Thứ Sáu, 19/04/2024 15:24:24 GMT+7

Tin đăng lúc 23-03-2023

Lượt xem: 795

Huyện Gia Lâm (Thành phố Hà Nội): Quản lý, giám sát, phát triển sản phẩm OCOP hướng đến ba mục tiêu

Thời gian qua, huyện Gia Lâm đã tận dụng thế mạnh địa phương để triển khai thực hiện thành công Chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP. Song song với việc phát triển, huyện luôn quan tâm tới công tác quản lý, giám sát sản phẩm nhằm hướng đến mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ chính trị địa phương, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Huyện Gia Lâm (Thành phố Hà Nội): Quản lý, giám sát, phát triển sản phẩm OCOP hướng đến ba mục tiêu
Sản phẩm sữa của HTX Chế biến bò sữa Phù Đổng đạt OCOP 4 sao

Theo thống kê, đến nay, huyện Gia Lâm có 119 sản phẩm được công nhận OCOP. Trong đó, có 05 sản phẩm đạt 5 sao; 85 sản phẩm 4 sao và 29 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP là những sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của các làng nghề, phát huy thế mạnh của các địa phương thuộc trên địa bàn huyện như: Làng gốm Bát Tràng, Kim Lan; Dát quỳ vàng Kiêu Kị, Rau Văn Đức,…

 

Để giữ vững các tiêu chí đánh giá, phân hạng cũng như nâng cao hơn nữa chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP, huyện Gia Lâm đã thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất của các chủ thể. Ngoài ra, đối với các sản phẩm là thực phẩm, dược liệu,…, hàng năm, Phòng Kinh tế huyện tổ chức lẫy mẫu kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy các đơn vị đều tuân thủ quy trình sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm.

 

Trao đổi với phóng viên, ông Khúc Văn Trọng - đại diện HTX chế biến bò sữa Phù Đổng cho biết: Thông thường, trong quá trình sản xuất các sản phẩm từ sữa, HTX đã luôn chú trọng chất lượng, đặc biệt là khâu an toàn thực phẩm. Nhưng khi tham gia OCOP và đạt 4 sao, chúng tôi càng nhận thấy phải có trách nhiệm cao hơn nữa, vì điều này tạo điều kiện để xây dựng doanh nghiệp mạnh lên, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Không chỉ chúng tôi mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải đảm bảo nguyên tắc đó mới phát triển bền vững được”.

 

 

Sản phẩm rau của HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được người tiêu dùng Thủ đô tin dùng

 

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng, năm 2023, toàn huyện phấn đấu xây dựng thêm từ 30 sản phẩm trở lên đạt OCOP 3 sao, 4 sao, tập trung ở các nhóm thực phẩm, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở địa phương, đã có thương hiệu và đang tích cực xây dựng, phát triển thương hiệu. Từ đó, sẽ góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

 

Như vậy có thể thấy, quản lý giám sát, phát triển sản phẩm OCOP không chỉ góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương mà còn giúp sức cho các làng nghề, các doanh nghiệp, tổ chức phát triển sản xuất, gia tăng giá trị hàng hóa mà còn thiết thực bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm tốt, những địa chỉ sản xuất, kinh doanh tin cậy.

 

Ngọc Minh


Tag:OCOP

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang