Thứ Năm, 25/04/2024 06:57:06 GMT+7

Tin đăng lúc 13-01-2017

Lượt xem: 2502

Liên kết Hà Giang – Tuyên Quang: Cơ hội phát triển mới

“Việc tổ chức triển khai liên kết giữa 2 tỉnh Hà Giang – Tuyên với 5 nhóm lĩnh vực hợp tác: Du lịch; Nguồn nhân lực; Công Thương; Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Giao thông vận tải là một trong những minh chứng rất cụ thể cho tinh thần chủ động, sáng tạo của 2 tỉnh”.
Liên kết Hà Giang – Tuyên Quang: Cơ hội phát triển mới
Lễ ký kết chương trình hợp tác, liên kết giữa tỉnh Hà Giang và tình Tuyên Quang.

Đây là phát biểu của ông Nguyễn Văn Bình – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc tại Lễ ký kết chương trình hợp tác, liên kết giữa tỉnh Hà Giang và tình Tuyên Quang vào ngày 12/1/2017.

 

Trên tinh thần hợp tác và truyền thống quan hệ giữa tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang, tại thành phố Tuyên Quang, Đoàn đại biểu tỉnh Tuyên Quang, do ông Chẩu Văn Lâm – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang làm Trưởng đoàn và Đoàn đại biểu tỉnh Hà Giang, do ông Triệu Tài Vinh – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang làm Trưởng đoàn đã thảo luận, thống nhất ký kết Chương trình hợp tác giữa hai tỉnh.

 

Sau khi nghe báo cáo sơ bộ về tình hình kinh tế – xã hội năm 2016 của tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, các ý kiến và nội dung thảo luận của các đại biểu, ông Nguyễn Văn Bình đã phát biểu, ghi nhận những kết quả đạt được của hai tỉnh: Tuyên Quang và Hà Giang là 2 tỉnh thuộc vùng Tây Bắc có lịch sử lâu đời và giàu truyền thống cách mạng. Giữa 2 tỉnh có quan hệ đặc biệt gắn bó chặt chẽ với nhau (trong giai đoạn 1975-1991, hai tỉnh được sáp nhập lại thành tỉnh Hà Tuyên).

 

Với đặc thù là hai tỉnh miền núi phía Bắc còn nhiều khó khăn song trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, nhất là trong 5 năm gần đây, hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang đã có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế – xã hội. Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm của Hà Giang là 6,45%, Tuyên Quang là 7,8%; cơ cấu kinh tế dịch chuyển đúng hướng.

 

Năm 2016 vừa qua, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước song hai tỉnh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, an ninh chính trị được giữ vững, an sinh xã hội được đảm bảo.

 

Bên cạnh sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương, theo ông Nguyễn Văn Bình, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là lãnh đạo hai tỉnh đã có sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nỗ lực vượt khó khăn với phương châm “trong cái khó, ló cái khôn”. “Việc tổ chức triển khai liên kết giữa 2 tỉnh tổ chức ngày hôm nay với 5 nhóm lĩnh vực hợp tác: Phát triển du lịch; Phát triển nguồn nhân lực; Công thương; Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Giao thông vận tải là một trong những minh chứng rất cụ thể cho tinh thần chủ động, sáng tạo của hai tỉnh”. – ông Bình nói.

 

Tuy nhiên, để triển khai thành công Chương trình liên kết, hợp tác giữa hai tỉnh, ông Nguyễn Văn Bình đã lưu ý hai tỉnh:

 

Thứ nhất, cần cụ thể hóa thành các nội dung hợp tác với các Đề án rất cụ thể, bước đầu có thể là các Đề án thí điểm. Cần tuyệt đối tránh việc tổ chức liên kết mang tính hình thức, phong trào.

 

Hà Giang đã có Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020, tầm nhin 2030; Tuyên Quang đã có điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020, bổ sung đến năm quy hoạch đến năm 2030. Do đó, trên cơ sở các quy hoạch này cùng với các quy hoạch của các tỉnh lân cận vùng Tây Bắc, hai tỉnh cần nghiên cứu kỹ để đề xuất, cụ thể hóa các nội dung hợp tác trên cơ sở 5 lĩnh vực đã nêu trong Chương trình ký kết.

 

Nội dung hợp tác cần có tầm nhìn rộng vượt ra khỏi địa giới hành chính của 2 tỉnh, đón đầu xu thế tất yếu các địa phương vùng Tây Bắc phải có sự liên kết để cùng phát triển trong thời gian tới, tránh manh mún, lợi ích cục bộ như hiện nay.

 

Trước hết và quan trọng nhất là cần hợp tác trong xây dựng, điều chỉnh quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, lĩnh vực và hợp tác trong xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm. Sau đó là hợp tác trong phát triển sản xuất, đầu tư kết cấu hạ tầng, hệ thống thông tin, giáo dục – đào tạo.

 

Thứ hai, cần tính toán kỹ các nguồn lực, đặc biệt nguồn lực về tài chính. Lưu ý, cần thực hiện thứ tự ưu tiên các chương trình, dự án liên kết, bảo đảm phù hợp với nguồn lực và điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội của Vùng và từng địa phương.

 

Trong điều kiện ngân sách cho đầu tư công hạn chế, việc liên kết cần chú trọng thiết lập cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia thực hiện quy hoạch, kế hoạch; phát huy vai trò liên kết công tư; huy động sự tham gia, phối hợp của các tổ chức hỗ trợ phát triển quốc tế về các chương trình, dự án liên kết trên địa bàn.

 

Thứ ba, cần xây dựng Quy chế thí điểm liên kết; có cơ chế đánh giá, kiểm tra, giám sát việc tổ chức liên kết; thực hiện phân công, phân nhiệm, phối hợp rõ ràng. Nên thành lập một Ban chỉ đạo và có Nghị quyết liên tỉnh, coi việc đó là việc của hai tỉnh. Ban Kinh tế sẽ giới thiệu một số mô hình để hai tỉnh nghiên cứu, tham khảo và lựa chọn cho mình mô hình phù hợp.

 

Thứ tư, cần phối hợp để vận động sự ủng hộ của Trung ương, các bộ, ngành, các tổ chức hỗ trợ phát triển quốc tế đối với các nội dung hợp tác, liên kết giữa 2 tỉnh.

 

Thứ năm, cần tổ chức tốt công tác truyền thông về các nội dung hợp tác liên kết để tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân của 2 tỉnh. Là 2 tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc, với văn hóa đa dạng, cần đặc biệt lưu ý yếu tố “sức mạnh mềm của văn hóa” trong xây dựng các nội dung liên kết cũng như trong vận động, tuyên truyền khi triển khai.

 

Hai tỉnh cần có cơ chế chỉ đạo sát sao để biến hợp tác thành hiện thực, tránh tình trạng liên kết hình thức; các nội dung công việc cần hướng tới chất lượng không tham số lượng. Nếu kết quả hợp tác liên kết giữa hai tỉnh thành công sẽ nhân rộng mô hình ra cho khu vực Tây Bắc và cho cả nước.

 

Ghi nhận một số kiến nghị của hai tỉnh, ông Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ có những chương trình làm việc với các bộ, ngành liên quan để tìm ra hướng giải quyết phù hợp và hiệu quả nhất.

 

Đồng thời, Nhân Hội nghị này, ông Nguyễn Văn Bình cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì, phối hợp Ban Kinh tế Trung ương và các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương có liên quan (trực tiếp là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm liên kết giữa một số tỉnh thuộc Tây Bắc sớm xây dựng Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Bắc giai đoạn 2017-2020 trình Thủ tướng Chính phủ (hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế – xã hội vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020 tại Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 6 tháng 4 năm 2016). Đồng thời, đề nghị Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Chương trình Khoa học và công nghệ cấp quốc gia vùng Tây Bắc tổ chức nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cho phát triển liên kết vùng Tây Bắc trong thời gian tới.

 

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Tuyên Quang, đồng Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã thăm và trồng cây lưu niệm ở Khu di tích lịch sử Tân Trào, thăm và tặng quà một số gia đình chính sách có công nuôi cán bộ cách mạng.

 

Nguồn Enternews.vn


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang