Thứ Năm, 25/04/2024 18:02:18 GMT+7

Tin đăng lúc 20-12-2018

Lượt xem: 7419

Khai mạc Hội chợ nông đặc sản vùng miền

Tối 19-12, Hội chợ nông đặc sản vùng miền, Tuần lễ quảng bá cam sành Hà Giang, quýt Bắc Cạn năm 2018 đã được chính thức khai mạc tại Hà Nội.
Khai mạc Hội chợ nông đặc sản vùng miền
Khai mạc Hội chợ nông đặc sản vùng miền, Tuần lễ quảng bá cam sành Hà Giang, quýt Bắc Cạn năm 2018

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho hay, Hội chợ nông đặc sản vùng miền, tuần lễ quảng bá cam sành Hà Giang, quýt Bắc Cạn năm 2018 là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng được Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Hà Giang và Bắc Cạn chỉ đạo tổ chức từ ngày 19 đến 26-12 tại Hà Nội.

 

Với quy mô 200 gian hàng của các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề đến từ các địa phương trên cả nước cùng nhiều các mặt hàng nông đặc sản vùng miền, thủy sản, hàng thủ công mỹ nghệ… Hội chợ sẽ là cơ hội tốt để hai sản phẩm đặc sản: Cam sành Hà Giang và quýt Bắc Cạn được quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm thông tin, tư vấn khoa học công nghệ, mở rộng quan hệ xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư vào các dự án phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của địa phương.

 

Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Cạn, quýt Bắc Cạn được người tiêu dùng ưa chuộng bởi hương vị, thơm, chua dịu, ngọt mát… không trộn lẫn với bất cứ sản phẩm quýt của vùng khác. Từ đầu những năm 1980, người dân khu vực xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông đã phát triển thành các vùng chuyên canh cây quýt. Diện tích cây quýt được trồng mở rộng dần ra những xã, vùng lân cận và đến nay đã trở thành hàng hóa.

 

 

Gian hàng trưng bày cam sành Hà Giang tại hội chợ.

 

Năm 2012, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý Bắc Cạn cho sản phẩm quýt Bắc Cạn, đến nay diện tích cam quýt đạt 3.501 ha, diện tích dự kiến cho thu hoạch 2,1 nghìn ha, sản lượng dao động từ 17 nghìn đến 20 nghìn tấn/năm. Song song với việc phát triển diện tích, tỉnh Bắc Cạn cũng đã chú trọng về nâng cao chất lượng, mục tiêu là đến năm 2020 sẽ thực hiện thâm canh, cải tạo tăng năng suất 2,3 nghìn ha cây ăn quả (gồm các loại cây cam, quýt, hồng không hạt, mơ), trong đó đưa ra mục tiêu có 300 ha sản xuất theo quy trình VietGAP và xác định canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi tất yếu để nâng cao giá trị cạnh tranh, giúp nông sản đặc trưng của tỉnh vươn ra thị trường lớn.

 

Trong thời gian qua, tỉnh Bắc Cạn đã có nhiều hoạt động tích cực, giúp cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh khẳng định được thương hiệu, tìm được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Để có được điều đó, tỉnh đã chỉ đạo việc quảng bá sản phẩm, mạnh dạn tiếp cận thị trường, tham gia các hội chợ triển lãm, nhằm góp phần làm nên thành công của mỗi sản phẩm trong tỉnh hiện nay.

 

Hà Giang nổi tiếng với sản phẩm cam sành. Với hơn 8,7 nghìn ha trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP, truy xuất nguồn gốc, năm 2018 cho sản lượng trên 62 nghìn tấn.

 

Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang cho hay, hiện tỉnh đang triển khai mạnh mẽ việc xúc tiến thương mại, đầu tư, chuẩn bị tổ chức tuần lễ cam sành Hà Giang tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hướng tới xuất khẩu trong thời gian tới. Không khuyến khích mở rộng thêm diện tích trồng cam, Hà Giang sẽ nâng cao chất lượng để tạo thương hiệu cho cây cam sành, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để nâng cao vị thế sản phẩm chủ lực trên thị trường, hướng tới xuất khẩu. Tết Nguyên đán sắp tới cũng là dịp để tiêu thụ mạnh sản phẩm cam sành Hà Giang, Hà Giang cũng đang nỗ lực tìm kiếm thêm thị trường trong nước cho đặc sản này.

 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Cam, quýt nằm trong nhóm năm sản phẩm chủ lực của Việt Nam có diện tích trồng lớn. Năm nay, tỉnh Hà Giang, Bắc Cạn và một số tỉnh khác đã chủ động phối hợp các bộ ban ngành xúc tiến thương mại để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh là cách làm hay nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và gia tăng giá trị cho sản phẩm.

 

Nguồn Nhân Dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang