Thứ Năm, 18/04/2024 19:04:11 GMT+7

Tin đăng lúc 28-07-2020

Lượt xem: 1923

Lợi ích từ việc lắp đặt điện mặt trời tại các trường học

Nhận thấy những lợi ích từ việc tiết kiệm năng lượng, nhiều trường học hiện nay đã lắp đặt và sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời. Ngoài việc giảm thiểu chi phí tiêu thụ điện năng, sử dụng điện mặt trời còn góp phần nâng cao nhận thức, giáo dục cho thế hệ tương lai về sử dụng năng lượng sạch – bảo vệ hành tinh xanh.
Lợi ích từ việc lắp đặt điện mặt trời tại các trường học
Hệ thống năng lượng mặt trời lắp trên mái tại một trường học ở Quảng Nam

Hưởng ứng chính sách của Chính phủ và lời kêu gọi toàn thế giới hành động bảo vệ môi trường, nhiều trường học tại Việt Nam đã lắp đặt và sử dụng điện năng lượng mặt trời. Hệ thống này đã mang đến nhiều lợi ích.

 

Lắp đặt điện mặt trời tại các trường học không chỉ là một giải pháp kinh tế mà còn là bài học trực quan sinh động về năng lượng sạch, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho thế hệ tương lai ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Mô hình này đã mang đến nhiều lợi ích thiết thực và hiệu quả lâu dài như: Tiết kiệm chi phí điện năng hàng tháng; Giảm phát thải CO2; Xây dựng mô hình trực quan - hiện đại về điện năng lượng mặt trời, tạo điều kiện cho học sinh nghiên cứu và khởi xướng những ý tưởng sáng tạo khoa học cải tiến, bảo vệ môi trường; Lan tỏa đến cộng đồng dân cư về tầm quan trọng của việc sử dụng nguồn năng lượng sạch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

 

Thông qua việc lắp đặt điện năng lượng mặt trời trong nhà trường, học sinh dễ dàng tiếp cận - trải nghiệm và quan sát trực quan từ mô hình thực tế của hệ thống điện mặt trời hòa lưới. Cũng từ các mô hình này có thể khơi gợi học sinh nảy ra những ý tưởng mới, những sáng kiến, sáng tạo khoa học về công nghệ, bảo vệ môi trường.

 

Hệ thống điện mặt trời hòa lưới với các tấm pin mặt trời lắp đặt trên mái nhà trường, mái nhà giữ xe, khu đất trống trong khuôn viên trường… Các tấm pin sẽ hấp thu quang năng từ mặt trời, bộ chuyển đổi Inverter hoạt động chuyển quang năng thành điện năng, sau đó điện sạch sẽ theo đường dây đến các thiết bị tiêu thụ điện.

 

Thực tế, đã có rất nhiều phát minh ứng dụng năng lượng mặt trời ấn tượng tại các trường học ở Việt Nam. Ví dụ, tại Trường Đại học RMIT, các trạm sạc năng lượng mặt trời được xây dựng trong khuôn viên trường học. Với trạm sạc này, các sinh viên, giảng viên và cán bộ nhân viên của Nhà trường có thể sạc điện thoại, máy tính… vào mọi thời điểm trong ngày, kể cả khi mất điện. Nhờ đó, việc học tập, giảng dạy và giữ liên lạc sẽ không bị gián đoạn vì các thiết bị hết pin. Với các tấm pin năng lượng mặt trời được thiết kế thành mái che, bàn và ghế làm bằng đá granite, hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED, trạm sạc có thể được sử dụng như một chỗ để thảo luận, trao đổi nhóm hoặc nghỉ ngơi, trò chuyện.

 

Ở Trường Đại học Cửu Long (Vĩnh Long), Nhà trường còn xây dựng hẳn nhà máy điện năng lượng mặt trời có công suất 980 kWp với 3.000 tấm pin năng lượng mặt trời, nằm trên diện tích 15.000m2 trong khu vực thực hành và thí nghiệm của trường. 35% lượng điện năng sản xuất ra được sử dụng để vận hành các thiết bị trong trường, số còn lại được hòa vào lưới điện, bán cho điện lực, thu về khoảng 660.000 USD/năm.

 

Rõ ràng, việc các trường học lắp đặt điện mặt trời tạo ra nguồn điện sạch phục vụ các hoạt động trong nhà trường sẽ có ý nghĩa lan tỏa mạnh mẽ để nâng cao ý thức cho cộng đồng. Điều này cũng giúp các trường học tiết kiệm chi phí tiền điện hàng tháng, giảm tải nhu cầu ngày càng tăng lên về năng lượng và góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

 

Trường An


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang