Thứ Năm, 25/04/2024 22:54:42 GMT+7

Tin đăng lúc 02-06-2023

Lượt xem: 318

Lâm Đồng: Đẩy mạnh công tác khuyến công tại huyện miền núi Đam Rông

Những năm qua, việc đẩy mạnh công tác khuyến công tại huyện Đam Rông đã từng bước khuyến khích, thúc đẩy công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện.
Lâm Đồng: Đẩy mạnh công tác khuyến công tại huyện miền núi Đam Rông
Chú trọng công tác khuyến công, thúc đẩy phát triển CN – TTCN) tại huyện Đam Rông

Giai đoạn 2013-2022, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (TTKC) đã phối hợp với các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) triển khai được 13 đề án khuyến công với tổng kinh phí trên 1,9 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ 05 đề án khuyến công có thu hồi kinh phí để đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị, mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 1,8 tỷ đồng (thời gian thu hồi từ 4 - 5 năm/đề án) cho các đơn vị gồm: Cơ sở Ngọc Ánh; Công ty TNHH Ngọc Ánh - Hiệp Phá; Công ty TNHH Trường Ca; Công ty TNHH Khang Nguyên; DNTN Triệu An.

 

UBND huyện Đam Rông cũng đã phối hợp với TTKC tỉnh đề xuất, khảo sát và hướng dẫn các cơ sở sản xuất CNNT xây dựng đề án khuyến công, phối hợp thu hồi các nguồn vốn hỗ trợ đề án. Đến thời điểm hiện tại, các nguồn vốn hỗ trợ đã được thu hồi hết và một số đang tiếp tục thu hồi vốn theo quy định.

 

Cùng với việc khuyến khích sản xuất, huyện Đam Rông cũng đã thực hiện tổ chức Hội thi bình chọn được 10 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện năm 2019, trong đó đã trao giải cho 8 sản phẩm đạt giải cấp huyện. Đồng thời, gửi 8 sản phẩm này tham dự bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh Lâm Đồng năm 2019, trong đó có sản phẩm cà phê của Công ty TNHH Trường Ca được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh.

 

Với một huyện miền núi nghèo như Đam Rông thì có được những chuyển biến như trên là điều đáng mừng. Song vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt cần khắc phục như: Hầu hết các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn huyện đều là DN nhỏ và vừa, quy mô sản xuất nhỏ, vốn sản xuất, kinh doanh còn hạn chế nên hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, một số ngành nghề không có đủ nguồn nguyên liệu để ổn định sản xuất, hoặc nguồn cung nguyên liệu không ổn định, chủ yếu theo mùa vụ; Việc đôn đốc các cơ sở hoàn trả vốn vay định kỳ hàng năm còn gặp nhiều khó khăn do một số DN làm ăn thua lỗ, tạm ngưng sản xuất nên chậm trễ hoàn vốn vay theo kế hoạch trả định kỳ hàng năm; Các chủ cơ sở sản xuất còn e ngại trong quá trình tham gia thực hiện các đề án khuyến công. Do đó, việc tuyên truyền công tác khuyến công còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt hiệu quả cao; Việc triển khai áp dụng sản xuất sạch tại các DN vẫn còn hạn chế do các DN trên địa bàn chưa mạnh về năng lực kỹ thuật, tiếp cận thông tin kỹ thuật và cập nhật công nghệ, đặc biệt là năng lực tài chính để chuyển đổi công nghệ; Công tác tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện tính về số lần triển khai, số lượng sản phẩm, DN tham gia và chất lượng sản phẩm không đạt theo yêu cầu. Nguyên nhân do các DN hoạt động sản xuất CN-TTCN trên địa bàn không nhiều, không đa dạng, phong phú về sản phẩm tham dự. Sản phẩm tham gia chủ yếu đều là sản phẩm công nghiệp chế biến từ nông nghiệp.

 

Thời gian tới, mục tiêu của các cấp, các ngành địa phương vẫn là đẩy mạnh hoạt động khuyến công. Bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ các cơ sở CNNT trong lĩnh vực sản xuất CN-TTCN tại địa phương, TTKC tỉnh còn tập trung hỗ trợ một số nội dung hoạt động hiệu quả của chương trình như xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn kỹ thuật chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ đối với các lĩnh vực có lợi thế của huyện như: Bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch. Đồng thời, xác định những nhiệm vụ cụ thể, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác khuyến công nhằm thúc đẩy phát triển, góp phần tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm CN-TTCN tại địa phương.

 

Thanh Trà


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang