Thứ Năm, 25/04/2024 11:24:12 GMT+7

Tin đăng lúc 24-10-2017

Lượt xem: 6531

Kim ngạch xuất khẩu gỗ 2017: Vươn mốc 8 tỷ USD!

Đây là thông tin được Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) đưa ra tại Hội thảo “Xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam năm 2017” diễn ra mới đây tại Hà Nội.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ 2017: Vươn mốc 8 tỷ USD!
Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ tăng trưởng ổn định

Vượt mục tiêu

 

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Vifores - cho biết: 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu (XK) gỗ và các sản phẩm gỗ đạt khoảng 5,9 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng bình quân 11%/tháng. Thời vụ XK chính của ngành gỗ là 3 tháng cuối năm. Như vậy, con số 8 tỷ USD chắc chắn sẽ đạt được.

 

Giải thích nguyên nhân của tốc độ tăng trưởng trên, ông Quyền cho rằng, năm 2017, tốc độ tăng trưởng XK ván nhân tạo, ván dăm, MDF và gỗ viên nén tăng rất mạnh, trong khi những năm trước, tỷ lệ XK mặt hàng này ở mức thấp. Bên cạnh đó, ngành gỗ Việt Nam còn khai thác thêm nhiều thị trường mới và đây sẽ là tiền đề để kim ngạch XK gỗ tăng trưởng trong những năm tới.

 

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Tô Xuân Phúc - Chuyên gia phân tích Tổ chức Forest Trends - cho hay, nếu duy trì đà tăng trưởng như hiện nay, kim ngạch XK năm 2017 sẽ vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Mức tăng trưởng thể hiện mạnh mẽ tại những thị trường nhập khẩu (NK) truyền thống của Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

 

Cũng theo ông Phúc, từ năm 2015 đến nay, kim ngạch XK đồ gỗ tăng trưởng ổn định, ngược với xu hướng của các mặt hàng nhóm gỗ nguyên liệu. Điều này có nguyên nhân khác biệt rất lớn về thị trường tiêu thụ đối với 2 nhóm mặt hàng này. Cụ thể, nhóm mặt hàng gỗ nguyên liệu thường có nguồn cung không ổn định, bao gồm cả một số loài gỗ quý, được XK chủ yếu vào Trung Quốc. Nhóm các mặt hàng đồ gỗ có nguồn cung và cầu ổn định, được XK chủ yếu vào các thị trường có độ ổn định cao như Hoa Kỳ, EU hay Úc.

 

Còn nhiều rủi ro

 

Theo ông Tô Xuân Phúc, Nhật Bản là 1 trong 3 thị trường lớn nhất của Việt Nam. So với các mặt hàng XK vào EU và Hoa Kỳ, các mặt hàng XK đi Nhật Bản, đặc biệt là nhóm gỗ nguyên liệu tiềm ẩn một số rủi ro về pháp lý. Khi Đạo luật Gỗ sạch của Nhật Bản đi vào hoạt động (khoảng tháng 3/2018), với yêu cầu trách nhiệm giải trình được áp dụng với tất cả các DN NK của Nhật Bản, các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam XK vào thị trường này có thể sẽ gặp khó khăn hơn.

 

Còn tại Hàn Quốc, nếu theo đúng lộ trình của Chính phủ nước này, cuối năm 2017, các nhà NK Hàn Quốc bắt đầu phải thực hiện trách nhiệm giải trình. Thực hiện các quy định này sẽ tác động trực tiếp đến tình hình XK của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc.

 

Ông Tô Xuân Phúc cho hay, việc tăng cường cơ hội, giảm thiểu rủi ro là chiến lược phát triển lâu dài cho mỗi DN và cả ngành gỗ của Việt Nam trong tương lai. Loại bỏ nguồn gỗ nguyên liệu rủi ro cao có nguồn gốc NK, thay thế bởi các nguồn gỗ nguyên liệu “sạch” là nhu cầu cấp bách. 

 

Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch XK gỗ cả năm 2017 có khả năng đạt 8 tỷ USD, tăng hơn 17% so với năm 2016.

Nguồn Báo Công Thương

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang