Thứ Sáu, 29/03/2024 14:07:30 GMT+7

Tin đăng lúc 15-07-2016

Lượt xem: 3543

JICA sẽ hỗ trợ Việt Nam xuất khẩu nông sản

Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đang có dự án chọn một địa phương tại Việt Nam để hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Mỹ.
JICA sẽ hỗ trợ Việt Nam xuất khẩu nông sản
Ảnh minh họa

Thông tin trên được ông Kenta Harigai, kỹ sư trưởng Công ty Tư vấn Mitsui cho biết trong buổi giao lưu chia sẻ kinh nghiệm bảo quản nông sản sau thu hoạch diễn ra vào ngày 9/7 tại Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA).

 

Mitsui là một công ty được JICA chọn để triển khai dự án hỗ trợ Việt Nam xây dựng thương hiệu nông sản và xuất khẩu đến hai thị trường mục tiêu là Nhật và Mỹ. Bên cạnh đó, một phần công việc của Mitsui trong dự án này là hỗ trợ các công ty doanh nghiệp Nhật chuyển giao công nghệ vào Việt Nam.

 

Bốn tỉnh được JICA đi khảo sát là Hà Giang, Nghệ An, Lâm Đồng và Vĩnh Long. Hiện đoàn khảo sát đã qua 3 tỉnh và sẽ tiếp tục đến Vĩnh Long vào ngày 10/7.

 

Mặc dù chưa đưa ra kết luận chính thức sẽ chọn tỉnh nào để hỗ trợ nhưng ông Kenta Harigai cho biết vải và xoài là hai nông sản có thể ứng dụng công nghệ đông lạnh của Nhật Bản để bảo quản và xuất khẩu. Hiện trái cây rã đông ở trạng thái tương tự như kem đang là xu hướng được người tiêu dùng Nhật Bản quan tâm, ông Harigai chia sẻ và hy vọng đây có thể là một gợi ý cho các bạn trẻ khởi nghiệp Việt Nam có thêm ý tưởng đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường.

 

Tại buổi giao lưu, công nghệ được các bạn Nhật giới thiệu là kỹ thuật đông lạnh Tomin, được phát triển bởi Công ty Technican.

 

Ông Tsutomu Horii, đại diện Technican cho biết, kỹ thuật đông lạnh Tomin dựa trên môi trường dung dịch để cấp đông cho sản phẩm, thay vì là môi trường không khí như các phương pháp truyền thống. Cụ thể, dung dịch được sử dụng là rượu ethanol, được làm lạnh xuống nhiệt độ âm 30 độ C. Sản phẩm sẽ được đưa vào dung dịch này để cấp đông.

 

Ưu điểm của kỹ thuật này, theo ông Horii, đó là giúp giảm thời gian cấp đông sản phẩm xuống 10-20 lần, đồng thời vẫn giữ được độ tươi ngon của sản phẩm so với kỹ thuật đông lạnh truyền thống.

 

Sau khi trình bày, kỹ thuật Tomin nhận được sự quan tâm của nhiều nhà sản xuất nông thủy sản tại Việt Nam và giá của thiết bị là câu hỏi đầu tiên được đặt ra. Tuy không đưa ra con số cụ thể nhưng ông Horri cho biết thiết bị Tomin có giá cao hơn 1,3-1,4 lần so với thiết bị truyền thống có cùng công suất. Thiết bị cấp đông Tomin do Technican cung cấp trong một giờ có thể làm đông lạnh 600-650 kg sản phẩm thịt, cá.

 

Cũng trong buổi giao lưu, BSA đã giới thiệu nhiều nông đặc sản của các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long như sakê Bến Tre, nhãn Ido, xoài Cát Chu, sầu riêng Ri6, hồng sấy gió.

 

Nguồn: Báo Công thương điện tử


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang