Thứ Sáu, 29/03/2024 15:41:27 GMT+7

Tin đăng lúc 24-11-2017

Lượt xem: 13830

Khuyến công Quảng Ninh: Tích cực đồng hành cùng chương trình xây dựng nông thôn mới

Nhằm góp phần hỗ trợ các địa phương trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới theo Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, những năm gần đây và đặc biệt trong năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Quảng Ninh đã từng bước giúp nhiều xã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng hiện đại hóa công nghiệp, nông thôn.
Khuyến công Quảng Ninh:  Tích cực đồng hành cùng chương trình xây dựng nông thôn mới
Trung tâm Khuyến công Quảng Ninh tổ chức lớp dạy kỹ thuật đan lưới tại xã Đài Xuyên – huyện Vân Đồn.

Quảng Ninh là tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống, nhưng trong bối cảnh kinh tế hội nhập và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, nhiều làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một. Nhận thức được căn nguyên của vấn đề là do chất lượng các sản phẩm của làng nghề chưa cao, mẫu mã chưa đẹp và vấn sử dụng phương thức lao động thủ công là chính…, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Quảng Ninh đã thực hiện một loạt những dự án để tháo gỡ những khó khăn đó. Trước hết, với quan điểm lấy con người là trọng tâm, Trung tâm đã ưu tiên thực hiện các đề án đào tạo nghề cho người lao động, du nhập nghề mới về địa phương nhằm tạo ra một đội ngũ lao động có tay nghề, có ý thức lao động chuyên nghiệp. Hơn thế nữa, để đảm bảo cho người lao động có việc làm sau khi đào tạo, Trung tâm đã tích cực khảo sát, nắm bắt nhu cầu và liên hệ tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh. Qua đó, tỷ lệ lao động được qua đào tạo và có việc làm tăng lên, tỷ lệ lao động làm nông nghiệp giảm, tăng thu nhập cho người lao động, giảm nghèo (đảm bảo các tiêu chí 10,11,12, 14 trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới).

 

Sau khi đội ngũ lao động đã có tay nghề và tính kỷ luật, Trung tâm đã thực hiện các đề án khôi phục làng nghề như: Liên kết với các doanh nghiệp để hỗ trợ về nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm của làng nghề; Đưa sản phẩm của làng nghề tới các hội chợ, triển lãm… Đặc biệt, Trung tâm đã thực hiện tốt chức năng định hướng trong việc lựa chọn khôi phục, phát triển ngành nghề có tiềm năng và phù hợp với đời sống hiện đại. Nhờ đó, nhiều làng nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một đã được khôi phục và phát triển. Điển hình là làng nghề làm gốm sứ thủ công mỹ nghệ ở Trạo Hà (huyện Đông Triều), làng nghề đóng mới và sửa chữa tàu thuyền Hà An, làng nghề đan lưới và sản xuất ngư cụ phục vụ đánh bắt hải sản tại các xã Hoàng Tân, Nam Hòa (huyện Yên Hưng)…

 

Bên cạnh việc đào tạo nghề và khôi phục làng nghề trên địa bàn tỉnh, Trung tâm đã sử dụng một phần nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khu vực nông thôn tại các huyện miền núi, hải đảo xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới, máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất. Qua đó, đã không chỉ tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển mà còn từng bước hiện đại hóa ngành công nghiệp nông thôn tỉnh nhà. Cụ thể, trong năm 2017, Trung tâm đã thực hiện được 08 đề án tại các huyện miền núi, hải đảo với tổng kinh phí hỗ trợ 720 triệu đồng. Trong đó, nổi bật tại huyện đảo Cô Tô có đề án “Đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất đá lạnh công nghiệp phục vụ đánh bắt hải sản” do Hộ kinh doanh Bùi Văn Chiến (xã Đồng Tiến) thực hiện. Đề án có tổng kinh phí đầu tư 775 triệu đồng, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 100 triệu đồng cho hạng mục đầu tư cụm máy nén giàn ngưng; Tại huyện Bình Liêu có đề án “Đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ sấy nông sản/ dược liệu” do HTX Phát triển xanh thực hiện.

 

Đánh giá về tính hiệu quả của hoạt động khuyến công đối với quá trình xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Mạnh Hà – Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh nhận định: Công tác khuyến công của tỉnh trong những năm qua đã tạo được những kết quả rất tích cực. Theo đó, quy mô các doanh nghiệp, hộ sản xuất công nghiệp ở nhiều làng nghề, khu vực nông thôn ngày càng được cải thiện; Số lượng lao động đã qua đào tạo tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm… Điều đó đã góp phần tạo nên một diện mạo tươi sáng cho khu vực nông thôn tỉnh nhà.

 

Để hoạt động khuyến công tỉnh Quảng Ninh ngày càng đóng góp nhiều hơn nữa cho các địa phương trong việc hoàn thành các chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới, từ nay đến năm 2020, Sở Công Thương, Trung Tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Quảng Ninh sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ vào lĩnh vực như: Truyền nghề, đào tạo nghề cho lao động địa phương tại các làng nghề; Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; Quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề. Đặc biệt, Khuyến công Quảng Ninh sẽ lựa chọn các cơ sở công nghiệp nông thôn tiềm năng làm nòng cốt để phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, đổi mới công nghệ thiết bị, xử lý ô nhiễm môi trường; Tạo việc làm cho khoảng 1.500 – 2.000 lao động nông thôn.

 

Có thể khẳng định, nguồn kinh phí khuyến công đã thực sự mang lại nhiều lợi ích thiết thực và là nguồn cổ vũ, khích lệ, động viên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, đóng góp tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo của tỉnh. Tin tưởng rằng, với sự quan tâm, hỗ trợ của Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), UBND tỉnh Quảng Ninh, các sở, ban, ngành thì những đề án khuyến công trong năm 2018 và các năm tiếp theo sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

 

Minh Tuấn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang