Thứ Sáu, 29/03/2024 21:25:34 GMT+7

Tin đăng lúc 28-09-2019

Lượt xem: 1926

Kết nối cung - cầu nông sản Việt Nam - Nhật Bản

Việc đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản thực phẩm đi kèm với nâng cao năng lực chế biến, đưa thương hiệu hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam ra thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng là một trong những nhiệm vụ chính mà Bộ NN&PTNT đang triển khai
Kết nối cung - cầu nông sản Việt Nam - Nhật Bản
Nông sản Việt Nam rất được ưa chuộng tại Nhật Bản

Việt Nam và Nhật Bản từ nhiều năm qua đã thiết lập và phát triển được mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp, không ngừng thúc đẩy hoàn thiện toàn diện, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa và giao lưu nhân dân.

 

Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp hai nước đã xây dựng được khung hợp tác dài hạn cũng như ký nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác về phổ biến quy chuẩn và chứng nhận liên quan tới chất lượng nông sản, thực phẩm, phát triển chuỗi giá trị gạo Việt Nam. Nhiều dự án trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn đã nhận được hỗ trợ ODA từ Nhật Bản để triển khai thực hiện, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản vừa diễn ra mới đây.

 

Hiện có khoảng 1.800 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động cùng với số vốn đầu tư là 9,5 tỷ USD, dẫn đầu các quốc gia đầu tư vào Việt Nam, trong đó các doanh nghiệp Nhật Bản đang ngày càng quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

 

Về quan hệ thương mại, Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Hoa Kỳ và Trung Quốc) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Hàn Quốc) của Việt Nam. Nếu năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 37,9 tỷ USD, chiếm 7,9% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với thế giới, trong đó kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản là khoảng 3 tỷ USD (chiếm 7,9% tổng kim ngạch). Thì riêng 8 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Nhật Bản đã đạt 25,7 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2018.

 

Bên cạnh đó, Việt Nam và Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng không chỉ về lợi thế vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, đều có thế mạnh riêng về nông nghiệp cần tăng cường trao đổi, bổ sung cho nhau. Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã tạo thuận lợi và cơ hội thúc đẩy 2 nước hợp tác trên nhiều lĩnh vực tiềm năng, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, tăng cường hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, trao đổi kinh nghiệm chuyên gia, đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

 

Cả hai nước đều có nhu cầu hợp tác, nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng để chiếm lĩnh và mở rộng thị phần tại thị trường trong nước cũng như các nước tham gia CPTPP.

 

Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản thực phẩm đi kèm với nâng cao năng lực chế biến, đưa thương hiệu hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam ra thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng là một trong những nhiệm vụ chính mà Bộ NN&PTNT đang triển khai nhằm tiếp tục khẳng định vị thế của nông sản Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mở cửa thị trường nông sản.

 

Ông Okabe Daisuke - Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ, Nhật Bản là một trong nhiều thị trường tiêu thụ chủ lực hàng nông sản Việt Nam. Ngay sau khi CPTPP có hiệu lực, một số nông sản chủ lực của Việt Nam như: cà phê (rang xay hòa tan), tiêu, điều và các gia vị khác; một số loại rau hoa quả; sản phẩm hoa quả chế biến, đóng hộp sẽ được xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu; một số khác được xóa bỏ có lộ trình. Vì vậy, để tận dụng và mở rộng thị trường Nhật Bản, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng đúng các quy định về nhập khẩu của Nhật Bản.

 

Cụ thể, đối với sản phẩm chăn nuôi, theo quy định của chính phủ Nhật Bản phải loại bỏ ô nhiễm của dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, cúm gà… không mang nguồn bệnh có khả năng lây nhiễm vào Nhật Bản; Đối với sản phẩm từ trồng trọt phải đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật, không có nguy cơ mang sâu bệnh, ảnh hưởng đến nền thực vật của nước xuất khẩu đến Nhật Bản. Nông sản đã chế biến cần làm thủ tục nhập khẩu riêng.

 

Ngoài ra, đối thoại hợp tác nông nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đã được tổ chức 4 lần kể từ năm 2014. Thông qua các cuộc đối thoại,  hai bên đã phê duyệt tầm nhìn trung - dài hạn về hợp tác nông nghiệp Việt -  Nhật nhằm xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm tại Việt Nam. Đó là biên bản ghi nhớ về vận dụng các quy cách, chứng nhận về nông sản phẩm, thực phẩm tại Việt Nam.

 

Nhân sự kiện này, Tham tán phụ trách nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm nhập khẩu của Nhật Bản tại Việt Nam, Phó trưởng đại diện Jetro tại Hà Nội, đại diện Công ty AEON Topvalue đã giới thiệu tiềm năng và cơ hội, đề xuất giải pháp thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp nông nghiệp Việt -  Nhật; hoạt động cụ thể hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam vào hệ thống siêu thị AEON tại Việt Nam và trên thế giới.

 

Theo Thời Báo Ngân Hàng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang