Thứ Sáu, 19/04/2024 09:56:43 GMT+7

Tin đăng lúc 30-07-2016

Lượt xem: 2994

Kiên quyết không cho phép các dự án không bảo đảm môi trường hoạt động

Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày và phát biểu của Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà ngày 29-7 trước Quốc hội đều cho thấy, sau vụ Formosa xả thải gây nên sự cố môi trường biển miền Trung, Chính phủ và bộ chủ quản rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc cấp phép đầu tư và đánh giá báo cáo tác động môi trường, kiên quyết không cho phép các dự án không bảo đảm môi trường hoạt động.
Kiên quyết không cho phép các dự án không bảo đảm môi trường hoạt động
Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu chiều 29-7 tại Quốc hội

Kịp thời bồi thường thiệt hại cho người dân miền trung

 

Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày thừa nhận việc hạn chế trong quản lý tài nguyên và môi trường, xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng do Dự án Formosa Hà Tĩnh gây ra. Hậu quả khiến đời sống một người dân nơi xảy ra sự cố môi trường gặp nhiều khó khăn.

 

Về sự cố môi trường biển tại bốn tỉnh miền trung, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt xác định nguyên nhân, đối tượng và có biện pháp khắc phục thiệt hại, hỗ trợ ổn định sản xuất và đời sống, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, xử lý nghiêm các vi phạm.

 

Giải pháp Chính phủ đưa ra là hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm cho người dân ở vùng bị sự cố môi trường bị ảnh hưởng. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp, nhất là chính quyền địa phương trong thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường. Kiên quyết không cho phép các dự án không bảo đảm tiêu chuẩn môi trường được hoạt động. Kịp thời bồi thường thiệt hại cho người dân và khắc phục hậu quả sự cố môi trường tại ven biển bốn tỉnh miền trung.

 

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày cũng đề xuất, Chính phủ cần có giải pháp phục hồi môi trường bị ô nhiễm, hỗ trợ kịp thời và giám sát để doanh nghiệp, người dân khôi phục đánh bắt, nuôi trồng, tiêu thụ thủy sản, hải sản, chuyển đổi nghề nghiệp ở các tỉnh miền trung và hỗ trợ người dân vùng bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn và sự cố hải sản chết bất thường. Rà soát, kiểm tra các nguồn thải vào các lưu vực sông, quản lý, kiểm soát chặt chẽ môi trường sông, biển; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, các quy chuẩn về môi trường cho phù hợp với tình hình thực tế.

 

Formosa đã chuyển một nửa số tiền bồi thường

 

Chiều 29-7, báo cáo trước Quốc hội về sự cố môi trường biển miền trung, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, tính đến ngày 28-7, phía Formosa đã chuyển số tiền bồi thường ban đầu 250 triệu USD, tức một nửa số tiền doanh nghiệp này cam kết bồi thường sau khi thừa nhận gây ra sự cố cá chết hàng loạt dọc biển miền trung. Các công việc bồi thường hỗ trợ người dân đã được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành triển khai quyết liệt.

 

Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã xử lý 53 sai phạm hành chính của Formosa, cùng đó, triển khai kế hoạch toàn diện để khắc phục vi phạm của doanh nghiệp này từ chuyển đổi công nghệ, hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải, nước thải, khí thải, đồng thời triển khai hồ chứa nước thải của và có hệ thống quan trắc trực tuyến... Việc đánh giá mức độ ô nhiễm sinh thái môi trường biển cũng đang được cơ quan chức năng tiến hành bài bản, hệ thống và khoa học và bước đầu đã có nguyên nhân.

 

Dự kiến, ngày 15-8, những kết quả ban đầu về đánh giá mức độ ô nhiễm sẽ được Hội đồng các nhà khoa học xem xét thông qua, trên cơ sở đó để bàn giải pháp cụ thể khắc phục ô nhiễm, phục hồi hệ sinh thái môi trường.

 

Ông Trần Hồng Hà cũng cho biết, Bộ Tài nguyên - Môi trường đang xây dựng dự án giám sát, quan trắc chất lượng môi trường biển trên toàn bộ các tỉnh miền trung, mở rộng ra Thanh Hóa và vào Đà Nẵng.

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, sau sự cố Formosa, cơ quan quản lý đã rút được nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý về tài nguyên môi trường, tiêu chuẩn, đánh giá báo cáo tác động môi trường (ĐTM), thanh tra, kiểm tra... đối với các dự án đầu tư có mức độ ảnh hưởng tới môi trường.

 

Về phía Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết đã sớm đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ trước mắt cho người dân bốn tỉnh miền trung và bổ sung sau đó. Hiện Thủ tướng giao Bộ này thực hiện hai đề án về hỗ trợ thiệt hại và phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản.

 

Sớm trả lại ngư trường cho dân bãi ngang miền trung

 

Người dân sống ở ven biển miền trung đang chịu ảnh hưởng nặng nề sau sự cố môi trường biển do Formosa gây ra. Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 29-7, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất nhiều giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường tại bốn tỉnh miền trung, sớm trả lại ngư trường cho dân bãi ngang vùng biển này.

 

Đại biểu Trần Công Thuật (Quảng Bình) hoan nghênh Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, thủ phạm gây ra sự cố môi trường biển vừa rồi. Đồng thời đề nghị sớm thực hiện các quy định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ cho nhân dân trong vùng trực tiếp bị thiệt hại và khu vực liên quan. Hiện nay một số chính sách này chưa đến được với địa phương và người dân. Cần nhanh chóng giải quyết những khó khăn của người dân về việc làm, về thu nhập, ổn định đời sống lâu dài một cách căn cơ để nhân dân yên tâm.

 

Đồng thời, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân đã để xảy ra sự cố môi trường biển nghiêm trọng vừa qua, coi đây là bài học lớn và sâu sắc trong thu hút đầu tư, ứng phó với thảm họa môi trường và thiên tai trong phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững của đất nước.

 

“ Nhân dân và cử tri Quảng Bình mong muốn các cơ quan chức năng cần khẩn trương sớm làm rõ và trả lời khi nào đánh cá vùng lộng (tức là vùng gần bờ) được, khi nào bà con yên tâm ăn cá và hải sản được, khi nào môi trường biển an toàn được?”, đại biểu Trần Công Thuật nói.

 

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Quảng Bình, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho biết đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn bốn tỉnh miền trung bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các sản phẩm đánh bắt hải sản ven bờ và xa bờ đều khó tiêu thụ. Do đó, các tàu cá ở vùng biển bãi ngang, tàu khai thác gần bờ trong thời gian gần như nằm im hoàn toàn. Các hộ thu mua và kinh doanh hàng thủy, hải sản cũng như các dịch vụ hậu cần nghề cá không hoạt động được. Người dân không ra khơi bám biển, phải đi tìm việc làm khác để mưu sinh. Không chỉ ngư dân mà hoạt động dịch vụ du lịch của các khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành, các điểm kinh doanh ven biển cũng hoàn toàn bị ngưng trệ, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Lượng khách du lịch đến Quảng Trị giảm bằng 1/10 so với cùng kỳ năm 2015.

 

Đại biểu này đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương mở rộng đối tượng thống kê thiệt hại trên tất cả các lĩnh vực để hỗ trợ một cách thỏa đáng và công bằng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương tổ chức giám sát chặt chẽ các hoạt động của công ty Formosa để bảo đảm việc sản xuất của công ty này không gây hậu quả về môi trường tương tự trong tương lai. Đồng thời, có biện pháp khôi phục lại hệ sinh thái ven bờ để sớm công bố, trả lại môi trường biển và ngư trường cho ngư dân đánh bắt, mưu sinh cũng nguồn hải sản đánh bắt tại khu vực này và việc tắm biển tại đây là an toàn với sức khỏe con người.

 

Theo đại biểu Phan Ngọc Thọ (Thừa Thiên - Huế), trong mục tiêu, nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp, cần đưa bốn tỉnh miền trung là khu vực ưu tiên cần tập trung nguồn lực, nhân lực để tạo sự chuyển biến trong sản xuất và đời sống cho trước mắt cũng như lâu dài. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan giám sát và tích cực xử lý các cam kết của Fomosa trong việc thực hiện nghiêm túc pháp lệnh môi trường của Việt Nam, xem đây là một điển hình trong công tác kiểm tra, giám sát quá trình xây dựng và hoạt động của các cơ sở kinh doanh, sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao trên phạm vi toàn quốc.

 

Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang