Thứ Bẩy, 20/04/2024 11:45:35 GMT+7

Tin đăng lúc 17-02-2016

Lượt xem: 4938

Huyện Tân Uyên: Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Tuy là huyện mới được chia tách, nhưng được sự quan tâm có hiệu quả của Trung ương, của tỉnh Lai Châu, kết hợp với sự năng động sáng tạo và nỗ lực vượt khó của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân các dân tộc trong huyện đã tập trung khai thác những tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn, nên đã giành được nhiều thành quả rất đáng trân trọng. Đặc biệt là chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Huyện Tân Uyên: Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
Trụ sở huyện Tân Uyên

Trong những năm qua, kinh tế của huyện có bước phát triển khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: nông nghiệp chiếm 35,3%, công nghiệp – xây dựng 20,6%, dịch vụ 44,1%. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 16,8 triệu đồng, tăng 1,75 lần so với năm 2010.

 

Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá toàn diện, hình thành các vùng sản xuất tập trung. Các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp phát huy hiệu quả, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng và giá trị nông sản. Tổng sản lượng lương thực đạt 28 nghìn tấn, tăng trên 5 nghìn tấn so với năm 2010. Các sản phẩm như gạo đặc sản, chè, đã từng bước được khẳng định thương hiệu trên thị trường.

 

Hình thành 3 vùng nguyên liệu chè gắn với 3 nhà máy bao tiêu, chế biến sản phẩm. Tổng diện tích chè trên 1.500 ha, trong đó trồng mới trên 340 ha chè, đạt 260% nghị quyết. Sản lượng chè búp tươi đạt trên 11.700 tấn, tăng trên 3.400 tấn so với năm 2010.

 

Công tác khoanh nuôi, bảo vệ tái sinh rừng, trồng mới rừng tập trung gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng có nhiều chuyển biến tích cực, trồng mới trên 3.800 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất, nâng độ che phủ rừng lên 32%.

 

Chương trình xây dựng nông thôn mới được lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ, đạt kết quả tích cực, vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới được phát huy. Năm 2015 có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7 xã còn lại đạt từ 11 – 15 tiêu chí. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân khu vực nông thôn được cải thiện.

 

Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng không ngừng qua các năm, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 200 tỷ đồng, tăng trên 1,5 lần so với năm 2010. Tập trung chủ yếu vào một số ngành khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, gia công cơ khí, chế biến nông sản. Công nghiệp chế biến chè gắn với vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu sản phẩm chè “Tân Uyên”. Thương mại, dịch vụ phát triển khá, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 220 tỷ đồng, xuất khẩu hàng địa phương đạt 2,57 triệu USD.

 

Kết cấu hạ tầng KT – XH được quan tâm đầu tư. Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2011 – 2015 đạt trên 700 tỷ đồng. Các công trình quan trọng như: trung tâm hành chính huyện, trụ sở làm việc các cơ quan, bệnh viện đa khoa, các công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, y tế, chợ, được đầu tư xây dựng, hoàn thành, phát huy hiệu quả sử dụng. Đến nay, 95% diện tích ruộng nước được tưới chủ động, 10/10 xã, thị trấn có đường ô tô đến được trung tâm, 131/142 bản, tổ dân phố có đường xe máy đi lại được 4 mùa. Tỷ lệ phòng học được kiên cố, bán kiên cố đạt 73%. Có 63 nhà văn hóa xã, bản, tổ dân phố, 95% bản, tổ dân phố được sử dụng điện lưới quốc gia. 91% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hạ tầng thông tin phát triển nhanh, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

 

Hệ thống trường, lớp học, thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cơ bản đáp ứng sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo của huyện. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến lớp đạt tỷ lệ cao. Trẻ hoàn thành chương trình Tiểu học vào học lớp 6, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 100%, học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông bình quân hàng năm đạt 92,8%. Số học sinh đỗ các trường chuyên nghiệp ngày càng tăng.

 

Triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ trong các lĩnh vực đạt kết quả tích cực. Phục tráng thành công các giống lúa đặc sản của địa phương và xây dựng thương hiệu chè Tân Uyên. Áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đứa giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao vào sản xuất. Nhiều sáng kiến, giải pháp công nghệ được ứng dụng trong lĩnh vực công nghiệp, y tế, giáo dục. Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

 

Với sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm chính trị cao trong công tác lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong huyện đã tranh thủ thời cơ, vượt qua nhiều khó khăn, nỗ lực phấn đấu cơ bản hoàn thành, đạt và vượt các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI. Kinh tế tăng trưởng khá, sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện có hiệu quả. Thu ngân sách đạt khá. Hạ tầng KT – XH phát triển tương đối nhanh. Bộ mặt thị trấn, nông thôn của huyện có nhiều đổi thay tiến bộ. Giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thực hiện các chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo đạt kết quả tích cực. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Chính trị ổn định, quốc phòng – an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng có nhiều đổi mới, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng được nâng lên. Hệ thống chính trị các cấp được củng cố. Sức mạnh đoàn kết các dân tộc được giữ vững và phát huy. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể ngày càng được đổi mới. Kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI là quan trọng, từng bước đưa Tân Uyên ra khỏi huyện nghèo theo đúng mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ huyện đề ra, tạo tiền đề và động lực quan trọng để huyện phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm tới.

 

Trong những năm tới, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, trong tỉnh tiếp tục ổn định, phát triển. Các chính sách, nguồn lực đầu tư cho các huyện nghèo, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tái định cư thủy điện Bản Chát được tăng cường. Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong huyện đoàn kết thống nhất. Đội ngũ cán bộ các cấp tiếp tục trưởng thành, tinh thần vượt khó của nhân dân các dân tộc được nâng lên. Những kết quả, kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2010 – 2015 là tiền đề, tạo thế và lực mới cho Đảng bộ huyện thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015 – 2020.

 

Với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, được sự quan tâm của tỉnh và Trung ương, bằng những phương pháp lãnh đạo khoa học, sát đúng, phù hợp của Ban thường vụ, Ban chấp hành huyện ủy đối với điều kiện, tình hình thực tế, chắc chắn rằng, Tân Uyên sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển KT – XH mà nghị quyết của Đảng đã vạch ra, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân.

 

Minh Phương 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang