Thứ Ba, 16/04/2024 22:29:02 GMT+7

Tin đăng lúc 11-08-2022

Lượt xem: 771

Liên kết Thanh - Nghệ - Tĩnh

Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có hàng năm có nhiều cải thiện, năm 2021, Hà Tĩnh xếp thứ 27, Nghệ An xếp thứ 30, Thanh Hóa xếp thứ 43/63 tỉnh, thành cả nước.
Liên kết Thanh - Nghệ - Tĩnh
Đường Hồ Chí Minh là trục giao thông quan trọng góp phần kết nối khu vực phía Tây Tây Bắc nước ta, các tỉnh Trung - Thượng Lào và Đông Bắc Thái Lan

Việc liên kết để khai thác thế mạnh, hạn chế những điểm yếu, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển chung đang trở nên hiện hữu đối với 3 tỉnh Thanh Hoá - Nghệ An – Hà Tĩnh (Thanh - Nghệ - Tĩnh).

 

Mới đây, tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm và hợp tác phát triển, lãnh đạo 3 tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Tĩnh thống nhất quan điểm cần phải liên kết, hợp tác mạnh mẽ hơn nữa để phát huy hiệu quả các lợi thế của mỗi địa phương.

 

Tìm kiếm cơ hội hợp tác

 

Với lợi thế, cả 3 tỉnh nằm ở vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Duyên hải miền Trung và cả nước. Tổng diện tích tự nhiên trên 33.000 km2, chiếm 10,1% diện tích cả nước; quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP theo giá hiện hành) năm 2021 khoảng 459,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,5% GDP cả nước.

 

Đặc biệt cả 3 tỉnh có thị trường tiêu dùng rộng lớn, nguồn lực lao động dồi dào với dân số trên 8,5 triệu người.
Đây còn là cầu nối quan trọng giữa Bắc Bộ với Duyên hải Trung Bộ và là cửa ngõ thông thương ra biển gần nhất của khu vực phía Tây Tây Bắc nước ta, các tỉnh Trung - Thượng Lào và Đông Bắc Thái Lan.

 

Với hệ thống giao thông thuận lợi, có đầy đủ các loại hình và các trục giao thông quan trọng của quốc gia đi qua Thanh - Nghệ - Tĩnh là một trong số ít các tỉnh hội tụ đủ cả 3 vùng địa lý (trung du, miền núi; đồng bằng và vùng ven biển). Với nguồn tài nguyên đa dạng là điều kiện phát triển đa ngành, đa lĩnh vực trong cả nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; có điều kiện để liên kết, phát triển thành mạng lưới các ngành sản xuất quy mô lớn, cung cấp hàng hóa cho cả nước và hướng tới xuất khẩu; nổi trội về kinh tế biển, kinh tế rừng và di sản văn hóa - lịch sử thuận lợi phát triển du lịch.

 

Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa bày tỏ quan điểm: “Thực tiễn cho thấy, việc thiếu liên kết, phối hợp giữa các địa phương sẽ tiềm ẩn nguy cơ phát sinh vấn đề “xung đột lợi ích”, chưa xem xét việc phối hợp trong lợi ích tổng thể chung, mà cát cứ, cục bộ “mạnh ai nấy làm” nên xảy ra tình trạng thiếu liên kết, hợp tác, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau phát triển kinh tế, không khai thác, phát huy hết được các tiềm năng, lợi thế các địa phương. Do đó, cần có cách tiếp cận và giải quyết thông qua hành động tập thể, có sự thống nhất nhận thức chung, mục tiêu chung, từ đó chủ động trong hợp tác, liên kết theo phương châm “muốn đi nhanh và đi xa thì hãy đi cùng nhau”.

 

Dù có điều kiện tự nhiên, tiềm năng, thế mạnh khá tương đồng nhau trên nhiều lĩnh vực nhưng thời gian qua, sự phối hợp giữa các địa phương còn chưa toàn diện và thường xuyên. Do đó, chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp, hiệu quả trong giải quyết những vấn đề chủ yếu của liên kết vùng, nhất là trong việc phối hợp và phân công hợp tác phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh của từng tỉnh và của vùng.

 

Năng lực, sức cạnh tranh của từng tỉnh vẫn còn thấp, chưa có nhiều nguồn lực để tổ chức thực hiện các chương trình, đề án liên kết. Đồng thời, chưa có cơ chế điều tiết lợi ích được tạo ra từ liên kết, điều tiết các nguồn lực phân bổ cho các dự án.

 

Liên kết để cùng phát triển

 

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đề nghị, 3 địa phương cần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm có thế mạnh là du lịch biển, du lịch sinh thái và du lịch di sản, tiến tới hình thành các cụm du lịch giữa các địa phương với các sản phẩm du lịch đặc trưng. Qua đó, mỗi tỉnh cần tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong công tác quy hoạch, quản lý nhà nước về du lịch. Thúc đẩy liên kết, hợp tác trong đào tạo và tuyển dụng nguồn nhân lực du lịch trong vùng, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

Ngoài ra, hoạt động liên kết vùng giữa 3 tỉnh có thể được quan tâm và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, Thanh – Nghệ - Tĩnh có thế mạnh liên kết phát triển ngành công nghiệp sản xuất xi măng, sắt, thép, nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành, tạo thương hiệu sản phẩm để cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường với các sản phẩm tại các vùng, địa phương khác.

 

Trong phát triển thương mại, 3 tỉnh tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung, cầu để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. Với thế mạnh về kinh tế biển, cần thực hiện liên kết để thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động, thu hút đầu tư và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm phát huy thế mạnh về cảng biển và khai thác thủy, hải sản.

 

Ngoài ra, các tỉnh cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ kết nối 3 tỉnh và các địa phương lân cận, tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, rút ngắn thời gian di chuyển giữa 3 tỉnh và tạo liên kết chặt chẽ với các địa phương khác trong khu vực và cả nước, nhất là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung.

 

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho rằng, cùng với việc tăng sản phẩm xuất khẩu cần khai thác tiềm năng nội địa của 3 tỉnh; tăng cường phối hợp thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng phía Tây, gắn với đường Hồ Chí Minh. Về du lịch cần phát huy tốt phương châm “Ba địa phương - một điểm đến - nhiều trải nghiệm”.

 

Theo Diendandoanhnghiep.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang