Thứ Sáu, 29/03/2024 18:28:25 GMT+7

Tin đăng lúc 27-05-2018

Lượt xem: 3204

Khuyến công Nghệ An: Ưu tiên phát triển các làng nghề

Thực hiện chương trình khuyến công giai đoạn 2016-2020, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Nghệ An (Khuyến công Nghệ An) đã huy động mọi nguồn lực, hỗ trợ cho các làng nghề trên địa bàn tỉnh.
Khuyến công Nghệ An: Ưu tiên phát triển các làng nghề
Khuyến công Nghệ An thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề.

Trong những năm qua, các làng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng với nhiều mặt hàng như: gạch, ngói, hàng mộc dân dụng và mỹ nghệ, nông sản, thực phẩm, hoa cây cảnh, hương nhang,... Nhờ vậy, một số lượng lớn sản phẩm được sản xuất đã mang lại thu nhập cao, nâng cao uy tín cho các làng nghề trên thị trường. Tuy nhiên, hoạt động của các làng nghề hiện nay đang còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ ở các khu dân cư, công nghệ lạc hậu, thiếu sự đồng bộ và còn thiếu sự phát triển bền vững trong tương lai. Sự phát triển của các làng nghề có tác động không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh như: Tỷ lệ người dân thất nghiệp có nguy cơ tăng cao; Mức thu nhập bình quân đầu người thấp dẫn đến các khoản thu nộp về ngân sách nhà nước giảm; Định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa gặp không ít khó khăn;...

 

Do đó, Khuyến công Nghệ An đã đề ra giải pháp thực hiện một số đề án được Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) và UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt như: Hỗ trợ kinh phí đầu tư, nâng cấp máy móc, mở lớp đào tạo dạy nghề,... nhằm đảm bảo sự hoạt động ổn định cho các làng nghề, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thúc đẩy quá trình trợ giúp trực tiếp cho các cá nhân, tổ chức, làng nghề thông qua các đề án.

 

Bằng những giải pháp và hoạt động nói trên, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 153 làng nghề, thu hút gần 10.000 hộ gia đình và hơn 20.000 lao động tham gia. Qua đó, thu nhập bình quân đạt 30,6 triệu đồng/người/năm; Tổng trị giá sản xuất của các làng nghề gia tăng đạt 160 tỷ đồng/năm.

 

Hiện nay, Khuyến công Nghệ An vẫn còn gặp không ít khó khăn trong quá trình hoạt động, do kinh phí còn hạn chế. Vì vậy, để chương trình khuyến công Nghệ An giai đoạn 2016-2020 tiếp tục phát huy hiệu quả, khắc phục được những tồn tại, khó khăn trong thời gian tới, chính quyền các cấp cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp đối với hoạt động khuyến công; đẩy mạnh quan tâm, bố trí nguồn nhân lực, kinh phí và cơ sở vật chất cho công tác khuyến công từ cấp huyện tới cấp xã.  

 

Mong rằng, thời gian tới, công tác khuyến công của Nghệ An tiếp tục được đẩy mạnh và là một trong các điểm tựa trọng tâm để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

 

Long Trọng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang