Thứ Bẩy, 20/04/2024 07:30:46 GMT+7

Tin đăng lúc 06-02-2016

Lượt xem: 6543

Huyện Tuần Giáo: Tích cực khai thác lợi thế, đẩy mạnh phát triển KT – XH, phấn đấu trở thành huyện khá của tỉnh

Tuần Giáo là huyện cửa ngõ của tỉnh Điện Biên, nơi tiếp giáp với địa phận tỉnh Sơn La, được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho nhiều tiềm năng và thế mạnh...
Huyện Tuần Giáo: Tích cực khai thác lợi thế, đẩy mạnh phát triển KT – XH, phấn đấu trở thành huyện khá của tỉnh
Lãnh đạo tỉnh và huyện Tuần Giáo kiểm tra thực địa rừng cao su tại xã Nà Sáy.

Trên địa bàn huyện có nhiều nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, đã tạo điều kiện cho huyện phát triển nền kinh tế công nghiệp đa dạng như chế biến lâm sản, khai thác khoáng sản, phát triển nguồn năng lượng thủy điện và sản xuất vật liệu xây dựng. Từ thế mạnh đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã tích cực tìm nhiều giải pháp phù hợp để phát triển KT – XH, nên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đưa Tuần Giáo trở thành huyện phát triển khá của tỉnh Điện Biên.

 

Trong những năm qua, kinh tế của huyện đạt tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu bình quân 11,2%/năm (đạt so với Nghị quyết), trong đó: Nông nghiệp 6,5%/năm, công nghiệp xây dựng 18,5%/năm, dịch vụ tăng 12%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, dự ước đến hết năm 2015, nông nghiệp 35,2%, công nghiệp xây dựng 28,5%, dịch vụ 36,3%. Thu nhập bình quân đầu người: 18,5 triệu đồng/năm (vượt so với Nghị quyết).

 

Sản xuất lương thực tăng khá, ước tính năm 2015 đạt 35.500 tấn, vượt 1,1% so với Nghị quyết. Sản xuất nông sản hàng hóa đã định hình rõ nét: ngô, gạo, cà phê, táo mèo, sa nhân, thảo quả... Diện tích cây cao su phát triển nhanh, duy trì diện tích cây cà phê hiện có (dự kiến đến hết năm 2015 diện tích cây cao su trên 1.330 ha, cà phê 530 ha).

 

Ngành công nghiệp và xây dựng có bước phát triển khá, tổng giá trị sản xuất đạt 534,7 tỷ đồng. Tốc độ bình quân tăng 18,5%/năm, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp dự ước năm 2015, đạt 242,941 tỷ đồng.

 

Các công trình công nghiệp điện trên địa bàn huyện được quan tâm chỉ đạo, thủy điện Nậm Mức đang trong giai đoạn hoàn thiện. Thủy điện Nặm Bay tiếp tục thi công. Thủy điện Lông Tạo đang tiến hành các bước chuẩn bị đầu tư. Tỷ lệ hộ dân được dùng điện lưới đạt 83,6% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết).

 

Dịch vụ thương mại phát triển rộng khắp, mạng lưới bán lẻ đến tận thôn bản, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 613 tỷ đồng. Nhà hàng, nhà nghỉ mở rộng quy mô, tăng số lượng và chất lượng phục vụ, các loại vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, các mặt hàng thiết yếu phụ vụ sản xuất và đời sống phát triển mạnh, nhiều thành phần tham gia, cạnh tranh bình đẳng. Dịch vụ vận tải ngày càng phát triển, năm 2014 vận chuyển 58,7 nghìn hành khách, 209,8 nghìn tấn hàng hóa, doanh thu đạt 42,5 tỷ đồng.

 

Các thành phần kinh tế phát triển, nhất là kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân. Đến cuối năm 2014 có 6 hợp tác xã khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh nông nghiệp và dịch vụ, 16 doanh nghiệp tư nhân và 19 công ty cổ phần hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, khai thác tài nguyên khoáng sản, dịch vụ thương mại.

 

Cùng với việc phát triển kinh tế, huyện còn chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn đầu tư xây dựng từ ngân sách nhà nước, bình quân môi năm 150 tỷ đồng, kết hợp các nguồn vốn khác của ngành, của nhân dân, đã đầu tư các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng.

 

Các dự án mở rộng lưới điện (nguồn vốn ADB và 135) kết hợp các nguồn vốn mở rộng lưới điện đã kéo điện đến được 12 điểm (bản tập trung, các hộ, nhóm hộ ở vị trí gần đường giao thông, gần đường điện trung thế chưa có điện lưới). Hầu hết các bản, các khu dân cư tập trung đã được đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt, trong giai đoạn 2012 – 2015 đã được đầu tư ở một số trung tâm xã, điểm định cư...

 

Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới bước đầu tập trung xây dựng hạ tầng, chủ yếu là giao thông, trụ sở và nước sinh hoạt trung tâm xã, nhà văn hóa xã. Đã hoàn thành Đề án quy hoạch và phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới 18/18 xã. 3 xã thực hiện điểm Chương trình xây dựng nông thôn mới đang tích cực triển khai thực hiện.

 

Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện đã tập trung đầu tư các công trình thiết yếu cho cơ sở, hình thức lồng ghép nguồn vốn. Triển khai có kết quả các dự án khác trên địa bàn như: dự án khuyến nông, khuyến lâm, dự án định cư tập trung, dự án hỗ trợ đời sống và sản xuất các dự án tài trợ của nước ngoài, dự án dạy nghề lao động nông thôn, dự án hỗ trợ người nghèo dịch vụ pháp lý, dự án hỗ trợ người nghèo hưởng thụ văn hóa thông tin... tập trung vào vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng cao, vùng sâu và người nghèo.

 

Đội ngũ giáo viên được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, cơ bản cân đối giữa các bộ môn. Giáo viên chuẩn và trên chuẩn đạt 80%, có 70% giáo viên giỏi cấp trường trở lên. Hoàn thành các mục tiêu về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại 19/19 xã, thị trấn, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí phổ cập giáo dục, các mức độ ở các cấp học. Xây dựng trường học chuẩn đạt nhiều kết quả, cuối năm 2014 có 45 trường, tăng 25 trường so với năm 2012. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học tiếp tục được đầu tư, bổ sung, nâng cấp, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc, đặc biệt ở những vùng khó khăn. Tỷ lệ phòng học kiên cố là 52,8%.

 

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại nhưng huyện đã nỗ lực vượt khó vươn lên, đạt được nhiều chuyển biến đáng kể trên các lĩnh vực, hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt so với Nghị quyết đại hội XXI đề ra. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng lên. Khối đại đoàn kết toàn dân, giữa các dân tộc được phát huy. Xây dựng kết cấu hạ tầng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tốc độ giảm nghèo khá nhanh và đã hướng đến sự bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Tiềm lực quốc phòng – an ninh được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Hệ thống chính trị được củng cố vững chắc. Mọi mặt kinh tế xã hội phát triển khá đồng đều và bền vững.

 

Đạt được kết quả trên là do các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm giúp đỡ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, cùng các ban, ngành trong tỉnh, sự lãnh đạo sát sao, kiên quyết của Đảng bộ huyện, nhất là Ban Thường vụ Huyện ủy, kết hợp với tính năng động, linh hoạt trong điều hành của các cấp chính quyền và những nỗ lực của mọi tầng lớp nhân dân trong huyện đã đoàn kết cùng nhau quyết tâm vượt khó, thúc đẩy kinh tế của huyện ngày càng phát triển, đưa Tuần Giáo ra khỏi huyện nghèo, trở thành huyện có mức tăng trưởng khá của tỉnh Điện Biên trong thời kỳ hội nhập quốc tế. 

 

Xuân Trường


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang