Thứ Bẩy, 20/04/2024 15:16:23 GMT+7

Tin đăng lúc 03-11-2016

Lượt xem: 2952

Lính truyền tải trên mặt trận Tây Nam

Tôi không hiểu từ khi nào người công nhân Truyền tải điện được gọi với cái tên trìu mến “lính Truyền tải”. Có lẽ, do đặc thù công việc, họ luôn phải đối mặt với khó khăn, với sự khắc nghiệt về thời tiết, luôn phải nghiêm ngặt trong công tác vận hành lưới điện truyền tải, bởi “sai một ly” là khó có thể lường hết hậu quả.
Lính truyền tải trên mặt trận Tây Nam

Công việc thì vất vả, nặng nhọc nhưng nghề đường dây lại rất kén người, không ngoa khi nói “tuyển công nhân như tuyển lính”. Muốn vào nghề, ngoài có chuyên môn về điện là phải có sức khỏe tốt. Tôi mang theo những ấn tượng như thế về người lính truyền tải đi về phía mặt trận Tây Nam giữa mùa nước nổi…

Hàng năm, cứ vào tầm tháng 7- 8 âm lịch, con nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về những vùng quê đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh Đồng Tháp, An Giang- khu vực vùng Tứ Giác Long Xuyên tạo nên vùng nước nổi đặc trưng của miền Tây. Mùa nước nổi, trên những cánh đồng được phủ một biển nước mênh mông, mang lại cho người dân miền Tây một mùa bội thu cá tôm, nhưng với những người vận hành lưới điện truyền tải thì lại bước vào một mùa với vô vàn khó khăn trong công tác kiểm tra an toàn hành lang lưới điện, bởi nước lên cao có khi làm ngập chân cột điện đến 2-3m.

Truyền tải điện miền Tây phụ trách địa bàn rộng lớn với đường dây 220kV và 500kV đi qua 10 tỉnh, thành phố. Để tránh xảy ra sự cố, đội truyền tải các tỉnh miền Tây phải thường xuyên đi kiểm tra. Riêng tại các điểm nóng, có cán bộ túc trực nhằm tránh xảy ra sự cố, đảm bảo cung ứng điện an toàn cho toàn miền Tây - khu vực có nhu cầu về điện lớn nhất cả nước. Ngoài việc củng cố lưới điện, Truyền tải điện miền Tây thực hiện có hiệu quả công tác dân vận và xây dựng mối liên hệ chặt chẽ với các địa phương nơi có đường dây đi qua. 

Lưới điện miền Tây chịu ảnh hưởng của chu kỳ ngập lũ trong khoảng từ tháng 08 đến tháng 11 hàng năm. Đây là khoảng thời gian nhạy cảm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, do đó, để giữ an toàn lưới điện, các đơn vị luôn tích cực chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án PCLB. Các đội đường dây, trạm biến áp kiểm tra rà soát vật tư phương tiện PCLB, luôn ứng trực trong tư thế sẵn sàng xử lý sự cố. Ngoài ra, trong mùa nước nổi, đơn vị còn rất chú ý tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân sinh sống trong vùng ngập nước nâng cao ý thức chấp hành các quy định bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Kết quả, 9 tháng đầu năm 2016, Truyền tải điện miền Tây chưa để xảy ra sự cố hành lang đường dây 220kV, 500kV. 
 

Để đạt được kết quả trên, trước hết là do ý thức của những người làm công tác truyền tải trong công tác kiểm tra, quản lý hành lang đường dây miền Tây. Sau vụ sự cố nổi đình nổi đám cách đây vài năm làm “rã lưới” mất điện hơn 20 tỉnh phía Nam chỉ do sơ ý của người lái xe cẩu, để cây va vào đường dây 500kV, Ban Giám đốc Công ty Truyền tải điện 4 đã đưa ra tiêu chí: Sự cố hành lang đường dây không được xem như là sự cố khách quan. 

Do vậy, 3 năm trở lại đây, cũng như các đơn vị Truyền tải khác (thuộc Công ty Truyền tải điện 4), Truyền tải điện miền Tây tổ chức tuyên truyền, bồi thường chặt hạ cây có nguy cơ gây sự cố, lắp biển cảnh báo an toàn điện và Panô tại các vị trí đường dây đi gần khu vực dân cư, vườn trồng cây, vượt đường bộ, kênh nội đồng, dự án hoặc công trình xây dựng gần đường dây…; thường xuyên kiểm tra, thống kê các vị trí công trình, dự án thi công trong và gần hành lang đường dây, tổ chức phân công nhiệm vụ CBCNV thực hiện kiểm tra, hướng dẫn an toàn điện, lập biển bản hiện trường; hướng dẫn người dân lập Biên bản làm việc, Bản Cam kết bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp nhằm gắn trách nhiệm, ý thức của người dân không vi phạm và bảo vệ hành lang đường dây.

 


Các cơn mưa đầu mùa năm 2016 kèm theo hiện tượng thời tiết nguy hiểm như sấm sét, lốc xoáy, gió giật mạnh. Tuy nhiên, lưới điện truyền tải miền Tây cũng như lưới điện do PTC4 quản lý chưa xảy ra sự cố đường dây hoặc sự cố trạm biến áp do bị ngập úng là do tất cả các đơn vị Truyền tải đã tổ chức tổng kiểm tra kỹ thuật lưới điện trước mùa mưa bão, kịp thời phát hiện những tồn tại thiếu sót, dự trù vật tư dự phòng và đưa ra biện pháp, tiến độ xử lý; diễn tập tình huống theo Phương án PCTT&TKCN, công tác diễn tập dựng trụ KEMA hoặc dựng trụ thép ống, công tác diễn tập tình huống chống ngập úng trạm 500kV Phú Lâm, 500kV Nhà Bè, 500kV Ô Môn, 220kV Hóc Môn, 220kV Cát Lái, 220kV Thuận An, 220kV Trà Nóc đã được PTC4 và các Truyền tải điện tổ chức diễn tập xong trước mùa mưa bão.

Năm nay, miền Tây không có lũ. Không có phù sa bồi đắp, những người lính vận hành đường dây truyền tải lại lo đồng bằng sẽ bị lún sụp, sạt lở ảnh hưởng tới móng cột điện. Không lo sao được khi phải đảm nhận nhiệm vụ cung cấp điện, an toàn, ổn định và liên tục cho khu vực kinh tế trong điểm phía Nam- nơi đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước, với tốc độ tăng trưởng phụ tải liên tục ở mức cao nhất so với các vùng miền khác. PTC4 đã tập trung vào việc tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý vận hành, quản lý kỹ thuật, kịp thời phát hiện các bất thường và xử lý triệt để nhằm ngăn ngừa sự cố. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong vận hành, không để xảy ra sự cố chủ quan, chú trọng nâng cao chất lượng công tác trong công trình đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên. 

Công ty đã chủ động bằng nhiều giải pháp kỹ thuật và tuyên truyền trong nhân dân bảo đảm an toàn hành lang an toàn lưới điện bằng nhiều giải pháp hữu hiệu như: tổ chức các đợt tuyên truyền trực tiếp giải thích cho nhân dân, các chương trình văn nghệ, dùng các xe cổ động tuyên truyền, các chương trình thanh niên với người dân sống dọc hành lang đường dây, phát vở cho học sinh có in nội dung tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới điện,… Được sự đồng tình và hưởng ứng trong nhân dân, công ty cũng đã tổ chức ký kết quy chế phối hợp bảo vệ an toàn lưới điện với công an các tỉnh và thành phố. Kết quả đạt được là không để xảy ra cháy trong và ngoài hành lang an toàn lưới điện gây sự cố đường dây, không có các vụ việc vi phạm hành lang an toàn lưới điện gây sự cố do cây cối, xây nhà, tàu thuyền, xe cẩu,… Với những biện pháp này đã giúp cho hệ thống điện miền Nam vận hành ổn định, an toàn.

Mỗi khi về Miền Tây, ngắm những cụm Lục bình, tôi luôn liên tưởng tới những người lính truyền tải miền Tây. Họ giống Lục Bình, trôi theo con nước, cứ từng cụm, từng cụm. Có những khi sóng đánh mạnh khiến chúng tan ra thành từng nhánh, trôi lẻ loi một mình trong âm thầm lặng lẽ. Nhưng dù là đơn lẻ hay thành đám đi chăng nữa thì lục bình vẫn là lục bình, người lính truyền tải ở trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn giữ nguyên bản lĩnh của người lĩnh truyền tải - có một đời sống và một sức chịu đựng, mạnh mẽ vô tận. Dẫu nổi nênh, gió giông mưa nắng, vất vả lo toan, họ vẫn thủy chung cùng đường dây với tình người lính truyền tải chân chất ấm nồng - như lục bình hoài tím mênh mang.../

Theo Hanoimoi


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang