Thứ Sáu, 26/04/2024 05:41:54 GMT+7

Tin đăng lúc 03-05-2020

Lượt xem: 1440

Kinh doanh thời dịch Covid-19

“Ta về ta tắm ao ta” đang là định hướng của nhiều doanh nghiệp (DN) Việt thời dịch Covid-19. Khi tình hình xuất khẩu chưa thuận lợi, nhiều DN đã có sự tăng trưởng đáng kể trên thị trường nội địa trong 4 tháng qua.
Kinh doanh thời dịch Covid-19
Sản xuất sữa tại Vinamilk. Ảnh: CAO THĂNG

Lãi ròng nhờ mở rộng thị phần nội địa

 

Công ty CP Dầu Tường An cho biết, kết quả sản xuất kinh doanh quý 1-2020 tăng hơn 23% và lợi nhuận trước thuế tăng 37 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Tương tự, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), Công ty CP Sài Gòn Food, Công ty CP Acecook Việt Nam, Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam… đều tăng công suất sản xuất lên 40%-50% trong quý 1-2020 mới kịp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cao trong nước.

 

Không tăng trưởng mạnh như ngành chế biến lương thực, thực phẩm nhưng ngành cao su, nhựa, hóa chất, dược phẩm, chế biến chế tạo… cũng có đà tăng trưởng tương đối ổn định.

 

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa Bình Minh (BMP), cho biết BMP tăng trưởng khoảng 10% cả về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận nhờ sức cầu vẫn khá tốt trong quý 1-2020. Góc nhìn từ các DN cho thấy, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng sức tiêu thụ thị trường nội địa vẫn duy trì ổn định. Thậm chí, từ đầu tháng 2 đến nay, sức tiêu thụ lương thực thực phẩm trên thị trường còn tăng mạnh, do người dân có tâm lý mua trữ hàng hóa để thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ về giãn cách xã hội và hạn chế ra ngoài đường khi không có việc cần thiết.

 

Còn với thị trường xuất khẩu, sự chuyển đổi công nghệ, chất lượng sản xuất thời gian qua đã bước đầu gặt hái những tín hiệu tích cực, khi sản phẩm Việt đã tiệm cận được tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của nhiều thị trường xuất khẩu khó tính.

 

Một nguyên nhân khác góp phần cho câu chuyện tăng trưởng cũng được các DN dẫn giải là do chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước.

 

Ông Nguyễn Hoàng Ngân cho biết, BMP có lợi thế cạnh tranh khi nguồn nguyên liệu 100% trong nước nên không chịu những tác động từ tỷ giá, thời gian và chi phí vận chuyển, tồn trữ nguyên vật liệu… Từ năm 2019, công ty đã chuyển đổi hết sang đặt hàng online, chỉ cần ngồi máy tính có thể xử lý được các đơn hàng trong hệ thống, nên dù dịch bệnh diễn biến phức tạp vẫn không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động.

 

Hụt hơi… xuất khẩu

 

Trái ngược với các DN có thị phần chủ yếu là nội địa, hàng loạt DN xuất khẩu ở nhiều lĩnh vực khác nhau đang phải “lao đao” vì bị tạm hoãn, hủy đơn hàng. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), nhiều DN đã kêu cứu lên Chính phủ đề nghị được giảm tiền điện và phí thuê kho bãi tại các cảng, trong đó tập trung chủ yếu ở Tân Cảng (chiếm 90% lượng hàng hóa đang chờ xuất khẩu). Nguyên nhân là đơn hàng bị đối tác thông báo tạm dừng nhập khẩu.

 

Điều đáng nói, các đối tác nhập khẩu cũng chưa xác định được thời hạn sẽ nhận hàng trở lại nên nhiều DN buộc phải lưu hàng tại cảng để chờ, dẫn đến chi phí tiền điện và lưu kho bãi tăng cao.

 

Tình hình cũng tương tự trên lĩnh vực dệt may, gỗ, da giày… Đại diện Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam cho biết, từ đầu tháng 3 đến nay, hầu hết hàng hóa xuất khẩu đều phải lưu giữ tại kho. Các DN phải chờ thông báo nhập hàng trở lại của đối tác từ thị trường Mỹ, châu Âu.

 

Hiện nhiều DN có quy mô sản xuất vừa và nhỏ đã tạm ngưng hoạt động. Một số DN dệt may đã chuyển sang sản xuất khẩu trang y tế nhằm tiếp cận nhu cầu rất lớn ở thị trường châu Âu, Mỹ, nhưng rất ít DN có thể xuất khẩu được do thiếu các chứng nhận tiêu chuẩn cần thiết. Muốn đạt chứng nhận này, những DN “tay ngang”, vốn chỉ chuyển sang may khẩu trang tạm thời để duy trì hoạt động sản xuất và chờ thị trường xuất khẩu mở cửa trở lại không thể đáp ứng được.

 

Đại diện lãnh đạo Tổng Công ty May 28 cho biết, từ đầu tháng 4, công ty đã chuyển sang sản xuất khẩu trang kháng khuẩn. Hàng mẫu đã gửi chào bán tại thị trường châu Âu, Mỹ và một số nước châu Á, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi đáp.

 

Có thể thấy, trụ vững chân thị trường nội địa sẽ là bàn đạp vững chắc để DN vươn xa hơn ra thị trường nước ngoài; giảm áp lực rủi ro từ biến động trên thị trường như dịch bệnh, chênh lệch tỷ giá, chi phí vận chuyển, thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu…

 

Tuy nhiên, theo nhiều DN, việc chuyển đổi thị phần đòi hỏi phải có lộ trình đầu tư nhất định. Do vậy, cần sớm đẩy nhanh gói hỗ trợ vốn, giãn nợ, giãn thuế, giảm phí các loại… để tạo điều kiện cho DN duy trì cũng như chuyển đổi hoạt động sản xuất, giảm nguy cơ đuối sức trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài.

 

Mới đây, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã xuất khẩu thành công lô hàng sữa đặc có đường vào thị trường Trung Quốc, dù nước này đang thắt chặt biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Trước đó, Vinamilk đã giành được hợp đồng xuất khẩu trị giá 20 triệu USD tại Dubai, mở ra thị trường cung ứng sữa và các sản phẩm sữa rất lớn tại Trung Đông. Trong nước, Vinamilk vẫn cung ứng hơn 50% thị phần sữa.

 

Theo sggp.org.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang