Thứ Ba, 16/04/2024 12:59:40 GMT+7

Tin đăng lúc 25-12-2016

Lượt xem: 2559

Liên kết vùng dự án cung cấp sản phẩm an toàn cho TP. Hồ Chí Minh

Là chủ đề của hội thảo diễn ra ngày 24/12 tại TP. Hồ Chí Minh, do Ban quản lý Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) tổ chức. Hội thảo nhằm tạo diễn đàn cho cơ quan quản lý nhà nước hoạch định chính sách, đồng thời giúp các đơn vị sản xuất chăn nuôi nắm rõ thực trạng cung cấp các sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng để từ đó có những giải pháp phù hợp, hiệu quả trong tương lai.
Liên kết vùng dự án cung cấp sản phẩm an toàn cho TP. Hồ Chí Minh
Sản phẩm nông sản nông sản do các hộ dân thuộc Dự án Lifsap sản xuất được bán tại Cửa hàng thịt sạch của Công ty TNHH dịch vụ An Hạ tại TP. Hồ Chí Minh

Là địa phương thực hiện Dự án Lifsap, đại diện Sở NN&PTNT TP. Hồ Chí Minh - cho biết, mục tiêu ban đầu của Dự án Lifsap TP. Hồ Chí Minh là thành lập 2 vùng GAHP với 1.000 hộ nông dân tham gia, hỗ trợ xây lắp 1.000 hầm biogas và nâng cấp 40 chợ thực phẩm tươi sống.

 

Với mục tiêu trên, từ năm 2010-2016, thành phố đã chọn được 2 vùng thực hành chăn nuôi tốt (GAHP) thuộc huyện Củ Chi và Hóc Môn. Kết quả, đã thực hiện quy trình chăn nuôi tốt GAHP với 744 hộ được chứng nhận VietGAP và tổng số 61.809 con, cung cấp ra thị trường thành phố hơn 24.640 kg thịt heo/ngày.

 

Trong chương trình này, Sở NN&PTNT thành phố đã phối hợp với Công ty TNHH dịch vụ An Hạ tiến hành thu mua sản phẩm thịt heo được cấp chứng nhận VietGAP cung cấp cho quầy bán thịt heo sạch tại các chợ truyền thống đã được dự án Lifsap đầu tư cung cấp.

 

Ngoài ra, trong giai đoạn này, thành phố đã thực hiện bấm 88.734 thẻ tai để truy suất nguồn gốc vật nuôi tại Củ Chi và Hóc Môn; đồng thời lắp đặt được 844 hầm biogas cho các hộ dân tại hai huyện này.

 

Ông Phạm Quốc Hùng, Phó Giám đốc Dự án Lifsap Lâm Đồng - cho hay, sau 7 năm thực hiện Lifsap, Lâm Đồng có 57 nhóm GAHP chăn nuôi heo với hơn 1.100 hộ tham gia ở 4 địa phương. Trong đó, chỉ riêng năm 2016, dự án đã tiến hành xây dựng 5 chợ thực phẩm tươi sống nâng tổng số chợ thuộc dự án lên 31. Việc xây dựng, cải tạo chợ thực phẩm tươi sống vùng nông thôn giúp cho việc quy hoạch quầy sạp bá thịt đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Hùng cho rằng hạn chế lớn hiện nay trong hoat động của tổ hợp tác chăn nuôi GAHP Lâm Đồng là chưa giải quyết được đầu ra cho sản phẩm. Việc cấp chứng nhận GAHP đã thực hiện nhưng chưa kết nối nơi bán làm ảnh hưởng không nhỏ cho người sản xuất cũng như tâm lý người chăn nuôi theo quy trình.

 

Liên quan đến đầu ra cho sản phẩm, ông Nguyễn Quốc Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Hồ Chí Minh - cho biết, TP. Hồ Chí Minh là địa phương có dân số đông với hơn 10 triệu người, do đó bình quân mỗi ngày tiêu thụ khối lượng lớn các loại thực phẩm từ thủy hải sản, thịt gia súc gia cầm cho tới các loại nông sản.

 

Để có thực phẩm sạch, an toàn trong nhiều năm nay thành phố đã tổ chức sản xuất an toàn cho người nông dân, cấp giấy chứng nhận cho các HTX, cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn. Tuy nhiên tới nay, khả năng cung ứng của thành phố vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cho người dân trên địa bàn. Cụ thể, thành phố mới chỉ tự túc được khoảng 8% nhu cầu gạo, trên 37% nhu cầu rau, 24% nhu cầu cá tôm và 17% nhu cầu thịt; số còn lại vẫn phải nhập từ các tỉnh, thành phố lân cận.

 

Cũng bởi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của TP. Hồ Chí Minh lớn nên ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT- Giám đốc dự án Lifsap Đồng Nai cho rằng, trước khi hội nhập với thế giới các hộ nuôi trồng hãy hội nhập với TP. Hồ Chí Minh.

 

Trên thực tế, các địa phương như Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An… hàng năm vẫn đang cung cấp số lượng lớn thực phẩm từ rau, trái cây, thịt gia súc gia cầm cho TP. Hồ Chí Minh. Do đó, ông Hùng cho biết, trong định hướng phát triển Sở NN&PTNT Lâm Đồng sẽ tiếp tục bàn với Sở NN&PTNT Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh liên kết để hợp tác giải quyết đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ các tổ hợp tác của dự án nâng cao ý thức chăn nuôi, tăng đàn, đảm bảo chất lượng và xét cấp chứng nhận đạt chuẩn dự án nhằm khẳng định thương hiệu, thuận lợi trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm.

 

Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và ATTP (Lifsap) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ với tổng số vốn 79,03 triệu USD, được thực hiện trên 12 tỉnh, thành phố. Mục tiêu chính của Dự án nhằm hướng đến tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo định hướng của Chính phủ Việt Nam, nâng cao hiệu quả sản xuất của người chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình, giảm thiểu tác động môi trường của hoạt động chăn nuôi; hỗ trợ đào tạo hộ chăn nuôi theo quy trình hộ chăn nuôi an toàn… từ đó từng bước đảm bảo bữa ăn sạch đến các gia đình.

 

Nguồn Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang