Thứ Năm, 18/04/2024 14:18:09 GMT+7

Tin đăng lúc 22-05-2019

Lượt xem: 1008

Kiểm tra, xử lý gắn với tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong chống thuốc lá lậu

Nhận định tình hình sản xuất, kinh doanh, buôn bàn thuốc lá điếu trên thị trường, đặc biệt là khu vực cửa khẩu, biên giới vẫn diễn biến phức tạp, ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) – cho biết, để ngăn chặn, xử lý hiệu quả cần tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng, thực hiện đồng thời công tác kiểm tra, kiểm soát và tuyên truyền phổ biến pháp luật.
Kiểm tra, xử lý gắn với tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong chống thuốc lá lậu
Tăng cường kiểm tra, xử lý găn với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Kiên quyết trong kiểm tra, xử lý

 

Thông tin về một số vụ nổi cộm, như: Ngày 4/1/2019, trên Quốc lộ 61, đoạn thuộc xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, Cục QLTT tỉnh Hậu Giang phát hiện, bắt giữ xe ô tô vận chuyển 14.400 bao thuốc lá nhãn hiệu Hero, Jet và Scott không có hoá đơn chứng từ; ngày 27/2/2019, Đội QLTT số 9 - Cục QLTT TP.Cần Thơ phối hợp với các cơ quan hữu quan bắt giữ xê ô tô BKS 51F - 535.90 vận chuyển 8.400 bao thuốc lá lậu; Ngày 24/4/2019, trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua địa phận huyện Quảng Ninh, lực lượng QLTT Quảng Bình phối hợp với các lực lượng khác phát hiện xe ô tô vận chuyển 18.600 bao thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất không có giấy tờ hợp pháp... Và qua 03 năm (2014-2017) thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, riêng lực lượng QLTT đã kiểm tra trên 38.911 lượt, xử lý 21.650 vụ vi phạm, tịch thu hơn 5,6 triệu bao thuốc lá các loại và tính trong hai năm 2017, 2018, lực lượng QLTT đã bắt giữ gần 3 triệu bao thuốc lá ngoại nhập lậu …, ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT – nhận định: tình hình sản xuất, kinh doanh, buôn bàn thuôc lá trên thị trường, đặc biệt là khu vực cửa khẩu, biên giới vẫn đang diễn biến phức tạp.

 

Theo ông Linh, qua công tác kiểm tra, cơ quan chức năng đã lập danh sách 17 địa bàn trọng điểm về buôn lậu thuốc là điếu gồm: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang và Đồng Tháp.

 

Từ cơ sở đánh giá tình hình và khoanh vùng các địa bàn trọng điểm, từ tháng 3/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-BCT về việc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, trong đó xác định thuốc lá là mặt hàng trọng điểm của công tác kiểm tra, kiểm soát, là nhiệm vụ trọng tâm, phải thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả.

 

Lực lượng QLTT các cấp cũng đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát cũng như mở các đợt cao điểm kiểm tra đối với mặt hàng thuốc lá. Cụ thể, trong thị trường nội địa (trừ địa bàn quản lý của lực lượng Hải quan, Bộ đội biên phòng,…) QLTT đã chủ động độc lập hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm khi có yêu cầu, chỉ đạo của các cơ quan chức năng liên quan.

 

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật

 

Theo ông Linh, để nâng cao hiệu quả công tác, lực lượng QLTT đã phối hợp rất hiệu quả với các lực lượng chức năng khác tăng cường công tác trao đổi thông tin về tình hình, quy luật, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, các đường dây, ổ nhóm, các tuyến, địa bàn trọng điểm buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại nhập lậu để xây dựng phương án, kế hoạch phối hợp kiểm tra nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trong việc ngăn chặn hoạt động buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại nhập lậu.

 

Bên cạnh đó, QLTT cũng tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật, triển khai ký cam kết không kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu đến các đối tượng khác và tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân đã ký cam kết không buôn bán thuốc lá điếu ngoại nhập lậu nhưng vẫn vi phạm. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền, cảnh báo cho người dân các nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng từ thuốc lá điếu không rõ nguồn gốc, thuốc lá điếu ngoại nhập lậu.

 

“Từ khi thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg, lực lượng QLTT cả nước đã triển khai trên 3.000 đợt tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho trên 50.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh thông qua hoạt động kiểm tra kiểm soát; tổ chức ký cam kết đến 65.696 cơ sở kinh doanh mặt hàng thuốc lá” – ông Trần Hữu Linh thông báo và cho biết thêm, lực lượng QLTT cũng đã phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Hiệp hội thuốc lá Việt Nam dán 555.000 áp phích tuyên truyền chống buôn lậu thuốc lá tại các địa điểm kinh doanh, các địa điểm công cộng và những nơi tập trung đông người tại 17 địa bàn trọng điểm về buôn lậu thuốc là điếu… Nhờ đó, không chỉ giúp các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá điếu nắm bắt các quy định của pháp luật mà người tiêu dùng cũng hiểu rõ hơn về tác hại của thuốc lá lậu, thuốc lá giả, kém chất lượng.

 

Về giải pháp trong thời gian tới, ông Linh cho rằng, các cơ quan chức năng và các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý. Đồng thời phải phân công cụ thể, gắn trách nhiệm của người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách; chủ động nắm tình hình, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện bắt giữ, xử lý các trường hợp vi phạm.

 

“Đặc biệt, các cơ quan tiến hành tố tụng cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, sản xuất, buôn bán hàng giả, trong đó có mặt hàng thuốc lá điếu cũng như các vụ án trọng điểm, để răn đe, phòng ngừa chung” – Ông Linh nêu giải pháp và cho biết thêm, qua công tác đấu tranh sẽ phát hiện sở hở, thiếu sót trong công tác quản lý và cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực này để đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời, tránh để các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội.

 

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao năng lực cho các cơ quan chức năng thông qua việc thực hiện các dự án hiện đại hóa, đầu tư trang thiết bị cho các lực lượng chức năng; tăng cường đào tạo, tập huấn các kỹ năng, kỹ thuật chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sử dụng công nghệ cao,... cũng là giải pháp cần khẩn trương thực hiện để nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác phòng, chống hàng lậu, hàng giả, nhất là với mặt hàng thuốc lá điều.

 

Theo congthuong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang