Thứ Sáu, 29/03/2024 18:25:57 GMT+7

Tin đăng lúc 04-09-2017

Lượt xem: 9399

Khuyến công Thái Nguyên: Hiệu quả từ việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong chế biến và bảo quản chè

Ai đó đã từng thưởng thức các đặc sản chè vùng đất Thái Nguyên chắc hẳn sẽ không thể nào quên được hương vị đậm đà của chè Tân Cương, La Bằng, Núi Chúa… Thế nhưng, nhiều năm qua, các sản phẩm chè Thái Nguyên vẫn chỉ loanh quanh tiêu thụ ở thị trường nội địa, cho dù hương vị không thua kém gì chè Long Tỉnh của Hàng Châu (Trung Quốc).
Khuyến công Thái Nguyên: Hiệu quả từ việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong chế biến và bảo quản chè
Hương vị của sản phẩm chè sẽ thơm ngon hơn khi được đóng gói bằng công nghệ hiện đại.

Nguyên nhân là bởi từ trước tới nay, việc trồng, chế biến và bảo quản chè của người dân đa phần vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, làm theo phương pháp thủ công, chưa ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, nên sản phẩm chè làm ra có chất lượng không được như mong muốn.

          

Để có được sản phẩm chè đến tay người tiêu dùng là cả một quá trình lao động vất vả của người trồng. Mặc dù, từ khâu chăm bón đến hái, sấy rất công phu nhưng nếu không biết cách bảo quản để giữ hương vị thì sản phẩm hoàn thiện cuối cùng sẽ không đạt được chất lượng như mong muốn, giá trị của chè sẽ giảm đi rất nhiều. Trước thực tế đó, để nâng cao chất lượng sản phẩm chè làm ra, đáp ứng yêu cầu về chất lượng của thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu ra nước ngoài, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chè tại Thái Nguyên đã tích cực đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất. Trong đó, điển hình là Hộ kinh doanh Dương Thị Thúy (xã Phúc Trìu, Tp.Thái Nguyên) khi đã quyết định mua mới một máy đóng gói hút chân không và một máy xào Gas với công nghệ hiện đại của Đài Loan.

 

 

 Công đoạn sao chè bằng hệ thống máy xào gas nhập khẩu từ Đài Loan.

 

Nhận thấy việc đầu tư, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất chè của Hộ kinh doanh Dương Thị Thúy là việc làm hết sức cần thiết, vì vậy, sau khi nghiên cứu kĩ lưỡng, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên đã quyết định phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố Thái Nguyên thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế chiến, bảo quản chè” cho bà Dương Thị Thúy (chủ hộ kinh doanh). Qua đó, khuyến khích đơn vị phát triển, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Đồng thời, góp phần giữ gìn và quảng bá thương hiệu “chè Thái Nguyên” bay xa.

 

Tổng nguồn vốn đầu tư, mua sắm trang thiết bị của dự án là gần 430 triệu đồng. Trong đó, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên hỗ trợ 100 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công năm 2017. Sau một thời gian ứng dụng hệ thống máy móc mới, kết quả cho thấy, máy đóng gói hút chân không và máy xào chè bằng Gas có nhiều ưu điểm nổi trội. Cụ thể là, máy đóng gói được các sản phẩm chè có khối lượng lớn từ 5 – 15kg và có thể đóng nhiều loại túi có trọng lượng, kích cỡ khác nhau, tùy theo yêu cầu của khách hàng. Chè sản xuất ra có thời gian bảo quản dài lên tới hai năm. Đối với máy xào Gas có thể điều chỉnh nhiệt độ nhanh, kịp thời và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, sản phẩm đưa ra thị trường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm do hạn chế được khói, bụi và gỉ sét gây ra; thời gian sử dụng máy lên tới 10 năm; giá trị sản phẩm tăng từ 25 – 30% so với phương pháp cũ và theo tính toán sẽ đem lại lợi nhuận cho hộ kinh doanh đạt 239,180 triệu đồng/năm.

 

Đánh giá về tính hiệu quả của đề án, ông Nguyễn Đình Hùng – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên chia sẻ: “Thông qua sự hỗ trợ của hoạt động khuyến công, đến nay, Hộ kinh doanh Dương Thị Thúy đã hoàn thiện hệ thống máy móc sản xuất chè. Việc ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất đã giúp tiết kiệm điện năng trong quá trình sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, làm tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm làm ra. Qua đó, tạo điều kiện giảm giá thành và từng bước mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, việc trang bị máy móc mới, đơn vị đã giải quyết việc làm cho 07 lao động địa phương với mức lương bình quân trên 3,9 triệu đồng/người/tháng. Sau khi đi vào hoạt động, nhiều cơ sở chế biến chè trong và ngoài thành phố Thái Nguyên đã đến học tập và áp dụng công nghệ này vào sản xuất. Do vậy, đề án được đánh giá là có tính bền vững cao”.

 

Có thể khẳng định, từ sự chung tay, góp sức của các cấp, ngành và người dân địa phương, cùng sự nhiệt huyết của cán bộ làm công tác khuyến công, hoạt động khuyến công Thái Nguyên đã ngày càng phát huy tác dụng là động lực thúc đẩy các cơ sở công nghiệp nông thôn ổn định sản xuất, phát triển. Qua đó, góp phần khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu chè phong phú tại địa phương để từng bước nâng cao vị thế, phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên vươn xa ra thị trường quốc tế.

 

Lê Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang