Thứ Năm, 28/03/2024 20:53:48 GMT+7

Tin đăng lúc 09-12-2017

Lượt xem: 5310

Làm giàu từ dệt thổ cẩm

Quỳ Châu được xem là “cái nôi” của nghề dệt thổ cẩm Nghệ An. Tuy nhiên, do yếu tố khách quan, dệt thổ cẩm ở đây bị mai một, chính quyền địa phương đang từng bước khôi phục gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Làm giàu từ dệt thổ cẩm
Sản phẩm thổ cẩm của Quỳ Châu có màu sắc, hoa văn độc đáo

Nghề dệt thổ cẩm của người Thái ở Quỳ Châu đã có từ rất lâu đời. Trước đây, sản phẩm thổ cẩm được làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu trong gia đình, sau phát triển thành hàng hóa trao đổi, mua bán. Từ những hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ, thị trường không ổn định, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các hộ dân đã liên kết, hỗ trợ nhau để sản xuất. Đầu năm 2009, Hợp tác xã (HTX) Làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến được thành lập với 60 thành viên. Các thành viên trong HTX đã biết tạo ra những sản phẩm với mẫu mã đa dạng và phong phú, dần tạo được niềm tin trong lòng khách hàng.

 

Do khoảng cách địa lý xa các trung tâm thương mại, thông tin về thị trường và khâu quảng bá sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra nên các sản phẩm làm ra của HTX chủ yếu phục vụ khách hàng truyền thống, sản xuất theo đơn đặt hàng là chính nên chưa mang lại lợi nhuận cao và thu nhập ổn định. Từ thực tế đó, chị Sầm Thị Bích - Giám đốc HTX Làng nghề Hoa Tiến - cho biết: Sản phẩm thổ cẩm được các ban, ngành tạo điều kiện đưa đi triển lãm, hội chợ và được du khách nước ngoài rất quan tâm. Thị trường tiêu thụ sản phẩm bây giờ không chỉ trong nước mà còn ra vươn ra nước ngoài như: Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Pháp, Canada; Tổ chức phi chính phủ CRAP LINK là một khách hàng thường xuyên của làng nghề.

 

Ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam - chia sẻ: Nhiều người ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của thổ cẩm, đặc biệt là thổ cẩm Quỳ Châu với thiết kế đạt đẳng cấp quốc tế. Các sản phẩm thổ cẩm như váy, áo Thái, khăn piêu… sử dụng các kỹ thuật dệt độc đáo như: Dệt kết hoa văn trên khung; dệt ikat; dệt thảm. Vải thổ cẩm của làng nghề Hoa Tiến không chỉ được ưa chuộng bởi những hoa văn trang trí đẹp mắt mà còn mang nét đặc trưng riêng, được nhuộm bằng các loại nguyên liệu tự nhiên thu hái trong vườn hoặc từ cây rừng sẵn có trên mảnh đất Quỳ Châu như: Cà phê, lá chè, lá ổi, hoàng đẳng, lá hom, linka… Do làm từ những nguyên liệu tự nhiên, sản phẩm thổ cẩm Quỳ Châu mang màu sắc tươi tắn, khác hẳn những sản phẩm thổ cẩm ở các vùng, miền khác. Nghệ thuật nhuộm màu sử dụng các loại chất liệu cỏ, cây, hoa, lá của người Thái mà không nơi nào có thể sánh được đã nâng giá trị hàng dệt thổ cẩm thành mặt hàng thời trang cao cấp; các sản phẩm của dân tộc Thái Việt Nam có mặt tại thị trường Mỹ.

 

Ông Lê Hải Lý - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳ Châu - cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ hỗ trợ các HTX các khâu: Tiếp cận nguồn vốn; đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ HTX; phối hợp với các cấp, ngành quảng bá sản phẩm, mở các tour du lịch cộng đồng để HTX làng nghề đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm; tham gia các hội chợ triển lãm…

 

Ngoài hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập và tạo việc làm cho thành viên, mô hình HTX Làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến còn bảo tồn, phát triển nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc miền tây Nghệ An.


Nguồn Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang