Thứ Sáu, 29/03/2024 16:02:00 GMT+7

Tin đăng lúc 24-07-2015

Lượt xem: 4560

Huy động mọi nguồn lực thực hiện thắng lợi Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

Ngày 24/7/2015, Bộ Công Thương đã tiến hành Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam 6 tháng đầu năm và phương hướng thực hiện 6 tháng cuối năm 2015. Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động chủ trì Hội nghị.
Huy động mọi nguồn lực thực hiện thắng lợi Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

Hàng Việt tiếp tục giữ vững vị thế

 

Tại Hội nghị, báo cáo về tình hình thực hiện Cuộc vận động, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Thường trực Ban chỉ đạo “Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động” cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, Ban chỉ đạo Cuộc vận động đã tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước. Về xúc tiến thương mại (XTTM) nội địa, Chương trình XTTM quốc gia năm 2015 tiếp tục ưu tiên cho các hoạt động XTTM phát triển thị trường nội địa, đặc biệt tạo lập kênh phân phối ở nông thôn, miền núi, biên giới, các địa phương còn khó khăn.Trong 6 tháng đầu năm 2015 đã tổ chức thực hiện được 50 đề án, trong đó phần lớn là các đề án phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa tại một số tỉnh như Bắc Kạn, Cao Bằng, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Tĩnh, v.v… Mỗi phiên chợ có khoảng từ 15 đến 25 doanh nghiệp tham gia với 20 đến 40 gian hàng, doanh số đạt trên 500 triệu đồng. Các chương trình khác đang được triển khai thực hiện theo kế hoạch.

 

Công tác đưa hàng Việt về địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong thời gian qua tiếp tục được các địa phương rất quan tâm và đã trở thành một trong các nội dung trọng tâm hưởng ứng Cuộc vận động. Theo báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong 6 tháng đầu năm 2015, các địa phương đã tổ chức được 101 đợt bán hàng về nông thôn với 1355 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn 600 nghìn lượt người tới tham quan mua sắm, doanh thu mang lại hơn 8 nghìn tỷ đồng; tiếp nhận theo dõi hơn 50 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 100 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn 109.000 lượt người, doanh thu mang lại là gần 9 tỷ.

 

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Thường trực Ban chỉ đạo “Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động” báo cáo tại Hội nghị

 

Trong 6 tháng đầu năm 2015, hoạt động bán hàng khuyến mại trên cả nước tiếp tục diễn ra sôi động, đặc biệt tập trung vào thời điểm những ngày lễ lớn và Tết Nguyên đán. Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong 6 tháng đầu năm 2015 đã tổ chức được 27 đợt khuyến mại thu hút hơn 210 nghìn lượt khách hàng tham quan, mua sắm với tổng giá trị khuyến mại là hơn 11 nghìn tỷ đồng; tiếp nhận, theo dõi hơn 9000 đợt khuyến mại thu hút khoảng 11 nghìn doanh nghiệp tham gia với tổng giá trị khuyến mại là hơn 90 nghìn tỷ đồng.

 

Về hoạt động hội chợ, triển lãm hàng Việt, các Sở Công Thương đã tổ chức thực hiện được gần 100 hội chợ, triển lãm, thu hút hơn 50 nghìn lượt doanh nghiệp tham gia, doanh thu bán hàng là khoảng hơn 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các Sở Công Thương cũng đã phối hợp tiếp nhận theo dõi 357 hội chợ, thu hút hơn 11.000 doanh nghiệp tham gia, doanh thu bán hàng là khoảng hơn 360 tỷ đồng.

 

Đối với hoạt động khuyến công, thông qua chương trình khuyến công quốc gia năm 2015 (kinh phí là 90 tỷ đồng), Bộ Công Thương tiếp tục hướng dẫn các địa phương xây dựng và triển khai thực hiện các đề án khuyến công hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu và các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng sản xuất trong nước được chú trọng như đào tạo nghề, hỗ trợ mô hình trình diễn, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn, v.v… Đồng thời, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ các địa phương qua việc kết nối cung cầu, tiêu thụ hàng hóa giữa doanh nghiệp địa phương với các tỉnh, thành phố khác nhằm hỗ trợ, tìm đầu ra cho sản phẩm đặc trưng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã và hộ gia đình tại các địa phương, có tiềm năng phát triển nhưng chưa có điều kiện và tiềm lực để quảng bá, tiếp cận hệ thống phân phối.

 

Đáng chú ý là vấn đề quản lý, chấn chỉnh công tác quản lý thị trường. Ngay từ đầu năm 2015, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường các địa phương tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá; kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh bánh kẹo nhập lậu, không rõ nguồn gốc, vi phạm nhãn hàng hóa; kiểm tra xử lý vi phạm kinh doanh mỹ phẩm giả; kiểm tra việc chấp hành pháp luật ghi nhãn hàng hoá mặt hàng phân bón; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2015. Bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã khắc phục khó khăn, xây dựng và triển khai trên 300 kế hoạch, chuyên đề về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Theo báo cáo nhanh, 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng Quản lý thị trường cả nước kiểm tra 91.458 vụ (tăng 632 vụ, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2014); phát hiện, xử lý 55.234 vụ vi phạm (tăng 6.543 vụ, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2014); với tổng số thu nộp ngân sách 233,52 tỷ đồng (tăng 30,75 tỷ đồng, tăng 15,16 % so với cùng kỳ năm 2014); trị giá hàng tịch thu chưa bán 63,02 tỷ đồng (giảm 4,22 tỷ đồng, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2014); trị giá hàng tiêu huỷ 52,24 tỷ đồng (tăng 17,56 tỷ đồng, tăng 50,6%).

 

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2015, các đơn vị truyền thông của Bộ Công Thương đã tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các hoạt động tuyên truyền về Cuộc vận động (thông tin triển khai, hiệu quả, bài học kinh nghiệm, khó khăn vướng mặc trong triển khai), thông tin về thị trường, biến động giá cả, cung cầu hàng hóa, đặc biệt là giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các sản phẩm, doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu và những nỗ lực trong việc thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Việt.

 

Cũng theo bà Lê Việt Nga, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Cuộc vận động trong 6 tháng 2015 vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như: Sự phối hợp giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn chưa chặt chẽ trong vấn đề truyền thông, dẫn đến chưa thực sự tác động mạnh vào tâm lý, hành vi người tiêu dùng; vẫn còn một bộ phận người dân sính hàng ngoại, hàng hiệu nhập khẩu. Khó khăn của một số địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, hải đảo để xây dựng điểm bán hàng Việt, xây dựng hạ tầng thương mại (chợ, siêu thị...). Hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm trên địa bàn các tỉnh còn thể hiện nhiều hạn chế, chưa thu hút được các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh tham gia, chưa kết nối được giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Vẫn còn một số doanh nghiệp lợi dụng khuyến mại để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn, hàng cũ, hàng nhái, sắp hết hạn sử dụng làm ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin của người tiêu dùng, từ đó làm giảm đi ý nghĩa thiết thực của Cuộc vận động.

 

Tham luận của các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đã đưa ra những giải pháp để Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2015 đạt hiệu quả cao như: đẩy mạnh việc phát triển sản xuất kinh doanh hàng Việt theo hướng chất lượng, hiệu quả và cạnh tranh; thực hiện có hiệu quả chương trình bình ổn thị trường, đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa.., huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước; thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, phòng chống buôn lậu, v.v…

 

Huy động mọi nguồn lực

 

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động chỉ đạo Hội nghị

 

Đánh giá chung kết quả thực hiện Chương trình hành động của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá: Đến thời điểm hiện tại, Cuộc vận động đã triển khai được 6 năm và đã mang lại những kết quả tích cực khi tâm lý tin dùng hàng Việt đã có những bước tiến bộ đáng kể. Hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối không chỉ của doanh nghiệp vốn trong nước mà của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam (tỷ trọng hàng sản xuất tại Việt Nam bán ra tại các cơ sở này đang chiếm khoảng 90%). Người tiêu dùng Việt Nam đã có chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại đã tồn tại lâu nay. Tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước.

 

Trong các tháng cuối năm 2015, để tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn nữa Cuộc vận động, Thứ trưởng nhấn mạnh các biện pháp: Bộ Công Thương cần đẩy mạnh triển khai các hoạt động bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 1 năm 2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015, phù hợp với phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Cuộc vận động đã được đề ra tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Cuộc vận động của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động. Thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2014 - 2020 và triển khai nhiệm vụ tại Kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động năm 2015. Tiếp tục duy trì kết quả kết nối doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh xúc tiến thương mại nội địa hàng hóa công nghiệp địa phương, góp phần vào sự thành công của Cuộc vận động trong 6 tháng cuối năm 2015 và những năm tiếp theo.

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang