Thứ Sáu, 19/04/2024 21:58:36 GMT+7

Tin đăng lúc 30-06-2018

Lượt xem: 3186

Hướng phát triển cho chợ đầu mối

Để chợ đầu mối (CĐM) ở Việt Nam phát triển và quản lý được vấn đề truy xuất nguồn gốc, không có con đường nào khác đó chính là đồng bộ hóa các dịch vụ công trực tuyến.  
Hướng phát triển cho chợ đầu mối
Để chợ đầu mối phát triển cần áp dụng dịch vụ công trong vấn đề quản lý.

CĐM được đánh giá là mô hình đặc thù, là nơi thu hút, tập trung lượng hàng hóa lớn để tiếp tục phân phối tới các chợ dân sinh và các kênh lưu thông khác. Do vậy, CĐM có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất tập trung và tiêu thụ hàng hóa; là nguồn cung cấp chủ yếu, đặc biệt là mặt hàng nông sản cho thị trường tiêu thụ tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, do quản lý theo mô hình cũ, nên chợ đầu mối gần như chưa đáp ứng được kỷ nguyên cách mạng công nghệ 4.0.

 

Vẫn khó khăn trong quản lý

 

Số liệu từ Vụ Thị trường trong nước cho thấy, hiện nay CĐM đã và đang phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Hiện tại, cả nước có khoảng 8.539 chợ, trong đó có 83 CĐM (chiếm 0,97%) tổng số chợ của cả nước; tốc độ phát triển CĐM bình quân giai đoạn 2010 – 2017 đạt 4,5% (năm 2010 mới có 63 CĐM). Trong đó, hiện đã có rất nhiều CĐM được xây dựng khang trang, hiện đại như chợ Bình Điền, Hooc Môn (TP. Hồ Chí Minh)…

 

Tiềm năng phát triển lớn là vậy, song theo ông Nguyễn Văn Hội – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thì hạn chế lớn chính là việc nguồn vốn đầu tư cho chợ đầu mối khá cao, trung bình phải cần từ 40 – 100 tỷ đồng/chợ. Trong khi đó nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước còn rất hạn chế, việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ đang đặt ra nhiều thách thức.

 

Bên cạnh đó, cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển chợ đầu mối còn hạn chế và chưa phù hợp. Đã thế, đa số các CĐM hiện nay vẫn hoạt động theo cách truyền thống là mua trực tiếp, không có hợp đồng, không có chứng nhận nguồn gốc…Bên cạnh đó, các dịch vụ hỗ trợ khác như: Ngân hàng, bảo hiểm, kiểm tra chất lượng hàng hóa, truyền thông, nhân lực quản lý…còn thiếu và yếu. Đã và đang trở thành những tác nhân khiến CĐM khó phát triển.

 

Đồng quan điểm với ông Hội, ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng cho rằng, vấn đề quản lý an toàn thực phẩm hàng hóa tại các chợ đầu mối là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, hiện vấn đề này vẫn đang gặp khó tại các chợ đầu mối ở Hà Nội, nhiều sản phẩm vẫn chưa truy xuất được nguồn gốc khi cần thiết. Với số lượng hàng hóa lớn, nhiều Ban quản lý chợ vẫn đang gặp khó và lúng túng khi kiểm tra chứng từ và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

 

4.0 giải pháp để chợ đầu mối phát triển

 

Có thể thấy, để CĐM phát triển theo quy mô lớn, hiện đại thì việc giám sát, kiểm tra các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa phải được thực hiện một cách triệt để. Trong đó phải áp dụng các công nghệ tiên tiến trong chuỗi giá trị từ khâu trồng trọt, đóng gói, kiểm định sản phẩm…mà việc cạnh tranh cũng sẽ được minh bạch và tránh việc thao túng thị trường.

 

Ông Bùi Bá Chính, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (GS1) cho rằng, trong cuộc cách mạng công nghệ các giao dịch đều được đơn giản hóa và dễ dàng thực hiện thông qua chiếc điện thoại thông minh, đặc biệt là việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

 

Tuy nhiên, hiện nay hầu như nhiều nhà sản xuất chưa tiếp cận được với công nghệ hiện đại này, điển hình như việc áp dụng mã số, mã vạch với sản phẩm. Bởi, khi áp dụng mã số, mã vạch, không chỉ các nhà sản xuất, phân phối mà ngay với người tiêu dùng cũng hoàn toàn yên tâm vào các thông tin trên sản phẩm. Qua đó, kiểm soát được sản phẩm có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không.

 

Liên quan đến vấn đề này, ông Đào Hà Chung, Chủ tịch Hội công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, vai trò công nghệ 4.0 là rất quan trọng, nó không chỉ giúp nhà sản xuất, phân phối và tiêu dùng giám sát toàn bộ khấu chăm sóc, chế biến, bảo quản…mà còn giúp cho nhà nước cân bằng được lượng hàng hóa cung cầu.

 

Qua đó, giảm thiểu và xử lý kịp thời các sản phẩm phải giải cứu. Bên cạnh đó, hỗ trợ tích cực trong việc quản lý xuất nhập khẩu, đặc biệt là tạo được hàng rào thuế quan bảo vệ sản phẩm trong nước, nâng cao chất lượng sản phẩm.

 

Chia sẻ về sự thành công trong việc phát triển CĐM ở Tây Ban Nha, ông Carlos Dominguez, đại diện Đại sứ quán Tây Ban Nha cho rằng, chợ không chỉ là nơi bán hàng mà còn là nơi kết nối sản phẩm phân phối, giao lưu và gìn giữ các giá trị văn hóa. Ngoài ra, chợ còn mang lại các giá trị lợi ích về kinh tế cho người dân và cộng đồng.

 

Do đó, chợ phải phát triển và đáp ứng được nhu cầu của người dân và xã hội. Vì thế, ở Tây Ban Nha việc phát triển CĐM được Chính phủ rất quan tâm. Do đó, tại CĐM các dịch vụ chế biến, ăn uống luôn đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, môi trường và rác thải…Qua đó, đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại, đổi mới hệ thống bán lẻ trong nước.

 

Có thể nói, việc áp dụng công nghệ 4.0 vào quản lý các CĐM trên thế giới đã đi trước Việt Nam rất nhiều. Hiện tại, CĐM ở các quốc gia phát triển không chỉ là nơi phân phối, bán buôn, bán lẻ hàng hóa…mà được xây dựng theo mô hình hiện đại, tích hợp nhiều dịch vụ tiện ích như: Ăn uống, logistics, bảo vệ môi trường…thậm chí là phát triển truyền thông, du lịch và góp phần gìn giữ giá trị văn hóa. Vì thế, để CĐM ở Việt Nam phát triển và quản lý được vấn đề truy xuất nguồn gốc, không có con đường nào khác đó chính là đồng bộ hóa các dịch vụ công trực tuyến.

 

 Theo Laodongthudo.com.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang