Thứ Bẩy, 20/04/2024 01:31:18 GMT+7

Tin đăng lúc 21-03-2019

Lượt xem: 2415

Khuyến công Hà Giang: Hỗ trợ theo hướng có trọng tâm, trọng điểm

Năm 2018, nhờ bám sát nhu cầu hỗ trợ của các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT), tập trung hỗ trợ hình thành và phát triển các sản phẩm có thế mạnh, sản phẩm chủ lực của tỉnh, đặc biệt là chú trọng đổi mới phương thức hỗ trợ theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, các đề án khuyến công trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã được triển khai tốt; đem lại hiệu quả kinh tế cho các đơn vị thụ hưởng, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Khuyến công Hà Giang: Hỗ trợ theo hướng có trọng tâm, trọng điểm
Giới thiệu cam sành Hà Giang tới bạn bè quốc tế

Trong năm qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Công Thương Hà Giang (Trung tâm) đã phối hợp với đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh triển khai hiệu quả 15 đề án cho 22 nội dung hỗ trợ và 2 hoạt động phục vụ công tác khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ 1,919 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí khuyến công Quốc gia hỗ trợ 700 triệu đồng để thực hiện 3 đề án; nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 1,12 tỷ đồng để triển khai thực hiện 12 đề án.

 

Nổi bật là việc triển khai 14 nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất chế biến các sản phẩm đặc trưng như: Dệt vải lanh, ớt gió của huyện Đồng Văn; Chè xanh, chè đen của huyện Hoàng Su Phì và huyện Xín Mần; Mật ong bạc hà và rượu ngô men lá cao nguyên đá của huyện Mèo Vạc; Tinh bột nghệ của huyện Bắc Mê;… Qua đó, giúp các cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư những thiết bị tiên tiến, hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị kinh tế của sản phẩm, cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn và đạt chất lượng.

 

Cùng với đó, Trung tâm còn triển khai nhiều nội dung khác như: Hỗ trợ xây dựng ký nhãn hiệu cho Thịt gia súc hun khói chất lượng cao, rượu ngô men lá cao nguyên đá và chè Shan tuyết; Hỗ trợ tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì cho sản phẩm mật ong bạc hà, chè Shan tuyết, tinh bột nghệ và rượu ngô men lá cao nguyên đá trên địa bàn các huyện Mèo Vạc, Bắc Mê, Vị Xuyên và TP.Hà Giang… Qua đó, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) có quyền sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ để gắn lên sản phẩm, đồng thời, đây cũng là cách để nhận diện và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

 

 

Sản phẩm mật ong của Hà Giang

 

Trao đổi với phóng viên, Ông Hoàng A Páo – đại diện HTX Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng, huyện Mèo Vạc cho biết, trong năm 2018, HTX nhận được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công trong việc đầu tư thêm máy hạ thủy phần mật ong công suất 120kg/mẻ và hỗ trợ xây dựng nhẫn hiệu, thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm. Trước kia khi chưa có máy, tỷ lệ thủy phần trong mật ong cao làm cho chất lượng mật ong chưa đáp ứng yêu cầu. Từ khi đưa máy thủy phần vào hoạt động đã góp phần nâng cao chất lượng mật ong, giúp sản phẩm bảo quản được lâu hơn, qua đó, hoạt động sản xuất thuận lợi hơn, đặc biệt là đã đáp ứng được yêu cầu để xuất khẩu, góp phần tạo bước đi vững chắc và lâu dài trong chiến lược kinh doanh của HTX.

 

Theo đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến công Hà Giang, năm 2019, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai các đề án hỗ trợ, trong đó, tập trung các đề án nhóm để thúc đẩy tiêu thụ những sản phẩm nông sản tiêu biểu của Hà Giang. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ một số đề án tư vấn thiết kế, in ấn mẫu mã bao bì sản phẩm để nâng cao giá trị và hiệu quả xúc tiến thương mại cho các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh.

 

Có thể nói, việc hỗ trợ theo hướng có trọng tâm, trọng điểm đã phát huy hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công; giúp các cơ sở CNNT ổn định hoạt động sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh; thúc đẩy các sản phẩm chủ lực của tỉnh phát triển…, qua đó, từng bước hướng tới hoàn thành mục tiêu Chương trình khuyến công đến năm 2020 mà tỉnh đã đề ra.

 

Đức Minh

 

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang