chú trọng bảo vệ môi trường; khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, kết nối để phát huy lợi thế của làng nghề truyền thống.

 

Hân Hân


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang