Thứ Tư, 24/04/2024 19:56:46 GMT+7

Tin đăng lúc 21-05-2018

Lượt xem: 8454

Liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước

Suốt 30 năm qua, doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam, tạo thêm việc làm, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, mong muốn khi thu hút FDI sẽ tạo ra mối liên kết bền chặt, hỗ trợ khối DN trong nước cùng phát triển, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và nâng cao giá trị cho hàng hóa Việt Nam lại vẫn chưa đạt được.
Liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước
Ảnh minh họa

Liên kết yếu

 

Việt Nam chưa tận dụng được hết những lợi ích từ dòng vốn FDI. Sau 30 năm thu hút vốn FDI, một thực trạng phải thừa nhận là kết nối giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn mờ nhạt, hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động từ đối tác nước ngoài đến DN trong nước còn rất hạn chế. Sự liên kết yếu thể hiện trước hết ở tỷ lệ khoảng 80% số DN FDI là 100% vốn nước ngoài. Bên cạnh đó, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ có khoảng 14% số DN tư nhân trong nước đang có khách hàng là DN FDI hoạt động tại Việt Nam; chỉ khoảng 27% nguyên liệu, hàng hóa đầu vào của khối FDI được mua tại Việt Nam, trong đó một tỷ lệ đáng kể lại là mua từ chính các DN FDI khác. Ðặc biệt, các DN FDI sản xuất công nghệ cao, lĩnh vực được kỳ vọng đem lại tiến bộ vượt bậc cho DN trong nước cũng thường có xu hướng nhập hàng hóa đầu vào từ nước xuất xứ mà ít sử dụng nhà cung cấp trong nước. Nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Bùi Quang Vinh nhận định: Ðiều chúng ta mong muốn khi thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là sẽ tạo ra sự liên kết với DN trong nước, nhất là DN tư nhân để thúc đẩy khu vực này phát triển thông qua sản xuất, cung ứng những linh kiện, phụ kiện, sản phẩm phụ trợ cho sản phẩm chính, từ đó làm "đòn bẩy" phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước và từng bước tiếp nhận các công nghệ mới; chuyển dần từ liên doanh, hợp tác sản xuất sang làm chủ công nghệ và tự chủ trong sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam; tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm của DN Việt Nam. Nhưng rất tiếc là điều này chúng ta vẫn chưa làm được. Do đó, đây là vấn đề căn bản nhất mà chúng ta phải tìm cách khắc phục trong thời gian tới.

 

Siết chặt điều kiện đầu tư

 

Về giải pháp khắc phục hạn chế nêu trên, theo ông Bùi Quang Vinh, đã đến lúc chúng ta phải siết chặt lại những điều kiện, thủ tục về đầu tư nước ngoài để đạt được những mục tiêu đề ra. Phải có chế tài đủ mạnh để các DN FDI thực hiện được tỷ lệ nội địa hóa, liên doanh với các DN trong nước sản xuất linh kiện, phụ kiện; đưa ra các tiêu chí và biện pháp khuyến khích cũng như chế tài xử phạt những DN FDI không thực hiện đúng cam kết về tỷ lệ nội địa hóa. Mặt khác, theo các chuyên gia, một số hạn chế của DN trong nước liên quan tới ma-két-tinh hay thông tin kết nối cung cầu yếu, chưa đáp ứng những tiêu chuẩn về quản lý sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của các DN FDI tại Việt Nam cũng là những nguyên nhân chính khiến các DN này chưa kết nối được với khối FDI. Các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam mặc dù được đề cập nhiều nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra. Vì vậy, để tăng mức độ kết nối chặt chẽ giữa DN FDI và khu vực DN trong nước, cần cải thiện hiệu quả các hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Lực lượng lao động của các DN trong nước cần được trang bị những kiến thức tốt hơn để nắm bắt được công nghệ và quy trình quản trị mới. Ðể thực hiện điều này, cần vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong hàng loạt vấn đề như dành thêm nhiều nguồn lực đầu tư để cải thiện chất lượng đào tạo nghề, kết nối hoạt động đào tạo nghề với thực tiễn phát triển công nghệ, khuyến khích đầu tư trong nước và nước ngoài vào hoạt động đào tạo nghề,… Ngoài ra, cần có giải pháp đột phá để cải thiện và thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ giữa các DN trong nước và DN FDI, thông qua cung ứng dịch vụ tư vấn công nghệ, vận hành quỹ phát triển công nghệ, sử dụng các chính sách về thuế, tài chính để khuyến khích đầu tư công nghệ cao,... Song, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các DN trong nước cũng phải chủ động vươn lên, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chuẩn của DN FDI.

 

Trưởng Ban Pháp chế VCCI Ðậu Anh Tuấn kiến nghị: Một điều quan trọng nữa là phải tăng cường kết nối về mặt địa lý giữa DN FDI với DN trong nước. Thực tế cho thấy, việc hình thành các khu công nghiệp, khu chế xuất riêng biệt, chủ yếu tập trung các DN FDI có thể giúp nâng cao hiệu quả ngắn hạn của hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, điều này lại khiến cho những hiệu ứng lan tỏa tích cực đối với khu vực kinh tế tư nhân trong nước trở nên bị hạn chế. Một nghiên cứu của VCCI đã mô hình hóa vị trí địa lý đặt nhà máy của các DN FDI và DN tư nhân trong nước, từ đó chứng minh được rằng, khoảng cách địa lý ảnh hưởng lớn đến mức độ kết nối giữa hai khu vực này. Chính vì vậy, thời gian tới khi thiết kế các khu công nghiệp riêng dành cho khu vực FDI, cũng phải tính đến sự kết nối với các khu, cụm công nghiệp dành cho DN vừa và nhỏ trong nước.

 

Mối liên kết giữa DN FDI với DN trong nước còn rất yếu, hay nói cách khác là chưa có tác động lan tỏa của khu vực DN FDI vào khu vực DN trong nước. Các DN Việt Nam chưa tham gia được chuỗi cung ứng của các DN FDI. Rõ ràng, việc thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa mang lại kết quả như mong muốn.

TS Phan Hữu Thắng

Nguyên Cục trưởng Cục Ðầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư

 

Theo báo Nhân dân


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang