Thứ Sáu, 29/03/2024 15:16:05 GMT+7

Tin đăng lúc 17-07-2017

Lượt xem: 4845

Khuyến công Vĩnh Phúc: Xây dựng thương hiệu – nền tảng phát triển làng nghề

Vai trò của thương hiệu rất quan trọng đối với sự phát triển cũng như định vị vị trí của sản phẩm làng nghề. Tại Vĩnh Phúc, việc quan tâm xây dựng thương hiệu chính là nền tảng hướng tới việc giữ gìn và phát triển các sản phẩm làng nghề, trong đó chính sách khuyến công đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đăng ký thương hiệu, góp phần tạo điều kiện để các sản phẩm công nghiệp nông thôn có thế mạnh tại địa phương đứng vững trên thị trường.
Khuyến công Vĩnh Phúc:  Xây dựng thương hiệu – nền tảng phát triển làng nghề
Sản phẩm tương Khả Do đã được xây dựng thương hiệu, logo sản phẩm để khẳng định thương hiệu trên thị trường

Vĩnh Phúc hiện có 24 làng nghề được tỉnh công nhận, trong đó có 19 làng nghề truyền thống với các sản phẩm đặc trưng như: Mây tre đan Cao Phong; rắn Vĩnh Sơn; đá Hải Lựu; mộc An Tường, Thanh Lãng; Rèn Lý Nhân… Tại các làng nghề ở Vĩnh Phúc, hầu hết các sản phẩm đã được xây dựng thương hiệu từ trước năm 2008, trong đó các sản phẩm mây tre đan đã được xuất khẩu ra nước ngoài. Còn đối với các làng có nghề, cùng với việc khôi phục và phát triển các nghề truyền thống, từ năm 2016, việc xây dựng thương hiệu đang dần được quan tâm thực hiện.

 

Chương trình khuyến công giai đoạn 2016 - 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt, theo đó, mỗi đơn vị sẽ được hỗ trợ 11 triệu đồng/thương hiệu, nhằm khuyến khích việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm công nghiệp nông thôn nói chung và sản phẩm tập thể nói riêng. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc (TTKC), thời gian qua, nhiều sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu cho mình. Cụ thể, năm 2016, sản phẩm tương Khả Do (xã Nam Viêm, TX Phúc Yên) đã chính thức được xây dựng thương hiệu. Từ tháng 1/2017, mọi thủ tục hồ sơ cho xây dựng thương hiệu tương Khả Do đã hoàn thành. Ngay sau khi có quyết định công nhận thương hiệu sản phẩm, xã tiến hành đăng ký kinh doanh, mã vạch, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời lên kế hoạch quảng bá sản phẩm tiếp cận với hệ thống các nhà hàng, siêu thị. Việc xây dựng thương hiệu đã góp phần giải quyết hiệu quả việc tiêu thụ sản phẩm và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Trong năm 2017, TTKC sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đăng ký thương hiệu cho sản phẩm Đậu Rùa tại xã Tuân Chính (Vĩnh Tường).

 

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Việt Anh - Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Thông tin (TTKC) cho biết, việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu xuất phát từ nhu cầu của địa phương. Trước năm 2008, hầu hết các làng nghề đều đã được xây dựng thương hiệu sản phẩm. Còn tại các làng có nghề, chính quyền địa phương cũng như người dân chưa thực sự nhận ra ý nghĩa của việc xây dựng thương hiệu, nên chưa có sự quan tâm đúng mức.

 

Vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu làng nghề là nhiệm vụ được đặt ra nhằm bảo tồn và phát huy giá trị vốn có của làng nghề cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Chính vì thế, trong thời gian tới, TTKC sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền ý nghĩa của việc xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua các cơ quan truyền thông, qua các lớp tập huấn, nghiệp vụ khuyến công dành cho lãnh đạo xã, thị trấn, cán bộ khuyến công huyện được tổ chức hàng năm, đồng thời trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo các xã, thị trấn, quan tâm xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề. Bên cạnh đó, các làng nghề, chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cũng cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tham gia triển lãm, hội chợ để quảng bá sản phẩm. Có như vậy mới nâng cao được tính cạnh tranh - chìa khóa tăng trưởng của sản phẩm làng nghề trong bối cảnh hội nhập kinh tế.

 

Hoa Nguyễn

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang