Thứ Năm, 28/03/2024 21:04:35 GMT+7

Tin đăng lúc 18-03-2023

Lượt xem: 1953

Làng nghề Nón lá Vĩnh Thịnh: Từ chiếc nón lá truyền thống đến sản phẩm trang trí

Từ những vật liệu nông nghiệp giản dị, thân thuộc như tre, mo tre, lá nón, người dân thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì đã cần mẫn thổi hồn thành chiếc nón lá thơ mộng. Qua thời gian, làm nón lá được bồi đắp trở thành nghề, thành kế sinh nhai của người dân nơi đây. Sản phẩm nón lá Vĩnh Thịnh nay vừa giữ nguyên đặc trưng truyền thống, vừa được phát triển thành sản phẩm trang trí có tính thẩm mỹ cao, được người dân xa gần biết tới.
Làng nghề Nón lá Vĩnh Thịnh: Từ chiếc nón lá truyền thống đến sản phẩm trang trí
Nghề nón tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ dân thôn Vĩnh Thịnh. Điểm đặc biệt, dễ nhận thấy là những hình ảnh đẹp từ các cụ già trên 70 tuổi vẫn làm say sưa làm nón

Hỡi cô thắt cái bao xanh

Có về Vĩnh Thịnh với anh thì về

Vĩnh Thịnh có nghiệp, có nghề

Có đất làm nón, có nghề đi buôn

 

 

 

Làng nghề nón lá Vĩnh Thịnh có lịch sử hàng trăm năm phát triển. Nón lá là niềm tự hào của người dân thôn Vĩnh Thịnh, là nét đẹp biểu trưng riêng có mà lớp lớp các thế hệ người dân Vĩnh Thịnh gìn giữ và phát huy. Nó không chỉ làm sáng hơn miền quê lúa Vĩnh Thịnh, mà còn góp phần vào vẻ đẹp làng quê Việt

 

 

Thôn Vĩnh Thịnh cũng giống như nhiều miền quê Bắc Bộ, có khung cảnh hiền hòa với cây đa, giếng nước, sân đình. Vẻ hiền hòa như thấm vào gương mặt của người dân nơi đây. Bởi thế, người dân Vĩnh Thịnh hồn hậu, cởi mở, hiếu khách lắm. Hiện nay, cùng với công cuộc xây dựng nông thôn mới của thành phố Hà Nội, thôn Vĩnh Thịnh có nhiều đổi khác, đời sống nhân dân được nâng cao hơn, nhà cửa khang trang hơn, đường xá sạch đẹp hơn. Cũng vì thế mà những nét quê trở thành những điểm nhấn ấn tượng, thành niềm tự hào của người dân Vĩnh Thịnh.

 

 

 

Những chiếc nón lá Vĩnh Thịnh đẹp thơ mộng trong không gian trưng bày sản phẩm làng nghề

 

 

Nghề làm nón thôn Vĩnh Thịnh đã được lưu truyền hàng trăm năm. Nghề nón kể cũng mặn mòi và công phu lắm. Để làm ra một chiếc nón phải trải qua nhiều công đoạn phơi lá (phơi nắng & phơi ẩm), sấy lá, mở, là (ủi) lá, chọn lá, xây độn vành, chằm, cắt lá, nức vành, cắt chỉ, quang dầu… Mỗi công đoạn đều thể hiện sự kỳ công, cần mẫn và tinh tế của người làm nghề. Một người phải mất chừng 3 tiếng mới làm ra được một chiếc nón hoàn chỉnh.

 

 

Bà Hoàng Thị Châm - một người có thâm niên 60 năm làm nghề nón tại thôn Vĩnh Thịnh vui vẻ chia sẻ: Tôi làm nghề từ khi 5 tuổi và gắn bó với nó từ đó đến nay. Qua thời gian, nghề làm nón vẫn được đa số các hộ dân trong thôn làm, mặc dù thu nhập không cao giống như nhiều công việc khác nhưng cũng ổn định. Phấn khởi nhất là, hiện nay, nhờ các cấp chính quyền quan tâm, nên làng nghề đã có không gian trưng bày, quảng bá sản, sản phẩm nón lá của chúng tôi được người ở nhiều nơi biết tới.

 

 

 

 Nhờ sự quan tâm của Thành phố, huyện, xã, ng nghề nón Vĩnh Thịnh đã cải tạo nhà văn hóa thôn thành không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm nón lá Vĩnh Thịnh với hàng trăm sản phẩm, từ nón lá truyền thống đến nón thêu, nón vẽ, nón dây,... Không gian trưng bày nón lá Vĩnh Thịnh cũng là điểm du lịch, trải nghiệm tiếp đón nhiều đoàn khách và học sinh trong nước, đoàn khách quốc tế tới thăm quan

 

 

Nhằm thúc đẩy sản xuất và bán hàng, các hộ làm nón trong thôn đã tập hợp nhau lại, tổ chức thành lập HTX tiểu thủ công nghiệp sản xuất và thương mại dịch vụ nón lá Vĩnh Thịnh, hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Hiện nay, HTX có hàng nghìn thành viên, đóng vai trò thu mua nguyên vật liệu, tổ chức sản xuất và bán sản phẩm cho các thành viên HTX. Những năm gần đây, nhận thấy nhu cầu trang trí của người dân tăng cao, bên cạnh sản xuất nón lá truyền thống, các thành viên HTX sản xuất thêm các sản phẩm như: Nón dây, nón vẽ, nón thêu,... có tính thẩm mỹ cao, bền, cung cấp cho các nhà hàng, khu du lịch,... trong cả nước.

 

 

 

Ông Nguyễn Bá Luận - Giám đốc HTX Tiểu thủ công nghiệp sản xuất và Thương mại dịch vụ nón lá Vĩnh Thịnh

 

 

Ông Nguyễn Bá Luân - Giám đốc HTX cho biết: Thôn Vĩnh Thịnh có khoảng 600 hộ, với gần 1.200 người tham gia nghề làm nón, chiếm 65% tổng số hộ dân trong thôn. Năm 2020, làng nghề đã được Thành phố Hà Nội cấp Bằng công nhận “Làng nghề truyền thống Nón lá Vĩnh Thịnh”; cùng với đó là các chính sách phát triển làng nghề, hỗ trợ đầu tư, quảng bá, xúc tiến thương mại của các cấp, ngành, giúp cho làng nghề có thêm nhiều cơ hội phát triển. Chúng tôi mong muốn phát triển làng nghề thành điểm du lịch để tăng hiệu quả sản xuất làng nghề, thêm thu nhập cho bà con nhân dân nên rất mong được Nhà nước quan tâm, đầu tư, hỗ trợ hơn nữa. Chúng tôi tin rằng với sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, Làng nghề nón lá Vĩnh Thịnh sẽ trở thành điểm du lịch văn hóa thu hút được nhiều khách du lịch, từ đó đời sống của nhân dân sẽ được nâng cao hơn nữa.

 

 

 

 Hình ảnh phơi lá nón là hình ảnh đẹp bình dị thường gặp ở thôn Vĩnh Thịnh,  một nét đẹp của nông thôn Việt Nam

 

 

Với sự vận động của xã hội, nghề nón lá thôn Vĩnh Thịnh đã có nhiều nét đổi mới. Sản phẩm nón lá Vĩnh Thịnh đã đa dạng hơn, nhiều màu sắc hơn, từ sản phẩm truyền thống đến sản phẩm trang trí nội, ngoại thất, hội hè được ưa chuộng. Hoạt động sản xuất của làng nghề đã được tổ chức chuyên nghiệp, bài bản hơn. Tìn rằng với tâm huyết của người dân, sự quan tâm của các cấp chính quyền, làng nghề truyền thống Nón lá Vĩnh Thịnh sẽ tiếp tục được giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa và kinh tế; Vĩnh Thịnh sẽ trở thành điểm đến ấn tượng của khách du lịch trong nước và quốc tế trong nay mai.

 

Minh Ngọc


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang