Thứ Bẩy, 20/04/2024 04:59:30 GMT+7

Tin đăng lúc 11-07-2019

Lượt xem: 1437

Huy động mọi nguồn lực nhằm đưa Điện Biên trở thành trung tâm du lịch của vùng Tây Bắc

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đang bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII có những thuận lợi cơ bản đó là: Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ; sự ủng hộ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, các chủ trương, chính sách, chương trình mục tiêu của Nhà nước tiếp tục được quan tâm.
Huy động mọi nguồn lực nhằm đưa Điện Biên trở thành trung tâm du lịch của vùng Tây Bắc
Bí thư tỉnh ủy Trần Văn Sơn trao quà cho học sinh nghèo vượt khó

Những thành tựu phát triển KT-XH sau hơn 30 năm đổi mới, đặc biệt là sau 14 năm chia tách, thành lập tỉnh Điện Biên (1/1/2004) và những kết quả trong nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã tạo thế và lực mới cho tỉnh phát triển; kết cấu hạ tầng KT-XH được quan tâm đầu tư và từng bước hoàn thiện, tạo thuận lợi cho phát triển KT-XH giữa các địa phương, các vùng trong tỉnh.

 

Tuy nhiên Điện Biên vẫn là một trong những tỉnh khó khăn. Các nguồn lực đầu tư cho phát triển KT-XH vẫn còn hạn chế. Hạ tầng KT-XH chưa đồng bộ, xa các trung tâm kinh tế lớn, giao thông khó khăn, khí hậu, thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp. Địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới điều kiện cho phát triển hết sức khó khăn. Các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo đẩy mạnh các hoạt động chống phá, chia rẽ khối đoàn kết các dân tộc; tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự ở một số địa phương, cơ sở.

 

Với sự quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, sự tin tưởng, đồng thuận của nhân dân, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, cụ thể là: Tốc độ tăng trưởng GRDP tăng khá, bình quân giai đoạn 2016-2018 ước đạt 8,30%/năm, vượt mục tiêu đề ra. GRDP bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 27,31 triệu đồng/năm (tươngđương 1.236,8 USD), tăng 1,24 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông lâm nghiệp. Ước thực hiện năm 2018 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 19,96%, công nghiệp – xây dựng chiếm 22,82%, dịch vụ chiếm 54,61%.

 

Trong những năm qua, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp. Xây dựng và triển khai đề án tái cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp, trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị cao như: cao su, cà phê, mắc ca… Rà soát, sắp xếp, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, chú trọng phát triển các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác làm cơ sở để liên kết với doanh nghiệp; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp; mở rộng các hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp với người dân. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2018 ước đạt 264.601 tấn, tăng 14.633 lần so với năm 2015. Duy trì diện tích cây chè, cà phê, cao su hiện có với tổng diện tích trên 9.718 ha; phát triển cây mắc ca, đến nay đã trồng 2.168,7 ha (trồng tập trung 1.625,4 ha, trồng xen 543,3 ha), sản lượng quả tươi năm 2018 ước đạt 9,4 tấn.

 

Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng triển khai có hiệu quả.Diện tích trồng rừng tập trung giai đoạn 2016 – 2018 là 3.808 ha, khoanh nuôi tái sinh rừng ước đạt 18.543 ha. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2018 ước đạt 39,74%, tăng 1,34% so với năm 2015.

 

Chương trình xây dựng nông thôn mới tạo được sự chuyển biến tích cực trong nông dân, nông thôn. Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 22 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 77,33% trong đó: 16 xã đạt chuẩn và 6 xã cơ bản đạt chuẩn, bình quân giai đoạn 2016 – 2018 tăng 7 xã cơ bản đạt chuẩn/năm; số tiêu chí bình quân/xã đạt 8,33 tiêu chí, tăng 2,83 tiêu chí/xã, còn 18 xã đạt dưới 5 tiêu chí, giảm 50 xã (so với năm 2015).

 

Sản xuất công nghiệp luôn là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho địa phương. Do được quan tâm chỉ đạo đúng hướng nên sản xuất công nghiệp tăng khá, đóng góp 22-23% tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá năm 2010) giai đoạn 2016 – 2018 ước đạt 7.349,8 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 9,87%/năm. Tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; khuyến khích và thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp có tiềm năng, lợi thế của tỉnh như: thủy điện, chế biến nông, lâm sản…

 

 

Một góc của thành phố Điện Biên Phủ

 

Hoạt động du lịch có bước phát triển.Trong giai đoạn 2016-2018 đón khoảng 351 nghìn lượt khách quốc tế và hơn 1.430 lượt khách nội địa đến Điện Biên. Tổng thu từ hoạt động từ hoạt động du lịch ước đạt 2815 tỷ đồng; đã giải quyết việc làm cho trên 13.500 lao động, trong đó lao động trực tiếp đạt 5.500 người, lao động gián tiếp đạt trên 8.000 người, góp phần nâng tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, hướng đến phát triển bền vững.

 

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giai đoạn 2016 – 2018 ước đạt 168,46 triệu USD (xuất khẩu 113,46 triệu USD, tăng bình quân 17,68%/năm; nhập khẩu ước đạt 55 triệu USD, tăng bình quân 36,72%/năm). Các khu kinh tế cửa khẩu đang từng bước được đầu tư.

 

Công tác xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH luôn được tỉnh xác định ưu tiên: Tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 – 2018 ước đạt 25.783,69 tỷ đồng, trong đó: Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước 11.167 tỷ đồng, chiếm 43,31% tổng nguồn vốn; vốn khu vực tư nhân và dân cư đạt 11.440,3 tỷ đồng, chiếm 44,37% tổng nguồn vốn. Tỷ trọng tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP giai đoạn 2016 – 2018 đạt 58,61%.

 

Đến nay, có 120/130 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được bốn mùa; 64,25% đường huyện và 42,57% đường cấp xã được cứng hóa; có 130/130 xã, phường thị trấn có điện và trên 88,24% số hộ dân được sử dụng điện; hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh, huyện cơ bản được hoàn thiện, 63,1% trạm y tế có cơ sở vật chất đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp học được quan tâm đầu tư nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 58,9%; các thiết chế văn hóa – xã hội cơ sở tiếp tục được đầu tư, xây dựng, nâng cấp đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu đời sống và sinh hoạt của nhân dân.

 

Sau hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, Điện Biên đã thu được nhiều thành quả khá toàn diện trên các lĩnh vực: Kinh tế tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn bình quân giai đoạn 2016 – 2018 vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu phát huy hiệu quả. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai đồng bộ, đạt kết quả quan trọng. Công nghiệp tăng trưởng khá, đặc biệt là phát triển thủy điện vừa và nhỏ, đóng góp quan trọng cho nguồn thu ngân sách tỉnh. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt khá, các ngành dịch vụ, thương mại tiếp túc phát triển, hoạt động du lịch có bước phát triển. Kết cấu hạ tầng KT-XH được đầu tư; diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới. Các mặt văn hóa – xã hội có sự chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân nâng lên. Chương trình giảm nghèo đạt kết quả tích cực; an sinh xã hội được đảm bảo. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện. Quốc phòng, an ninh đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia giữ vững; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định. Quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế tiếp tục mở rộng, phát triển./.

 

Mai Anh

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang