Thứ Sáu, 29/03/2024 12:55:58 GMT+7

Tin đăng lúc 24-03-2020

Lượt xem: 1425

Làm thế nào để xây dựng doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững?

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, để hoàn thành các Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đã được Quốc hội thông qua, Việt Nam phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu dựa trên tri thức đổi mới, sáng tạo, khoa học và công nghệ cao, trong đó doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.
Làm thế nào để xây dựng doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững?
Các doanh nghiệp được vinh danh là doanh nghiệp phát triển bền vững năm 2019.

Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp Vừa và Nhỏ VN.

 

PV: Thưa ông, để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, ngày 16/5/2016, Chính phủ đã có Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, xin ông khái quát lại mục tiêu chính của Nghị quyết này?

 

Ông Nguyễn Xuân Sơn: Theo Nghị quyết 35 thì đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30 - 35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hàng năm, có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.

 

PV: Để xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế, cần dựa trên nguyên tắc nào, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Xuân Sơn: Một là, Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Hai là, thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật liên quan đến doanh nghiệp. Ba là, Nhà nước bảo đảm sự ổn định, nhất quán, dễ dự báo của chính sách; ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện. Bốn là, Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như: vốn, tài nguyên, đất đai... và đầu tư kinh doanh. Năm là, Nhà nước có chính sách đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao phát triển. Sáu là, các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành và thực thi chính sách phải bảo đảm xác định rõ mỗi nhiệm vụ có một đầu mối và người chịu trách nhiệm. Bẩy là, các quy định về điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm gắn với điều kiện, quy định cụ thể và thanh tra, kiểm tra, giám sát. Tám là, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần bảo đảm mục tiêu ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật. Chín là, không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật. Mười là, doanh nghiệp phải nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác; đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh.

 

 

Ông Nguyễn Xuân Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp vừa và nhỏ VN

 

PV: Vậy theo ông, các doanh nghiệp cần phải làm gì để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 35?

 

Ông Nguyễn Xuân Sơn: Bên cạnh việc Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này; Chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chế độ báo cáo; kịp thời tổng hợp các kiến nghị, khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý để xử lý hoặc chuyển tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết… thì Nghị quyết cũng yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động trong việc trao đổi, phản ánh với các cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đẩy mạnh tái cơ cấu, liên kết, hợp tác kinh doanh, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh. Nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, đạo đức kinh doanh, tôn trọng pháp luật, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tinh thần liêm chính trong kinh doanh, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tham gia chương trình xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời, tăng cường các giải pháp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

 

PV: Sau hơn 3 năm ban hành Nghị quyết, kết quả thực hiện ra sao, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Xuân Sơn: Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN - VCCI, thì việc thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý, đã có 2.500 kiến nghị trên tổng số 3.300 kiến nghị từ phía cộng đồng doanh nghiệp gửi tới các bộ, ngành và địa phương đã được giải quyết trong 3 năm 2016-2019. Chỉ tính riêng năm 2019, VCCI đã trực tiếp tập hợp từ các kênh thông tin được 936 kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước do Văn phòng Chính phủ và VCCI tiếp nhận trả lời (tăng 235 kiến nghị so với cùng kỳ năm 2018). Các cơ quan chức năng đã xử lý, giải quyết, trả lời 710 kiến nghị (chiếm 75,9%), thấp hơn 1,99% nhưng tăng 164 kiến nghị so với cùng kỳ năm 2018. Số kiến nghị còn tồn chưa được các bộ, ngành, địa phương trả lời là 253 kiến nghị (chiếm 24,1%), tăng 98 kiến nghị so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có nhiều kiến nghị từ đầu năm chưa được giải quyết. Việc giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương ngày càng kịp thời và đầy đủ hơn so với các năm trước.

 

Kết quả cuộc điều tra, khảo sát ý kiến của 500 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp từ tháng 6-11/2019, kết quả như sau: Về trả lời kiến nghị của các bộ, ngành có: 27,3% doanh nghiệp/hiệp hội doanh nghiệp trả lời hài lòng, 21,2% doanh nghiệp/hiệp hội doanh nghiệp trả lời rất hài lòng, 50% doanh nghiệp/hiệp hội doanh nghiệp trả lời chưa hài lòng. Như vậy, tỷ lệ hiệp hội doanh nghiệp/ doanh nghiệp chưa hài lòng với kết quả trả lời/giải quyết kiến nghị của các bộ, ngành cao hơn so với cuộc khảo sát 6 tháng đầu năm 2019 và năm 2018.

 

Thực trạng này cho thấy công tác giải quyết kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương cần phải tiếp tục nâng cao về chất lượng để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhằm hướng tới mục tiêu tạo lập môi trường kinh doanh ngày càng thuận lơi cho doanh nghiệp như Chính phủ đã đề ra.

 

PV: Xin cám ơn ông!

 

Mai Hương (thực hiện)


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang