Thứ Năm, 25/04/2024 20:56:20 GMT+7

Tin đăng lúc 24-02-2016

Lượt xem: 4797

Lễ tiếp nhận phiên bản Mộc bản triều Nguyễn về Vua thủy tổ Kinh Dương Vương

Ngày 23/2 (tức ngày 16 tháng Giêng), huyện Thuận Thành và Sở Văn hóa Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức lễ dâng hương và khai hội Kinh Dương Vương (ở xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) kỷ niệm 4.895 năm đức Vua Thủy tổ Việt Nam khai sinh mở nước; tiếp nhận phiên bản Mộc bản triều Nguyễn về Vua thủy tổ Kinh Dương Vương.
Lễ tiếp nhận phiên bản Mộc bản triều Nguyễn về Vua thủy tổ Kinh Dương Vương

Tại lễ khai hội Kinh Dương Vương, đại diện Trung tâm lưu trữ Quốc gia 4, Cục Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) đã trao tặng phiên bản Mộc bản triều Nguyễn về Vua thủy tổ Kinh Dương Vương cho đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh và UBND huyện Thuận Thành để gìn giữ, trưng bày nhằm phát huy hơn nữa giá trị lịch sử văn hóa khu di tích Đền thờ và Lăng thủy tổ Kinh Dương Vương. 

 

Năm nay, lễ hội Kinh Dương Vương diễn ra trong 3 ngày từ 23 - 26/2 (ngày 16 đến 18 tháng Giêng) với phần lễ gồm có các hoạt động: rước nước từ Đền xuống Lăng Kinh Dương Vương về thờ; rước kiệu Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ từ Đền xuống Lăng làm lễ và tế theo các nghi thức cung đình; rước kiệu Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ từ Lăng về Đền, sau đó sẽ tổ chức lễ tế cầu nhân khang, vật thịnh, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Phần hội có các hoạt động văn hóa, thể thao cùng các trò chơi dân gian như chơi đu, đập niêu, bịt mắt bắt dê, tổ tôm điếm, cờ tướng, vật dân tộc, múa rối nước, các chương trình văn nghệ biểu diễn nghệ thuật chèo, tuồng, trống quân, Quan họ trên thuyền.

 

Lễ hội Kinh Dương Vương được tổ chức nhằm bày tỏ lòng thành kính, tuyên truyền, giáo dục những người con dân đất Việt nhớ về nguồn cội, tri ân đức vua Thủy tổ Việt Nam, phát huy truyền thống tốt đẹp từ nghìn xưa để lại; là dịp bày tỏ lòng tự tôn dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở dòng máu huyết thống con Lạc, cháu Hồng, thi đua lao động, học tập xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lễ hội còn tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng quê hương Kinh Bắc - Bắc Ninh. 

 

Cho đến thời điểm hiện tại, không nhiều người biết đến khu đền thờ và lăng mộ này. Khu di tích lăng mộ nằm khiêm nhường bên bờ nam sông Đuống, dưới những rặng tre êm ả bình yên như phong cảnh làng quê đã có tự bao đời. Lăng mộ Nam bang Thuỷ tổ tọa lạc ngay trên diện tích đất phù sa ven sông và hướng mặt về phía dòng sông Đuống nghiêng nghiêng uốn lượn.

 

Theo thần phả của làng và nhiều tài liệu sử sách ghi lại thì họ Hồng Bàng là dòng họ đầu tiên làm vua ở nước ta. Thần Nông lấy Nữ Long sinh ra Viêm Đế. Viêm Đế lấy vợ sinh ra Đế Minh. Đế Minh đã có một người con trai là Đế Nghi. Song khi đi tuần thú ở miền Ngũ Lĩnh, Đế Minh đã nảy sinh tình cảm và lấy công chúa Vụ Tiên rồi sinh ra Lộc Tục. Lớn lên, Đế Nghi làm vua phương Bắc, Lộc Tục làm vua phương Nam. Lộc Tục đựoc phong là Kinh Dương Vương, lập nên Nhà nước sơ khai đầu tiên vào năm Nhâm Tuất (2879 trước Công Nguyên) và đặt tên nước là Xích Qủy (tên một vì sao sáng đỏ rực bầu trời phương Nam trong dải Ngân Hà).

 

Kinh Dương Vương đã dừng chân ở núi Ngàn Hống (nay là núi Hồng Lĩnh, thuộc huyện Can Lộc, HàTĩnh), về thành lập bộ tộc Dâu, đóng lỵ sở ở Liên Lâu (Luy Lâu, trấn Kinh Bắc xưa, nay là huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Quốc hiệu lúc này được đặt là Việt Thường. Sau khi lập nghiệp, Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân là Thần Long sinh ra Sùng Lãm (tên húy của Lạc Long Quân). Sau khi đổi quốc hiệu đất nước thành Xích Quỷ, Kinh Dương Vương tạ thế ngày 18 tháng Giêng tại trang Phúc Khang bộ Vũ Ninh, thuộc Bắc Ninh ngày nay. Sau khi cha mất, Sùng Lãm lên nối ngôi cha xưng là Lạc Long Quân.

 

Đế Nghi làm vua cai trị phương Bắc có một người con trai là Đế Lai, sau này được truyền lại ngôi báu. Trong một lần đi du ngoạn xuống phía Nam, Đế Lai đã đem theo cô con gái yêu quý của mình. Tại đây, Âu Cơ (con gái Đế Lai) đã gặp Lạc Long Quân. Họ đem lòng yêu thương nhau và nên duyên vợ chồng, sinh một bọc trăm trứng nở ra trăm người con trai. Sống với nhau hòa thuận được một thời gian thì vua nói với Âu Cơ rằng: "Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy - hỏa khắc nhau không thể chung sống. Rồi họ tạm biệt nhau, chia năm mươi người con lên rừng theo mẹ và năm mươi người con theo cha xuống miền Nam, phong cho con trưởng làm Hùng Vương nối ngôi vị của cha. Người con trai cả là Hùng Vương thứ nhất đã đi nhiều nơi và thấy rằng mảnh đất Phong Châu, Phú Thọ là nơi địa linh nhân kiệt. Hùng Vương thứ nhất đã di dời về đây đóng đô, đặt quốc hiệu Văn Lang.

 

Kinh Dương Vương sau khi truyền lại ngôi cho Lạc Long Quân thì thác tại mảnh đất Luy Lâu (ThuậnThành ngày nay). Do đó, nhân dân đã chọn phần đất cao, địa thế đẹp đắp mộ thờ phụng ông ở tại làng Á Lữ bây giờ. Sau 4892 năm, trải qua nhiều biến thiên lịch sử nước nhà bị xâm lược, truất vị đổi ngôi, nhưng mộ phần vẫn còn giữ nguyên được hình dáng và vị trí.

 

Ông Nguyễn Bá Khải (SN 1962), Phó chủ tịch xã Đại Đồng Thành cho biết: "Á Lữ là một làng đặc biệt trong cả nước. Từ khi được thành lập cho đến trước Cách mạng Tháng Tám 1945, làng thuộc quyền quản lý độc quyền của triều đình, gọi là nhất xã nhất thôn (nghĩa là thôn Á Lữ cũng là xã Á Lữ và không thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương). Do đó, hàng năm, vua các triều đại thường trực tiếp về đây thắp hương bái tổ vào ngày giỗ".

 

Phía trước phần mộ cổ có hai chữ Bất Vong, nghĩa là không bao giờ bị lưu lạc. Phía dưới hàng ngang có năm chữ: "Ái Quốc Mạc Vong Tổ". Phía hậu lăng là bức Nam Tổ Miếu. Hai bên lăng có đôi câu đối ghi: "Quốc Thống Khai Nam Phục/ Bi Đình Kỷ Thành Công". Giữa lăng là bia đá khắc ba chữ Kinh Dương Vương đã được vua Minh Mạng năm thứ hai mươi mốt trùng tu lần cuối cùng vào năm 1840. Phía bên ngoài lăng có đôi câu đối: "Xích quỷ sơ đồ xuất/ Hồng bàng vạn đại sương". Các nhà khảo cổ và văn hóa khi về đây nghiên cứu sắc phong và phần mộ cổ đều công nhận: "Đây là chốn linh thiêng bậc nhất được xếp vào loại miếu thờ đế vương các triều đại từ cổ xưa".

 

Cách khu mộ cổ chừng 300m hướng đi về phía trong làng Á Lữ là ngôi đền thờ Kinh DươngVương, Lạc Long Quân và Âu Cơ. Tại đây hàng năm từ ngày 12 - 24 tháng Giêng âm lịch thường diễn ra lễ hội nhân ngày giỗ Thủy tổ (18 tháng Giêng).

 

Á Lữ cổ xưa có tên gọi là làng Phúc Khang. Cũng có giai đoạn gọi là Trang Phúc Khang bao gồm hai làng: Phúc Thần (Á Lữ ngày nay) và Phú Thần (Phú Mỹ bây giờ). Làng Phú Mỹ nay thuộc xã Đình Tổ có đền thờ thành hoàng là Quảng Hóa Đại Vương, người con thứ 37 của Lạc Long Quân, cũng là cháu nội thứ 37 của Kinh Dương Vương. Chính sự liên quan này đã giúp hai làng gắn kết với nhau hơn qua lễ rước vào ngày giỗ Thuỷ tổ. Thông thường vào ngày Tết Nguyên tiêu, các cụ ở thôn Phú Mỹ xã Đình Tổ mang kiệu, long đình đến đền Kinh Dương Vương làm lễ rước bài vị ngày Thuỷ tổ về đình làng Phú Mỹ. Đây là một nghi lễ thể hiện đạo lý cháu đến vấn an ông nội và rước ông về thăm nơi cháu ngự.

 

Đáng chú ý nhất là lễ Phục Ruộc trước ngày chính giỗ khoảng 2 - 3 ngày. Phục Ruộc là lễ rước nước dòng sông về thờ Thánh trong ngày đại giỗ. Một đại diện trông coi đền Kinh Dương Vương cho biết: "Theo tích xưa, các cụ trong làng truyền lại: Khi Lạc Long Quân mang năm mươi người con theo mình về phương Nam dạy cho các con cách đóng bè chuối thành thuyền mà làm ăn sinh sống bằng nghề chài lưới. Chẳng ngờ gặp cơn hồng thủy, một số người con trai đi đánh cá đã không thể trở về. Lạc Long Quân xót lòng xuống biển tìm con và dặn lại những người con khác rằng: "Nếu thấy cha đi lâu không về mà trên trần gian có điều gì khó khăn nguy hiểm thì ra bờ sông mà đọc thần chú rằng: "Ô hô! Ô hô! Ô hô" (nghĩa là cha về cứu chúng con)". Sau này cứ trước ngày giỗ tổ Kinh Dương Vương, người dân lại bơi thuyền ra giữa dòng sông lấy nước về cúng lễ. Hành động đó có ý nghĩa cao quý như lời mời đức Thủy tổ về chứng kiến cuộc sống của nhân dân Á Lữ và nhân dân cả nước, phù hộ độ trì cho thiên hạ thái bình, vạn thọ".

 

Người được cử đi múc nước giữa dòng sông là người đã đứng vào hàng Giáp (từ 49 tuổi trở lên). Người này phải song toàn về mọi mặt, gia đình thuận hòa, vợ chồng hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, không có tang bụi hay làm điều gì tai tiếng ở làng xã. Một chiếc thuyền rồng có trang hoàng cờ, lọng rực rỡ sẽ được các thanh niên trai tráng trong làng chèo bằng tay ra giữa dòng sông. Người ta quan niệm nước giữa dòng là nguồn nước trong lành và tinh khiết nhất, không vẩn phù sa, không cặn đục. Dùng nước này để lễ thánh là rất thiêng liêng.

 

Người được cử múc nước cúng thánh sẽ hô thần chú: "Ô hô! Ô hô! Ô hô" ba lần rồi dùng gáo dừa nhỏ múc từng gáo đổ vào một cái chóe (chứa khoảng 20 lít nước). Khi chóe đầy, đoàn rước trang trọng đưa nước về đền Kinh Dương Vương để cúng và dùng cho các việc tế lễ trong suốt mấy ngày diễn ra lễ hội. Vật phẩm trong ngày giỗ tổ 18/1 là lợn đực và gà trống (gọi là Khiết Sinh). Không những vậy, các vật phẩm trong ngày lễ hội tụ đủ ngũ phẩm bao gồm: Gạo, nước, lửa, hương và hoa. Điều đặc biệt nữa là sự xuất hiện của ba mâm cá gỏi. Cá làm gỏi sạch sẽ, rửa bằng rượu và trộn nước lá thơm. Ba mâm cá mang ý nghĩa là vật phẩm của người con trai xuống biển đánh cá mang về dâng cha mẹ.

 

Sau ngày giỗ chính, số nước còn lại trong chóe sẽ được rước và đổ lại về dòng sông. Đó là lời cảm ơn của thế hệ con cháu rồng tiên với đức Thủy tổ có công khai mở đất nước.

 

Một số hình ảnh tại lễ hội:

 

 

 

Ông Nguyễn Duy Thăng – Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại Lễ hội

 

 

Đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương dự Lễ hội

 

 

 

Đại diện Trung tâm lưu trữ Quốc gia 4 trao tặng phiên bản Mộc bản triều Nguyễn về Vua Thủy tổ Kinh Dương Vương cho đại diện Sở Văn hóa, thể thao, du lịch tỉnh Bắc Ninh và  UBND huyện Thuận Thành

 

 

 

Khu Lăng mộ Kinh Dương Vương - Vua Thủy tổ Việt Nam

 

 

 

 

Quang cảnh Lễ hội Kinh Dương Vương

 

 

 

Lãnh đạo các bộ ngành tặng quà và chụp ảnh lưu niệm

 

Mai Hương

 


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang