Thứ Năm, 28/03/2024 20:01:15 GMT+7

Tin đăng lúc 26-09-2020

Lượt xem: 1188

Liệu doanh nghiệp dệt may có thể trụ vững và vượt qua khó khăn do đại dịch?

Từ đầu năm đến nay, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành kinh tế cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có Dệt May. Nếu dịch bệnh không sớm được kiểm soát và các giải pháp hỗ trợ không được đẩy nhanh, nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may sẽ không thể tiếp tục chống đỡ, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.
Liệu doanh nghiệp dệt may có thể trụ vững và vượt qua khó khăn do đại dịch?
Sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế đang là cứu cánh cho các DN dệt may

Những tháng cuối năm sẽ là thử thách đối với ngành Dệt May

 

Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì lực lượng lao động, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn ra trên khắp thế giới đã khiến tổng cầu giảm mạnh, đầu ra của sản phẩm gần như bị đóng băng, do vậy, hầu hết các DN dệt may trong nước hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.

 

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu dệt may tính chung 8 tháng năm 2020 đạt 19,2 tỷ USD,  giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Sự suy giảm này diễn ra tại tất cả các thị trường xuất khẩu lớn của ngành Dệt May Việt Nam. Cụ thể, tại thị trường Mỹ giảm gần 10%, Nhật Bản giảm 4%, Hàn Quốc giảm 9% và Trung Quốc giảm gần 21%. Nếu như hết quý I/2020, kim ngạch xuất khẩu mới giảm 2% thì riêng quý II đã giảm tới 26% so với cùng kỳ năm ngoái, thế nhưng với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, nhu cầu tiêu dùng dệt may giảm mạnh thì quý III và quý IV mới thực sự là thử thách đối với ngành Dệt May VN. Bởi hiện tại hầu hết các DN đều trong trạng thái thiếu đơn hàng và đang phải gồng mình lo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động (NLĐ).

 

 

Người lao động làm việc tại Trung tâm phát triển sản phẩm Phong Phú

 

Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, chưa thấy dấu hiệu khởi sắc và có thể kéo dài đến năm 2021, do đó, các DN chỉ có thể duy trì sản xuất cầm chừng và đợi chờ tín hiệu thị trường. Nếu tình trạng này không sớm được cải thiện, việc mất lao động là điều hoàn toàn có thể xảy ra, thậm chí, sẽ có khoảng 60 - 70% DN vừa và siêu nhỏ đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản. Nhiều DN dệt may chỉ phấn đấu đạt mục tiêu đủ việc làm trong năm nay là đã thành công, chưa dám đặt vấn đề về lợi nhuận, trong đó, giữ chân NLĐ luôn được các DN ưu tiên hàng đầu.

 

Chuyển đổi sản xuất để tồn tại

 

Trước thực tế trên, xoay chiều thị trường là hướng đi mà nhiều DN dệt may trong nước đang triển khai. Hiệp hội Dệt May VN cho biết, nhiều DN dệt may đã chuyển sang sản xuất đơn hàng phục vụ thị trường nội địa. Những sản phẩm chính chủ yếu là khẩu trang, đồ bảo hộ lao động, y tế… Dự đoán, từ nay đến cuối năm, mức tiêu thụ nội địa hàng may mặc tăng khoảng 5%, tương đương khoảng 200-250 triệu USD.

 

Theo ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May VN (Vinatex), để vượt khó, DN vừa phải chủ động điều tiết sản xuất, đồng thời phải linh hoạt điều chỉnh các đơn hàng sản xuất, nhằm đáp ứng tình hình trong bối cảnh mới. Trong đó, tận dụng hiệu quả các nguồn lực, đi vào phát triển thị trường ngách, nhận những đơn hàng tương đối đặc biệt là đơn hàng nhỏ, khó, đòi hỏi kỹ thuật cao,... “Hiện nay chúng tôi chấp nhận triển khai mô hình sản xuất tất cả các loại mặt hàng mà mình có thể làm được để đảm bảo việc làm và thu nhập cho NLĐ”, ông Trường cho biết thêm.

 

Chung quan điểm, Chủ tịch HÐQT Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương cho rằng, trong khó khăn, các DN phải liên kết với nhau; nhận đơn hàng giá rẻ, tranh thủ về giá để tăng lượng mua hàng; tranh thủ thời gian dịch bệnh để đào tạo, nâng cao tay nghề người lao động để vượt qua khó khăn.

 

DN cần sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ

 

Với kịch bản dịch bệnh kéo dài hết năm 2020, dự báo xuất khẩu dệt may của VN 6 tháng cuối năm tiếp tục giảm từ 14-18% so với cùng kỳ khiến tổng kim ngạch xuất khẩu 2020 ước đạt 32,75 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

 

Các DN dệt may đang gồng mình lo việc làm và thu nhập cho NLĐ

 

Trước thực tế trên, để ngành Dệt May trong nước có thể trụ vững và vượt qua khó khăn, các DN dệt may mong muốn Nhà nước có những chính sách trúng và kịp thời để hỗ trợ DN.

 

Ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Vinatex đề xuất, trong thời gian này Nhà nước cho phép hoãn nộp BHXH, BHTN, phí công đoàn cho tất cả NLĐ có sổ BHXH. Bởi hiện nay, các DN dệt may phải chi tới 34% quỹ lương cho tất cả các khoản trên. Nếu giảm được khoản này thì DN sẽ có khoản chi phí để duy trì nguồn thu nhập cho NLĐ, qua đó, tạo sự yên tâm cho cả DN và NLĐ để tất cả cùng chung tay với nhau vượt qua thách thức.

 

Còn Tổng giám đốc May 10 Thân Đức Việt thì đề xuất Chính phủ hỗ trợ DN hoặc gián tiếp thông qua các DN có những gói hỗ trợ đến tay NLĐ của các DN đang gặp khó khăn. Đặc biệt, trong các DN này thì có thể phân loại những DN cần hỗ trợ ngay và những DN cần hỗ trợ theo tỷ lệ...

 

Chủ tịch HÐQT Hugaco Nguyễn Xuân Dương mong muốn Chính phủ sớm đồng ý triển khai kiến nghị của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là tăng tiền đào tạo cho NLĐ từ 1 triệu lên 3 triệu đồng/người/tháng để góp phần hỗ trợ các DN chủ động khâu đào tạo. Bởi vì, khâu gia công phụ thuộc rất lớn vào tay nghề người lao động, nếu được đào tạo tốt, năng suất sẽ được cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ðồng thời, miễn tiền nộp BHXH, kinh phí công đoàn trong năm nay và trong giai đoạn sắp tới. Về phần mình, DN cần nhanh chóng tìm kiếm đơn hàng, giảm bớt cầu trung gian nhằm gia tăng giá trị sản phẩm,...

 

Có thể thấy, ngành Dệt May VN đang đứng trước thử thách rất lớn. Liệu các DN dệt may có thể trụ vững và vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra? Để làm được điều này, ngay từ bây giờ, các DN cần thắt chặt chi tiêu, quản trị chi phí sản xuất chặt chẽ hơn, giữ vững chất lượng sản phẩm, bố trí lại lực lượng sản xuất, làm tốt công tác chống dịch, cần chuyển đổi nhanh cơ cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh như các mặt hàng bảo hộ, sản phẩm phục vụ ngành Y tế… nhằm duy trì việc làm và thu nhập cho NLĐ để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này./.

 

Minh Vũ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang