Thứ Năm, 25/04/2024 13:35:15 GMT+7

Tin đăng lúc 04-12-2015

Lượt xem: 7323

Huyện Vĩnh Lộc: Phát huy giá trị của di sản, đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với đảm bảo môi trường bền vững

Huyện Vĩnh Lộc nằm ở vùng đồng bằng sông Mã. Trung tâm huyện lỵ cách thành phố Thanh Hóa 45 km về phía Tây Bắc theo quốc lộ 45, cách thị xã Bỉm Sơn 40 km về phía Tây theo quốc lộ 217.
Huyện Vĩnh Lộc: Phát huy giá trị của di sản, đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với đảm bảo môi trường bền vững
Thành nhà Hồ - di tích lịch sử được UNESCO công nhận là di sản văn hóa Thế giới

Vĩnh Lộc có tài nguyên du lịch phong phú. Toàn huyện có tới 14 di tích danh thắng được xếp hạng quốc gia, 47 di tích danh thắng được xếp hạng cấp tỉnh. Đặc biệt là Thành Nhà Hồ, di sản văn hóa thế giới và từng là kinh đô nước Đại Ngu dưới vương triều Hồ. Là nơi phát tích của 12 đời Chúa Trịnh, Vĩnh Lộc còn là nơi ẩn chứa nhiều truyền thuyết, huyền thoại với những di chỉ khảo cổ nổi tiếng. Những danh nhân mà tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử dân tộc như: Trần Khát Chân, Tống Duy Tân, Trịnh Khả... Vĩnh Lộc có nhiều làng nghề với những sản phẩm có giá trị, có nhiều lễ hội đặc sắc, nhiều trò chơi dân gian, nhiều món ăn độc đáo và nguồn lao động dồi dào.

 

 

Lễ khánh thành Trường THCS Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

 

Với tài nguyên du lịch phong phú, giao thông thuận lợi, Vĩnh Lộc được xác định nằm trong tuyến du lịch quốc gia và quốc tế, là trung tâm tuyến du lịch quan trọng từ thành phố Thanh Hóa qua Vĩnh Lộc lên Cẩm Thủy, Quan Sơn sang Lào.

 

Những năm qua, huyện đã tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch phong phú và đặc sắc, trong đó nổi bật là các giá trị lịch sử, kiến trúc của di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ. Đồng thời gìn giữ và phát huy giá trị các di tích danh thắng, nền văn hóa lâu đời của vùng đất “Địa linh nhân kiệt” và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống, lòng tự hào dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước, bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong định hướng phát triển kinh tế của huyện Vĩnh Lộc và tỉnh Thanh Hóa.

 

Tài nguyên và hệ sinh thái trên cạn và dưới nước của Vĩnh Lộc cũng rất đa dạng, dọc hai bên bờ sông Mã chảy qua địa phận Vĩnh Lộc có nhiều ruộng trồng lúa nước và các cánh đồng bãi hoa màu. Cảnh quan chủ yếu hai bên sông là cảnh quan vùng đồng bằng, thiên nhiên nhiều cây xanh và cánh đồng ngô lúa bạt ngàn, thấp thoáng bóng núi mờ xa. Đi qua những vùng dân cư, làng xóm, người dân sinh hoạt ven sông với khung cảnh nhộn nhịp, tấp nập nhưng gần gũi, thân quen đã tạo nên nét trữ tình đặc sắc cho địa phương.

 

Cùng với lợi thế là kinh đô của nước Đại Ngu xưa kia, với di sản thế giới Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận, là quê hương của nhà Trịnh, từ xưa nơi đây và kinh thành Thăng Long cũng đã có sự giao lưu thường xuyên, được các chúa Trịnh cho xây dựng nhiều công trình kiến trúc độc đáo. Nhờ đó Vĩnh Lộc ngày nay đã có bề dày văn hóa đậm đà, cùng nền tảng du lịch di sản, di tích lịch sử, văn hóa phong phú và đa dạng. Trong những năm vừa qua, huyện đã xây dựng sân tennis, công viên, lát đá vỉa hè, từng bước trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn huyện.

 

Vĩnh Lộc là huyện có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch, nhưng hiện nay vẫn chưa được khai thác triệt để, chưa thực sự thu hút khách du lịch và tạo ra nguồn thu lớn cho địa phương. Do xuất phát điểm kinh tế - xã hội của huyện còn thấp, nguồn thu chủ yếu từ nông nghiệp, các điều kiện về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch còn hạn chế, do đó việc kết nối bằng đường bộ giữa các di tích, danh thắng trên địa bàn huyện với Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ để bổ trợ, tạo thành những sản phẩm tour khép kín còn khó khăn. Bản thân Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ trải qua các biến cố lịch sử và sự tàn phá của thiên nhiên, nên nhiều hạng mục như lâu đài, thành quách, cung điện... hiện nay chỉ còn là phế tích. Vì vậy việc đầu tư, tôn tạo, phục dựng để hình thành sản phẩm du lịch cần rất nhiều kinh phí và thời gian. Đó là những trở ngại lớn trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng phục vụ du lịch trên địa bàn Vĩnh Lộc.

 

 

 Bà Vũ Thị Hương - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc

 

Sau gần 2 năm, trở thành di sản văn hóa thế giới, việc phát triển du lịch ở Vĩnh Lộc, ở Thành Nhà Hồ vẫn đang là bài toán khó đối với lãnh đạo các cấp chính quyền huyện Vĩnh Lộc. Bởi thế, du lịch huyện Vĩnh Lộc đang rất cần có sự quan tâm đúng mức của Nhà nước, của tỉnh Thanh Hóa, để có thể khai thác được các ưu điểm của địa phương về mọi mặt, thức dậy tiềm năng phát triển trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng, ghi tên trong bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.

 

Hưởng ứng năm du lịch quốc gia, huyện đã tập trung tìm nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả như: Tổ chức mở các lớp đào tạo tại chỗ, đào tạo ngắn hạn cho lao động phục vụ du lịch trên các điểm, tuyến du lịch trong toàn huyện. Đặc biệt là đội ngũ quản lý, thuyết minh viên và tư vấn du lịch, quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, các chủ hộ gia đình kinh doanh dịch vụ du lịch; Thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, kinh doanh, mở rộng hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực du lịch với các cơ sở, tổ chức đào tạo trong nước và quốc tế; Xã hội hóa công tác giáo dục du lịch, nâng cao nhận thức về du lịch cho nhân dân và khách du lịch, tạo điều kiện cho những người dân trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch; Tăng cường tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng du lịch một cách bài bản, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và cộng đồng để các đối tượng hiểu rõ về vai trò và ý nghĩa phát triển du lịch cộng đồng trong huyện; Tích cực nghiên cứu thị trường để xác định các thị trường tiềm năng, thị trường trọng điểm và thị trường mục tiêu làm cơ sở xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với từng đối tượng khách và xây dựng các chương trình xúc tiến phù hợp với từng thị trường; Đồng thời, đa dạng và nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về du lịch, xây dựng hình ảnh các điểm du lịch để tạo ra sức hấp dẫn riêng đối với du khách bằng các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng các cụm pano, biển quảng cáo về du lịch, xây dựng băng VIDEO, đĩa CD-ROM, Website, sổ tay du lịch, tham gia các hội chợ, triển lãm, hội thi về du lịch. Phát tờ rơi, giới thiệu về tour du lịch tại các khu, điểm du lịch đông người của tỉnh Thanh Hóa và của huyện Vĩnh Lộc (như khu Thành nhà Hồ). Quảng bá du lịch trên nhãn mác các hàng hóa du lịch liên quan của địa phương. Hoạt động quảng bá du lịch luôn luôn gắn kết với hoạt động xúc tiến du lịch, thương mại, xúc tiến đầu tư...

 

Bằng những giải pháp hữu hiệu và thiết thực, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Lộc đang nỗ lực không ngừng, với quyết tâm đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch, nhưng phải gắn với đảm bảo môi trường bền vững với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện trong thời kỳ CNH – HĐH và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Nghĩa Hà 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang