Thứ Sáu, 29/03/2024 17:39:29 GMT+7

Tin đăng lúc 06-10-2018

Lượt xem: 1134

Kiểm nghiệm thực phẩm: Kết quả không đồng nhất, người dùng mất niềm tin

Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo, việc cùng mang một sản phẩm đi kiểm nghiệm nhưng kết quả đánh giá chất lượng an toàn khác nhau gây khó khăn cho cơ quan quản lý và mất niềm tin của người tiêu dùng.
Kiểm nghiệm thực phẩm: Kết quả không đồng nhất, người dùng mất niềm tin
Hoạt động kiểm nghiệm thực phẩm của Việt Nam thời gian qua tuy có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt là ở kết quả kiểm nghiệm.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, hoạt động kiểm nghiệm thực phẩm đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc quản lý chất lượng về an toàn thực phẩm. Do đó, thời gian qua, hệ thống kiểm nghiệm của Việt Nam đã được chú trọng đầu tư từ tuyến Trung ương đến địa phương.

 

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, hiện đã có 55/63 cơ quan kiểm nghiệm của cả nước được công nhận đơn vị đạt tiêu chuẩn ISO 17025 về thực hiện, thực hành phòng kiểm nghiệm tốt. Bên cạnh đó, cũng chỉ định được các cơ sở của nhà nước và tư nhân đáp ứng được phòng kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

 

Ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng, theo Nghị định của Chính phủ quy định về hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm, hơn 90% doanh nghiệp tự công bố sản phẩm của mình. Tuy nhiên, dù tự công bố nhưng các doanh nghiệp cũng phải đảm bảo hàm lượng, chỉ tiêu, giới hạn an toàn, dưới hoặc tối đa bằng mức quy định của Bộ Y tế đưa ra.

 

“Để tự công bố, doanh nghiệp vẫn phải kèm một phiếu kiểm nghiệm kết quả sản phẩm. Từ kết quả tự công bố, các cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm sẽ tiến hành hậu kiểm, tức là lấy mẫu sản phẩm lưu thông trên thị trường để phân tích, kiểm tra bản công bố đó có đảm bảo đúng quy định, an toàn cho người sử dụng hay không.

 

Việc hậu kiểm này phụ thuộc yếu tố số 1 là kết quả của các phương pháp kiểm nghiệm. Nếu kết quả kiểm nghiệm chính xác sẽ giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra quyết định xử lý vi phạm chính xác và ngược lại. Chính vì vậy, kết quả kiểm nghiệm hết sức quan trọng”- ông Nguyễn Thanh Phong khẳng định.

 

Liên quan tới vấn đề trên, PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm Quốc gia cho rằng, kiểm nghiệm thực phẩm là công cụ duy nhất, là bằng chứng khoa học trong việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Kiểm nghiệm phải áp dụng trong kiểm nghiệm nguyên liệu, kiểm nghiệm bán thành phẩm và kiểm nghiệm thành phẩm.

 

Tuy nhiên, trong lĩnh vực thực phẩm, các phòng thí nghiệm được áp dụng phương pháp kiểm nghiệm khác nhau dẫn tới cùng một sản phẩm nhưng kết quả đánh giá chất lượng an toàn khác nhau. Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý và mất niềm tin của người tiêu dùng.

 

“Cần phải thống nhất phương pháp kiểm nghiệm đối với tất cả các phòng thí nghiệm với nhau để với mỗi sản phẩm, nhà quản lý ở các vị trí khác nhau đều nhìn thấy chất lượng an toàn giống nhau ở kết quả kiểm nghiệm” – bà Lê Thị Hồng Hảo nêu đề xuất.

 

Thống kê trong năm 2017 của Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm Quốc gia cho thấy, cơ quan này đã thực hiện kiểm nghiệm hơn 40 nghìn mẫu các loại và thường số mẫu kiểm nghiệm năm sau sẽ cao gấp đôi năm trước, dự kiến năm 2018 sẽ thực hiện khoảng 80 nghìn mẫu kiểm nghiệm.

Đặc biệt hiện nay, do hệ thống kiểm nghiệm của Việt Nam được đầu tư hiện đại, với các thiết bị tại Viện ngang tầm quốc tế nên cho phép phát hiện cả các chất chưa biết, hoặc định danh chính xác nguyên nhân các vụ ngộ độc, thiết bị để định danh chính xác vi sinh vật ô nhiễm trong thực phẩm, qua đó giúp ngăn ngừa tốt hơn các nguy cơ gây ra ngộ độc, mà trước đây muốn biết chính xác buộc phải gửi mẫu ra nước ngoài.

 

Nguồn VietQ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang