Thứ Sáu, 29/03/2024 05:24:25 GMT+7

Tin đăng lúc 01-09-2016

Lượt xem: 4824

Huyện Hậu Lộc: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân

Về Hậu Lộc, miền quê của những cánh đồng lúa xanh tít tắp, núi non cẩm tú, hòa quyện mây trời soi bóng nước lung linh, biển khơi tôm cá đầy khoang, quê hương cách mạng của mẹ Tơm, “người mẹ đau khổ đã dành cơm cho con, cho Đảng, không sợ tù gông, chấp súng gươm”. Đây cũng là nơi bà Triệu trung dũng, kiên cường, không chịu khuất phục quân giặc, đã rút gươm tuẫn tiết dưới núi Tùng, để lại cho ngàn năm hồn thiêng sông núi còn mãi ngân vang linh khí anh hùng.
Huyện Hậu Lộc: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân
Bãi biển Hậu Lộc

Là một huyện có nhiều tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản và tiểu thủ công nghiệp, thực hiện chương trình hành động của UBND tỉnh và Nghị quyết 16 của Tỉnh ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2025, Đảng bộ chính quyền Hậu Lộc đã xác định ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có tới gần 70% dân số làm nông nghiệp, vì vậy tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một nhiệm vụ cốt lõi trong tổng thể xây dựng nông thôn mới, để nâng cao thu nhập, cải thiện tốt hơn đời sống của nhân dân.

 

Với phương châm sắp xếp lại cơ cấu ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và thực phẩm chủ lực có lợi thế về tiềm năng phát triển cho phù hợp với nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu trên địa bàn huyện, nhằm tạo ra chuyển biến căn bản về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh các sản phẩm nông, lâm, thủy sản có lợi thế, có thị trường tiêu thụ và phát triển bền vững.

 

Phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị và khả năng cạnh tranh thông qua liên kết mở rộng quy mô sản xuất, tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng phát triển nền nông nghiệp hiện đại, đẩy mạnh công nghiệp chế biến sau thu hoạch.

 

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng những ngành có lợi thế như: chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, giảm dần tỷ lệ lao động trong nông nghiệp. Nâng cao năng lực, trình độ, thu nhập, cải thiện mức sống của người dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, nâng cao năng lực quản lý rủi ro, chủ động phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho sản xuất phát triển.

 

Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hình thành một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, công nghệ cao, xây dựng được một số thương hiệu mạnh của các sản phẩm có lợi thế. Nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người nông dân, giảm tỷ lệ nghèo của khu vực nông thôn. Huyện đã tập trung chỉ đạo và vạch ra những định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp là phải áp dụng thường xuyên, suốt trong quá trình trên cả 3 mặt: kinh tế, xã hội và môi trường. Nhất quán quan điểm về mặt kinh tế là đẩy mạnh thực hiện các chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Trước mắt, tập trung đầu tư thâm canh nâng cao năng suất sản lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh của sản phẩm.

 

Xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo hình thức trang trại, gia trại, khu nông nghiệp công nghệ cao... đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức sản xuất có sự gắn kết chặt chẽ từ phát triển vùng nguyên liệu tập trung đến chế biến, bảo quản tại chỗ gắn với thị trường tiêu thụ cụ thể. Nâng quy mô và đa dạng hóa các phương thức sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng đối với các sản phẩm có thế mạnh.

 

Yếu tố xã hội trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp là vừa đảm bảo theo cơ chế thị trường, vừa đảm bảo các mục tiêu về phúc lợi xã hội cho người dân. Thực hiện có hiệu quả, kịp thời các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và đẩy mạnh chương trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giúp người dân có điều kiện tổ chức sản xuất và ổn định việc làm nhằm cải thiện, tăng nhanh thu nhập cho người dân, đặc biệt là nhóm người nghèo, cận nghèo.

 

Lĩnh vực môi trường là khâu rất quan trọng, được huyện xác định cần phải tăng cường các hoạt động quản lý, tổ chức khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên (đất, nước, rừng...), giảm thiểu tác động bất lợi về môi trường do việc khai thác thường xuyên các nguồn lực cho sản xuất nông, lâm, nghiệp, thủy sản. Quản lý và sử dụng hiệu quả, an toàn các loại hóa chất, thuốc trừ sâu, chất thải chăn nuôi, trồng trọt, công nghiệp chế biến, làng nghề, chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học. Khuyến khích mở rộng diện tích được áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm trong nông nghiệp như VietGap, HACCP, ISO.

 

Trong những năm qua, kinh tế nông nghiệp đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế của huyện. Năm 2015, cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 37,1% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Giá trị tăng thêm của cả ngành nông nghiệp là 917 tỷ đồng, tăng 9,2% so với năm 2014, trong đó trồng trọt 133 tỷ chiếm tỷ lệ 14,5%, chăn nuôi 246 tỷ, chiếm 26,83%, lâm nghiệp 6 tỷ đồng, chiếm 0,65%, thủy sản 532 tỷ đồng, chiếm 58,02% trong cơ cấu của ngành nông nghiệp, lâm và thủy sản. Từ thực trạng đó, huyện đã chỉ ra những giải pháp thiết thực, khoa học như: Lập quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp toàn huyện, hình thành cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Tạo cơ chế, chính sách để thực hiện tái cơ cấu, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh liên kết, sản xuất, xúc tiến thương mại và thị trường, thu hút doanh nghiệp và tư nhân vào đầu tư cơ sở hạ tầng. Áp dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa nông nghiệp. Tăng cường sự lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy đảng.

 

Những giải pháp đó sẽ được triển khai thực hiện trên tinh thần phát huy nội lực, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh gắn với nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tích cực cải tiến mạnh mẽ môi trường đầu tư, phát triển và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng từ 13,8% trở lên, thường xuyên chăm lo giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Với những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Lộc, tin rằng chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện sẽ gặt hái được nhiều thành công mới, thắng lợi mới trong thời kỳ phát triển CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.

 

Xuân Trường 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang