Thứ Tư, 24/04/2024 22:29:14 GMT+7

Tin đăng lúc 19-10-2019

Lượt xem: 1929

Lai Châu: 15 năm rạng rỡ một chặng đường phát triển

Lai Châu – vùng đất biên cương Tây Bắc, là nơi có lịch sử phát triển lâu đời, gắn liền với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, rất giàu truyền thống cách mạng. Qua bao thăng trầm, sau nhiều lần đổi tên, Lai Châu luôn là một phần máu thịt của Tổ quốc, là nơi hội tụ của 20 dân tộc, mỗi dân tộc có nét văn hóa riêng, độc đáo, giàu bản sắc, dệt nên bức tranh tổng thể đa dạng, thống nhất, hài hòa của lịch sử, văn hóa, con người.
Lai Châu: 15 năm rạng rỡ một chặng đường phát triển
Ông Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Lai Châu.

Các dân tộc có truyền thống đoàn kết quý báu, trải qua hàng trăm năm lịch sử luôn cùng nhau kề vai, sát cánh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc quê hương, góp phần viết nên trang sử hào hùng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

 

Từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, kết cấu hạ tầng yếu kém, tổ chức bộ máy cán bộ các cấp vừa thiếu, vừa yếu, đời sống của phần lớn nhân dân còn rất nhiều khó khăn. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp của các Bộ, ngành trung ương, với tinh thần đoàn kết, phát huy những thành quả của các thế hệ lãnh đạo tỉnh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã vượt qua mọi thách thức, khắc phục những khó khăn trước mắt, giành được nhiều kết quả tích cực trong các lĩnh vực công tác.

 

Trong điều kiện bộn bề khó khăn của một tỉnh mới chia tách, thành lập, trước yêu cầu của sự phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lai Châu đã phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, chính sách của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của địa phương và tranh thủ tối đa sự quan tâm, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao, đến năm 2010 tỉnh đã cơ bản ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, năm 2015 cơ bản ra khỏi tình trạng kém phát triển và đang từng bước xây dựng trở thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc.

 

 

Thành phố Lai Châu hôm nay

 

Đến nay, sau 15 năm tái lập, Lai Châu đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục phát triển khá, cơ cấu kinh tế ngành, lĩnh vực chuyển dịch theo hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm tăng khá nhanh, bình quân giai đoạn 2004 – 2018 đạt gần 12%/năm, GRDP bình quân đầu người đến năm 2018 đạt 32,9 triệu đồng, tăng 12,7 lần, thu ngân sách địa phương đạt trên 2.300 tỷ đồng, tăng gấp 62 lần so với năm 2004.

 

Nông nghiệp từ chỗ sản xuất quảng canh, tự cấp, tự túc đã chuyển dần sang sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất tập trung có sự tham gia của doanh nghiệp. Sản lượng lương thực liên tục tăng, cơ bản đảm bảo an ninh lương thực, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị, đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu, đặc biệt có một số mặt hàng đã khẳng định thương hiệu trên thị trường, chinh phục được nhiều thị trường ngoại khó tính. Diện tích rừng được khoanh nuôi, trồng mới, bảo vệ, nâng độ che phủ rừng lên 49%. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện đồng bộ, đạt kết quả tích cực, có 29 xã (30,21%) đạt chuẩn nông thôn mới.

 

Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư xây dựng với tốc độ khá nhanh, nhất là hệ thống giao thông, điện, nước, trường học, bệnh viện… 100% xã có mặt đường cứng hóa đến trung tâm xã, 88,5% số thôn, bản có đường xe máy đi được thuận lợi, 100% xã, phường, thị trấn và 93% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, 80,5% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch. Sau 15 năm xây dựng, phát triển, bộ mặt đô thị, nông thôn của tỉnh có nhiều khởi sắc.

 

 

Ông Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Lai Châu, dự lễ khánh thành công trình trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.

 

Cùng với sự phát triển kinh tế, lĩnh vực giáo dục và đào tạo được mở rộng về quy mô, nâng cao chất lượng các loại hình giáo dục, cơ sở vật chất, hạ tầng trường lớp ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân và thực hiện nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh. Năm 2018 – 2019, số trường học tăng 1,7 lần, học sinh, sinh viên tăng gần 1,9 lần so với năm học 2004 – 2005. Đến nay, toàn tỉnh có 134 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt hơn 36%, chất lượng phổ cập giáo dục ở các cấp học, bậc học ngày càng được nâng lên.

 

Công tác y tế, dân số, gia đình có bước chuyển biến tích cực. Hệ thống y tế không ngừng được củng cố, phát triển, từng bước hoàn thiện từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Đội ngũ y tế được quan tâm đào tạo, đạt 9,2 bác sỹ/vạn dân, 71,3% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 94%. Đặc biệt, công tác xóa đói giảm nghèo giảm nhanh, giai đoạn 2012 – 2019 giảm bình quân 4,68%, có 2 huyện (Than Uyên và Tân Uyên) được công nhận thoát nghèo giai đoạn 2016 – 2020. Chính sách với người có công được quan tâm thực hiện và trở thành phong trào sâu rộng, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân các dân tộc Lai Châu. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường, an ninh chính trị, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Công tác đối ngoại được duy trì và mở rộng, góp phần xây dựng biên giới ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển.

 

Với tinh thần đoàn kết và truyền thống vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Lai Châu trong 70 năm qua, bằng kinh nghiệm từ những bài học thực tiễn sinh động, với phương pháp lãnh đạo, điều hành sáng tạo, khoa học, hiệu quả và phù hợp, chắc chắn rằng trong tương lai gần, Lai Châu sẽ bứt phá vươn lên, xứng đáng là nơi hội tụ và dừng chân lý tưởng của du khách muôn phương, là thị trường hấp dẫn để các nhà đầu tư tìm đến khảo sát, khai thác, đánh thức những tiềm năng thế mạnh của Lai Châu, đúng như tâm nguyện của đồng chí Tống Thanh Hải, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Lai Châu: “Lai Châu sẽ nỗ lực, phấn đấu tạo mọi điều kiện tốt nhất về mọi mặt để mời gọi “đại bàng về làm tổ”, tạo ra cú hích, từ đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội cho Lai Châu trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế”./.

 

Xuân Trường

 


Tag:Lai Châu

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang