Thứ Sáu, 29/03/2024 01:19:17 GMT+7

Tin đăng lúc 23-07-2016

Lượt xem: 2460

Khánh Hòa: Kiểm soát chặt các dịch vụ du lịch

Khánh Hòa là 1 trong 10 trung tâm du lịch lớn của Việt Nam, với nguồn khách du lịch đa dạng, việc đảm bảo môi trường du lịch văn minh, thân thiện, an toàn, đòi hỏi công tác quản lý vô cùng gắt gao, trong đó hoạt động quản lý giá cả hàng hóa, dịch vụ, an toàn thực phẩm (ATTP) luôn được đặt lên hàng đầu.
Khánh Hòa: Kiểm soát chặt các dịch vụ du lịch
Khách du lịch nước ngoài mua sắm tại Nha Trang - Khánh Hòa

Trên 3.200 lượt kiểm tra

 

6 tháng đầu năm 2016, Khánh Hòa đã đón hơn 2 triệu lượt khách du lịch, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó lượng khách quốc tế đạt trên 526.000 người, tăng 28,2% so với năm trước, doanh thu ước tính gần 4.000 tỷ đồng.

 

Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Khánh Hòa, trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng QLTT tỉnh đã chủ trì phối hợp thực hiện trên 3.200 lượt thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Trong đó, phát hiện 420 trường hợp vi phạm về niêm yết giá, không có giấy chứng nhận cơ sở đạt điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) hoặc không tập huấn kiến thức ATTP, không đăng ký kinh doanh, kinh doanh hàng quá hạn sử dụng, vi phạm nhãn hàng hóa và một số sai phạm khác…

 

Đặc biệt, QLTT đã phối hợp với công an tỉnh tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh bán hàng phục vụ khách du lịch theo đoàn và tour quốc tế. Đã có 7 trường hợp vi phạm không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, niêm yết giá bằng ngoại tệ… Các đoàn kiểm tra đã cảnh cáo, lập biên bản, xử phạt hành chính lên tới hơn 154 triệu đồng và tịch thu số tiền ngoại tệ sai phạm.

 

Sẽ thiết lập đường dây nóng

 

Theo đại diện Chi cục QLTT Khánh Hòa, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng các dịch vụ du lịch hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu đặt ra. Đơn cử, các hoạt động quản lý kiểm tra ATTP mới tập trung ở các khu trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở kinh doanh lớn và các khu chợ đầu mối, mà chưa chú trọng đúng mức đến những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Ngoài ra, việc giải quyết xử lý các hành vi liên quan đến vi phạm hành chính theo Thông tư số 09/2013/TTLT-BCT của Bộ Công Thương yêu cầu: Chi cục trưởng hoặc đội trưởng đội QLTT phải trình chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp xử phạt hành chính trong các trường hợp không thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan QLTT. Hoặc đối với việc xử phạt hành vi vi phạm “thanh toán tiền hàng hóa và dịch vụ bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật” và “niêm yết giá hàng hóa dịch vụ bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật” lại thuộc quyền của Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng… Trên thực tế, những điều này đã làm hạn chế phần nào việc xử phạt hành chính, gây chậm trễ trong công tác xử lý.

 

Chính vì thế, thời gian tới “Chi cục QLTT sẽ tiếp tục tham mưu cùng chính quyền nhằm ban hành, sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp công tác giữa các cơ quan chức năng trong việc quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Theo đó, sẽ quy định cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan, quan hệ phối hợp, thiết lập đường dây nóng và thời hạn giải quyết phản ánh của khách du lịch để xây dựng môi trường du lịch đẹp trong mắt du khách trong và ngoài nước” - ông Nguyễn Minh Sô - Chi cục trưởng Chi cục QLTT Khánh Hòa - khẳng định.

 

Từ đầu năm đến nay, QLTT Khánh Hòa đã vận động được gần 4.000 cơ sở cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo chất lượng ATTP.

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang