Thứ Sáu, 19/04/2024 22:34:39 GMT+7

Tin đăng lúc 05-03-2023

Lượt xem: 804

Kinh nghiệm về quản lý chất lượng tại một số doanh nghiệp Việt Nam

Sự thành công của doanh nghiệp cốt lõi phụ thuộc vào độ am hiểu của lãnh đạo quản lý chất lượng.
Kinh nghiệm về quản lý chất lượng tại một số doanh nghiệp Việt Nam

Theo chia sẻ của bà Hồ Thị Minh Hường, người có thâm niên phụ trách hoạt động chất lượng của Ngân hàng Quân đội (Military Bank) cho thấy, công việc của Trưởng phòng Quản lý chất lượng của một trong năm ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam không chỉ bao gồm tổ chức hoạt động kiểm tra giám sát mà còn dành một phần đáng kể cho việc lập kế hoạch chất lượng bao gồm xây dựng mục tiêu chất lượng, lên phương án nhân sự, kế hoạch triển khai theo dõi và giám sát, tổ chức đào tạo về chất lượng, thiết kế các dự án cải tiến chất lượng về sản phẩm...

 

Ở một góc nhìn khác, bà Đoàn Thị Chung – Trưởng phòng Quản lý chất lượng Công ty Cổ phần Khí cụ điện I (Vinakip) cho thấy vai trò của người đại diện lãnh đạo về chất lượng (QMR) phụ thuộc vào sự am hiểu hệ thống và năng lực của thành viên ban lãnh đạo được bổ nhiệm làm QMR.

 

Từ năm 2004 đến nay, Vinakip có nhiều sự thay đổi về lãnh đạo chất lượng. Nhưng nhờ am hiểu về hệ thống chất lượng cũng như có các năng lực và kinh nghiệm lãnh đạo hoạt động thiết kế và sản xuất nên QMR đã tổ chức điều hành hoạt động chất lượng hiệu quả. Có thể nói, để có được các chuyển biến cơ bản về chất lượng của Vinakip, bên cạnh sự quan tâm của Giám đốc và sự tham gia tích cực của toàn thể cán bộ công nhân viên, có một phần đáng kể là do sự bổ nhiệm “đúng người đúng việc”.

 

Thực tế, việc điều hành hoạt động chất lượng trong các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua cho thấy một số đặc điểm sau:

 

Thứ nhất, vai trò và chức năng của quản lý chất lượng đã được nhận thức đầy đủ và chú trọng trong doanh nghiệp. Công tác quản lý chất lượng đã trở nên chuyên nghiệp và có bộ phận chuyên trách, không còn kiêm nhiệm như trước. Bộ máy phòng quản lý chất lượng đã được hoàn thiện, cán bộ làm công tác quản lý chất lượng được chú ý đào tạo các kỹ năng cần thiết. Doanh nghiệp đã ý thức được sự quan trọng của quản lý chất lượng và đầu tư cho công tác quản lý chất lượng. Đây là điểm đáng mừng và là kết quả nổi bật trong thập kỷ chất lượng đầu tiên của Việt Nam.

 

Thứ hai, vai trò của lãnh đạo chất lượng còn nhiều điểm hạn chế, thể hiện ở việc không có hoặc thiếu chiến lược chất lượng, thiếu liên kết giữa chất lượng và chiến lược kinh doanh. Các doanh nghiệp chỉ quan tâm thực sự đến chất lượng và có kế hoạch chất lượng khi gặp vấn đề và sự cố chất lượng. Việc hoạch định chất lượng một cách chủ động, lâu dài, có tính chiến lược chưa phải là ưu tiên của đa số doanh nghiệp Việt Nam.

 

Do đó, để đi đến sự thành công về chất lượng là một chặng đường dài đòi hỏi những nổ lực bền bỉ về xây dựng hệ thống, đào tạo, áp dụng các công cụ thích hợp. Doanh nghiệp không ngừng hoàn thiện bộ máy hoạt động chất lượng. Hy vọng rằng cùng với việc nâng cao chất lượng công tác quản lý chất lượng, việc nâng cao chất lượng của hoạt động và con người lãnh đạo chất lượng sẽ được quan tâm và trở thành một ưu tiên trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

 

Theo Congthuong.vn

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang