Thứ Năm, 25/04/2024 11:16:42 GMT+7

Tin đăng lúc 17-05-2023

Lượt xem: 441

Khuyến công Quảng Bình: Tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp

Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện đồng bộ các hoạt động khuyến công, giúp doanh nghiệp (DN), cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) có động lực phát triển, tăng trưởng ngày càng tích cực.
Khuyến công Quảng Bình: Tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp
Hỗ trợ mô hình trình diễn kỹ thuật trong sản xuất viên gỗ nén năng lượng

Cụ thể, giai đoạn 2012 - 2022, tỉnh Quảng Bình đã triển khai thực hiện đồng bộ các hoạt động khuyến công, với tổng kinh phí trên 51 tỷ đồng, hỗ trợ cho 327 cơ sở. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều thay đổi. Nhiều cơ sở sản xuất mới được thành lập với công nghệ, thiết bị tiên tiến hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại địa phương.

 

Sau khi Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 25/12/2012 của Chính phủ về khuyến công có hiệu lực, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản để triển khai đồng bộ công tác khuyến công trên địa bàn. Đồng thời, chủ động lồng ghép chương trình khuyến công với các chương trình, dự án khác, như: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… qua đó đã góp phần đa dạng hóa nguồn kinh phí thực hiện công tác khuyến công.

 

Các hoạt động hỗ trợ tập trung vào đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề cho người lao động, DN với trên 3.500 người thụ hưởng, kinh phí triển khai trên 5 tỷ đồng. Tổ chức 15 lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở, áp dụng sản xuất sạch hơn. Phối hợp thực hiện 12 chương trình nâng cao năng lực quản lý, sản xuất, quảng bá tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm; hỗ trợ các DN hợp tác quốc tế về khuyến công với Lào, Thái Lan…

 

Từ nguồn vốn khuyến công quốc gia, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 13 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, áp dụng công nghệ mới với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng. Ngoài ra, Quảng Bình đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn khuyến công quốc gia để hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, dây chuyền công nghệ cho 10 cơ sở, với tổng kinh phí 3,250 tỷ đồng; hỗ trợ 218 cơ sở CNNT với 430 gian hàng tham gia hội chợ, triển lãm trong nước; hỗ trợ thành lập 60 DN sản xuất CNNT; tổ chức thành công 02 Hội nghị công tác khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

 

Phó Giám đốc Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Bình (TTKC) Dương Văn Minh cho biết, năm 2023 hoạt động khuyến công sẽ tập trung hỗ trợ, phát triển những ngành, nghề có tiềm năng nổi trội và lợi thế cạnh tranh, ngành nghề có sản phẩm phục vụ du lịch; tăng tỷ trọng chế biến sâu trong lĩnh vực nông lâm thủy sản… Khuyến khích hỗ trợ 25 - 30 cơ sở đầu tư chuyển giao, ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến. Hỗ trợ 01 cơ sở tư vấn, đánh giá và xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn và nhân rộng mô hình. Thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ thiết kế mẫu mã bao bì, sản phẩm…

 

Để hoạt động khuyến công năm 2023 và giai đoạn tới triển khai hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng đề xuất, Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định 45/2012/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn để phù hợp với thực tế hiện nay. Bên cạnh đó, quan tâm hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện chương trình khuyến công cho các địa phương, nhất là các tỉnh khó khăn, tốc độ phát triển công nghiệp chậm.

 

Xuân Phương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang