Thứ Sáu, 29/03/2024 00:54:05 GMT+7

Tin đăng lúc 10-04-2018

Lượt xem: 4239

Kim ngạch xuất khẩu năm 2018: Dự báo khả quan

Sau khi đạt 54,3 tỷ USD trong quý I, tăng 22% so với cùng kỳ, Bộ Công Thương dự báo, kim ngạch xuất khẩu (XK) năm 2018 có thể đạt 235,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2018: Dự báo khả quan
Điện thoại là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn

Cơ hội từ các mặt hàng chủ lực

 

Theo quy luật hàng năm, kim ngạch XK thường chững lại trong quý I do ảnh hưởng của Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, năm nay, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành; tổng kim ngạch XK quý I/2018 vẫn đạt con số rất khả quan, tạo đà cho việc thực hiện mục tiêu cả năm.

 

Bộ Công Thương dự báo, với kết quả cao của quý I, XK nhiều khả năng sẽ tiếp tục là điểm sáng nhất trên bức tranh kinh tế cả nước từ nay đến cuối năm. Nguyên nhân bởi, quý II, XK các mặt hàng công nghiệp được dự báo tăng tích cực do nhập khẩu (NK) nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước tăng mạnh trong quý I (46,76 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ). Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng khá (11,6% so với cùng kỳ năm trước), tạo nguồn hàng ổn định và dồi dào cho hoạt động XK. Tiếp đến, quý III, các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch XK lớn như: Dệt may, giày dép, đồ gỗ đều bước vào mùa vụ XK và tăng trưởng mạnh mẽ; các mặt hàng nông sản, thủy sản cũng được đẩy mạnh XK. Riêng quý IV, XK các mặt hàng nông sản, thủy sản, công nghiệp tiêu dùng tiếp tục tăng do nhu cầu lớn đến từ các sản phẩm phục vụ mùa đông có giá trị cao và phục vụ các dịp lễ, tết. 

 

Ví dụ, điện thoại hiện là mặt hàng có kim ngạch XK lớn nhất quý I với kim ngạch ước đạt 12,33 tỷ USD, tăng trưởng mạnh 58,8% so với cùng kỳ. Dự kiến, điện thoại vẫn là mặt hàng có kim ngạch XK lớn nhất cả nước từ nay đến cuối năm với kim ngạch tương đương khoảng 20% tổng kim ngạch XK. 

 

Hay như da giày - một trong những mặt hàng XK chủ lực của nước ta - dự kiến sẽ được hưởng lợi lớn về thuế quan nếu Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết vào năm 2018. Khi đó, so với một số đối thủ cạnh tranh lớn trong khu vực, sản phẩm giày, dép của Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi về thuế khi XK vào EU, tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn. 

 

Hóa giải thách thức

 

Mặc dù thuận lợi, song hoạt động XK vẫn tiềm ẩn không ít khó khăn. Đơn cử, XK thủy sản đang chịu ảnh hưởng bởi hải sản bị áp thẻ vàng IUU tại EU; tôm, cá tra chịu thuế chống bán phá giá và chương trình thanh tra cá da trơn của Hoa Kỳ, lệnh cấm NK của Ả rập Xê út. Chưa kể, truyền thông tiêu cực bôi nhọ cá tra đang xuất hiện liên tiếp tại các thị trường EU, Trung Quốc, Pakistan, Canada... Các mặt hàng khác cũng chịu không ít khó khăn do rào cản phi thương mại được nhiều quốc gia NK dựng lên để bảo hộ hàng sản xuất trong nước.

 

Do đó, Bộ Công Thương đang tích cực cải cách hành chính theo hướng giảm bớt thủ tục gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN) XK. Bên cạnh đó, lựa chọn mặt hàng có thế mạnh để xúc tiến XK vào các thị trường theo từng giai đoạn cụ thể nhằm đa dạng hóa thị trường XK, tìm kiếm khả năng mở rộng thị trường mới tiềm năng, đồng thời củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, đào tạo về lĩnh vực hội nhập khu vực nói chung và Quy tắc xuất xứ trong các FTA nói riêng, giúp DN nắm bắt kịp thời những quy định mới, tận dụng hiệu quả cơ hội do các FTA mang lại. Đặc biệt, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo, cung cấp thông tin thị trường trong và ngoài nước... để có được nguồn thông tin hữu ích cho DN.

 

Bộ Công Thương dự báo, năm 2018, kim ngạch XK nhóm hàng nông sản, thủy sản ước đạt 27,4 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ; nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản ước đạt 4,3 tỷ USD, giảm 1,4%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 194,5 tỷ USD, tăng 11,8%.

 

Theo Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang