Thứ Năm, 18/04/2024 15:10:03 GMT+7

Tin đăng lúc 18-10-2018

Lượt xem: 1479

Kinh doanh cà phê theo chuỗi: Kẻ khóc, người cười

Kinh doanh cà phê theo chuỗi tại Việt Nam đã nở rộ và phát triển mạnh trong nhiều năm, tuy nhiên, không phải doanh nghiệp (DN) nào cũng đứng vững bởi chiến lược kinh doanh chưa phù hợp.
Kinh doanh cà phê theo chuỗi: Kẻ khóc, người cười
Cộng Cà phê đưa thương hiệu cà phê Việt ra thị trường quốc tế

Sôi động kinh doanh cà phê chuỗi

 

Nhu cầu thưởng thức cà phê tại không gian hiện đại, đẹp, thiết kế ấn tượng, vị trí thuận tiện… rất lớn, phù hợp với nhiều thành phần, đối tượng người tiêu dùng khác nhau. Đây cũng là lý do thị trường quán cà phê sôi động và không ngừng phát triển với sự tham gia của nhiều thương hiệu trong và ngoài nước như: Coffee Bean & Tea Leaf, Starbucks, McCafe, Highlands Coffee, Caffe Bene, Phúc Long, Urban Coffee Station, Passio, The Coffee House, Saigon Café...

 

Theo đánh giá của Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor, chuỗi cửa hàng cà phê là loại hình phát triển nhanh nhất tại Việt Nam trong những năm qua với doanh thu hàng năm tăng khoảng 32%. Tốc độ tăng trưởng mỗi năm của cà phê hạt dành cho chuỗi cà phê Việt Nam, theo tiết lộ của các DN sản xuất cà phê, lên đến 300%.

 

Còn theo nghiên cứu của Học viện Marketing ứng dụng (I.A.M), có tới 65% người tiêu dùng Việt Nam uống cà phê 7 lần/tuần. Sức hấp dẫn của thị trường này do 2 yếu tố: Dân số tới 90 triệu người, trong đó 65% người trẻ; thói quen ngồi quán và uống cà phê của người Việt Nam ngày càng tăng.

 

Chia sẻ với báo giới gần đây, Nguyễn Hải Ninh - Nhà sáng lập kiêm CEO The Coffee House - cho biết, đang đặt mục tiêu mở khoảng 700 cửa hàng trên khắp Việt Nam trong 5 năm tới, với tốc độ trung bình 10 cơ sở mới mỗi tháng.

 

Hay, Cộng Cà Phê hiện có hơn 50 cơ sở từ khi ra mắt năm 2007 và dự định mở thêm 1 - 2 cửa hàng mới mỗi tháng cho đến năm 2020. Thương hiệu này cũng đã lấn sân sang nước ngoài với cửa hàng đầu tiên tại Seoul (Hàn Quốc).

 

Gần đây, Công ty Trung Nguyên International (King Coffee) cũng đã lên kế hoạch mở khoảng 1.000 quán cà phê, trong đó, 800 quán theo hình thức cà phê mang đi và 200 quán lớn. Trong năm nay, King Coffee sẽ mở chuỗi quán ở 6 thành phố lớn và sau đó lan tỏa ra các nơi, cửa hàng cà phê mang đi sẽ ưu tiên phát triển tại thị trường TP. Hồ Chí Minh.

 

Cạnh tranh khốc liệt

 

Dù thị trường sôi động là vậy nhưng đằng sau những thương hiệu thành công, liên tục tăng số lượng cửa hàng, không ít thương hiệu âm thầm rời bỏ thị trường với những khoản lỗ nặng nề. Sau quãng thời gian hút đông đảo khách nhất là giới trẻ, chuỗi nhà hàng cà phê NYDC cuối cùng đóng cửa năm 2016, chấm dứt gần 10 năm hoạt động tại Việt Nam. Năm 2017, sau 10 năm tấn công thị trường Việt, chuỗi cà phê lớn đến từ Úc - Gloria Jean’s đã đóng cửa hoàn toàn, bỏ lại tham vọng mở rộng hệ thống của mình thông qua hoạt động nhượng quyền tại thị trường Việt Nam.

 

Mới đây nhất, chuỗi cửa hàng The Coffee Bean & Tea Leaf với 15 cửa hàng trên toàn quốc sau 8 năm cũng đã đối mặt với áp lực tài chính khi khoản lỗ lũy kế lên tới 144 tỷ đồng, âm vốn điều lệ 140 tỷ đồng.

 

Bà Nguyễn Phi Vân - Chuyên gia nhượng quyền và cũng người đầu tiên đưa Gloria Jean’s Coffees vào Việt Nam - nhận định, nguyên nhân thất bại ban đầu là việc rập khuôn mô hình từ công ty mẹ. Dù về sau, Gloria Jean’s cho phép người mua nhượng quyền chỉ giữ lại những yếu tố cốt lõi của thương hiệu, còn lại cải tiến cho phù hợp với từng thị trường nhưng việc kinh doanh vẫn không khả quan do chi phí mặt bằng quá cao, cộng thêm sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ trong và ngoài nước.

 

Trong khi đó, Highland Coffee - chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất Việt Nam nay thuộc quyền sở hữu của Jolibee (Philippines) - đã rất thành công tại thị trường Việt Nam. Thay vì theo đuổi những cốc cà phê đắt đỏ, Highland Coffee kết hợp giữa các dịch vụ kiểu châu Âu pha lẫn những giá trị thuần Việt với thực đơn đa dạng, giá phải chăng... Một số thương hiệu như Passio, Urban Coffee Station, Phúc Long cũng thành công khi kết hợp kinh doanh linh hoạt, tiết kiệm tối đa chi phí thuê mặt bằng của mô hình cà phê mang đi (take away).

 

 

Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có khoảng 20.000 quán cà phê lớn, nhỏ và thị trường này được dự báo vẫn còn nhiều dư địa để phát triển trong thời gian tới.

 

 

Theo báo Công Thương

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang