Thứ Năm, 25/04/2024 00:40:03 GMT+7

Tin đăng lúc 27-04-2023

Lượt xem: 465

Khuyến công Đắk Nông hỗ trợ cơ sở CNNT hiện đại hóa dây chuyền sản xuất

Đắk Nông hiện có khoảng 2.800 cơ sở hoạt động sản xuất công nghiệp. Trong đó, phần lớn là các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT), với các sản phẩm chế biến chủ yếu như: Cà phê, tiêu, điều… thời gian qua, Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại (Trung tâm KC&XTTM) Đắk Nông (Sở Công Thương) đang từng bước hỗ trợ các cơ sở sản xuất CNNT hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.
Khuyến công Đắk Nông hỗ trợ cơ sở CNNT hiện đại hóa dây chuyền sản xuất
Sản xuất thanh gạo lứt tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ An Phát (Gia Nghĩa)

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ An Phát (Gia Nghĩa) là doanh nghiệp đang cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm khác nhau như: hạt mắc ca, bánh gạo lứt, hạt điều sấy… Năm 2023, Công ty sẽ được hỗ trợ 01 máy đóng gói tự động, 01 máy cán, cắt kẹo tự động từ nguồn kinh phí khuyến công đã được phê duyệt.

 

Trước đó, để giúp tăng công suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, Công ty từng bước đầu tư máy móc thiết bị hiện đại trong các khâu sản xuất chế biến, đóng gói.

 

Đại diện lãnh đạo Công ty cho biết, với nguồn hỗ trợ 300 triệu đồng từ kinh phí khuyến công quốc gia, sắp tới sẽ giúp doanh nghiệp chuẩn hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm thời gian. Sản phẩm làm được bảo đảm tốt hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Sức cạnh tranh của sản phẩm nâng cao, tăng doanh thu cho doanh nghiệp.

 

Được biết, trong giai đoạn 2012-2022, toàn tỉnh có 48 sản phẩm của 47 cơ sở đạt chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh. Trong đó, có 33 cơ sở được nguồn quỹ khuyến công hỗ trợ về: Ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất; tham gia các hội chợ; tìm kiếm phát triển thị trường… Các cơ sở CNNT mang đến thu nhập cho người lao động bình quân từ 4-6 triệu đồng/người/tháng.

 

Để phát triển sản phẩm công nghiệp khu vực nông thôn, Đắk Nông đang khuyến khích các nhà máy chế biến nông, lâm sản hiện có đổi mới trang thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại. Từ đó vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa tạo ra các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao.

 

Theo ông Nguyễn Bá Út - Giám đốc Sở Công Thương Đắk Nông: “Trong thời gian tới, ngành Công Thương tỉnh sẽ ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn khuyến công cho phát triển sản xuất, sản phẩm CNNT tiêu biểu, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, hỗ trợ tích cực các cơ sở tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến giao thương, kết nối cung - cầu để đưa các sản phẩm đến nhanh với thị trường”.

 

Năm 2023, tỉnh Đắk Nông sẽ xây dựng 04 đề án khuyến công quốc gia với tổng kinh phí thực hiện là 6.698,6 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ là 3.440 triệu đồng, nguồn huy động từ các cơ sở CNNT là 3.258,6 triệu đồng; Kế hoạch khuyến công địa phương năm 2023 với tổng kinh phí thực hiện là 11.633 triệu đồng, trong đó: Kinh phí khuyến công địa phương đề nghị hỗ trợ là 5.667 triệu đồng, kinh phí huy động từ các cơ sở CNNT là 5.966 triệu đồng để thực hiện 05 nội dung hoạt động khuyến công.

 

Hiện tại, Trung tâm KC&XTTM đang thực hiện việc khảo sát thực tế, tư vấn, hỗ trợ các cơ sở về thủ tục để thực hiện tốt các đề án. Đơn vị còn phối hợp với các địa phương triển khai chương trình. Từ đó giúp nguồn kinh phí hỗ trợ đạt hiệu quả cao nhất và đúng mục đích.

 

Mặc dù nguồn kinh phí khuyến công còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được hết nhu cầu phát triển của các cơ sở CNNT, song, với nguồn kinh phí khuyến công mà các đơn vị được thụ hưởng sẽ đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở CNNT. Qua đó đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp, cùng với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đề ra.

 

Duy Tiên


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang